Dọc đường đến lớp, ngang qua chỗ xây nhà, thấy người ta đang cưa chặt một cổ thụ, con bé bỏng thốt một câu hỏi khiến bố cũng ngơ ngác: “Sao người ta lại nỡ giết một cái cây đẹp thế bố nhỉ?”.
“Con à, người ta còn sắp đốn gục cả hàng cổ thụ ven hồ Thủ Lệ nửa thế kỷ xanh um tùm để nhường chỗ cho dự án tàu điện Metro. Một cổ thụ lẻ loi đó trên đường bố con mình đi qua nào thấm tháp gì.
Sau này, tàu điện trên cao sẽ đưa bố con mình và nhiều hành khách chạy qua những nơi vẫn còn sót lại nỗi đau nhựa cây tứa như máu trắng. Đời một hàng cây khép lại chỉ bằng những nhát cưa sắc lạnh.
Hồi bé, bố cũng giống các con học bài sinh vật đầu tiên. Tò mò, run rẩy chờ từng mầm đậu mọc lên từ cái hộp nhựa xúm xít ít đất vườn. Bố nghĩ rằng đó là một trong những bài học sinh động nhất và có ý nghĩa hơn gấp vạn lần những khẩu hiệu giăng quanh lớp học. Sự sống sinh sôi trong ánh nhìn lành thiện trong veo của lũ trẻ. Từ đó, các con bắt đầu khám phá thế giới với biết bao câu hỏi không dễ trả lời.
Lớn lên con cũng sẽ hiểu “rừng vàng biển bạc” không bao giờ là vĩnh cửu. Nó đã bị bào mòn, mất dạng trong sự tham lam đến tàn độc của con người. Người ta phá rừng, khu bảo tồn thiên nhiên, đất canh tác để ồ ạt làm thủy điện; san phẳng những cánh rừng làm sân gôn, resort; gạch tên những cánh đồng bát ngát khỏi trí nhớ người nông dân, bắt họ trở thành những người giàu xổi từ tiền đền bù đất, và rồi cùng cực trong môi trường xa lạ mà trước đây vốn thân thuộc trong từng giấc ngủ cơn mơ; co hẹp lại những diện tích đào quất Nhật Tân, Nghi Tàm linh hồn tết xưa, húng Láng thơm thơm mùi phố cũ; thu hẹp những bóng đa, hàng cau, hàng tre tỏa mát quanh làng; làm biến dạng những đền đài miếu mạo...
Gần đây, người ta tranh luận rất nhiều về dự án di chuyển cải tạo cầu Long Biên. Và giờ thì có vẻ như những hàng cổ thụ không còn cơ hội để mọi người đem ra cân nhắc, bàn bạc. Con à, nó cũng là một phần lịch sử thành phố, là ký ức thiêng liêng không kém giá trị cây cầu sắt hoen gỉ. Dưới hàng cây đó, các thế hệ đã được chở che, như đã từng được sánh bước qua cây cầu lịch sử. Nên nhớ, những hàng cây đó có chứa những phần hồn không dễ bị chặt hạ.
Giờ là lúc con phải đối mặt với những sự thật lẩn khuất trên những gương mặt khác nhau của sự phát triển.
Và những câu hỏi giản dị thốt vào hơi gió của con mãi vẫn không thể trả lời, cho cả đến khi con giữ trong tay tấm vé ngồi trên toa tàu Metro sạch bong băng băng đi về trên dấu vết hàng cây xưa”./.
>> Xem thêm: Hình ảnh hàng cổ thụ ven hồ Thủ Lệ nhìn từ camera bay