Anh ngồi cạnh cái chỗ quen thuộc của tôi ở quán cà phê từ lúc nào. Tôi bước vào, cả hai mỉm cười gật đầu chào. Anh lại cúi xuống tờ báo. Tôi cũng với một tờ báo trong khi chờ chủ quán đem tới một ly.

Rồi anh ngẩng lên, với tay hút một ngụm cà phê, mắt nhìn đăm đăm ra lộ, nói Phong ơi, chắc anh phải cho cháu đăng ký thi đấu đợt này. Anh ngừng một lát ở nguyên cái tư thế ấy, chắc có ý chờ xem thái độ của tôi, rồi anh lại chúi đầu vào tờ báo, chẳng biết đọc hay nghĩ gì.

Hôm đầu tuần, cũng ở quán cà phê này, anh hỏi Phong làm báo có biết Hội thi thể thao – văn hóa các trường nội trú sắp tổ chức không. Mình nói có, cũng thấy mời phóng viên.

Anh nhìn ra con lộ nhỏ phía trước quán, nén thở tiếng thở dài, nói khó nghĩ quá Phong à, nhỏ con nhà mình đâu có học trường dân tộc nội trú, không có trong thành phần tham dự hội thi, nhưng nó biết chơi bóng bàn, thế là mấy ông Sở mới gợi ý để nó qua đánh giải.

Anh muốn tôi thông cảm thế kẹt của anh, hay muốn tôi cho ý kiến trong lúc khó xử này? Biết đâu anh nói để bắn tin, nhờ cậy anh em làm báo bỏ qua nếu phát hiện ra cháu trong hội thi. Điều này thì có thể lắm chứ, ở cái tỉnh bé tí này, mấy đứa trẻ con đánh bóng bàn giỏi đếm trên đầu ngón tay, ai chẳng biết. 

mhgiaoducchuan_6e0aa_zxim.jpg(Ảnh minh họa: giaoduc.net)

Dù lý do gì đi nữa thì tôi cũng chẳng biết phải nói với anh thế nào. Ba cái vụ gian dối tráo người thi đấu ở cái đất nước này diễn ra như cơm bữa. Đến ngay Hội khỏe Phù Đồng toàn quốc, quy mô như thế mà còn đưa vận động viên năng khiếu, thậm chí là chuyên nghiệp vào thi đấu để giành giật thành tích nữa là hội thi của các trường nội trú.

Tôi nhìn anh, tin rằng anh khó xử thật. Anh không muốn cho Sở mượn cháu nhưng hình như chẳng nghĩ được cách gì. Anh bảo, giờ cho cháu đi du lịch hoặc cáo ốm thì lộ quá mà từ chối thì con mình đang học ở đây, trong tay họ... Họ đã tới tận nhà thuyết phục, rằng “cả chục năm tỉnh mới đăng cai hội thi một lần, là học sinh tỉnh nhà thì phải có tinh thần màu cờ sắc áo”...

Cháu nhà anh tôi biết, vì nhiều hôm anh vẫn nhờ cháu dạy bóng bàn cho tôi mỗi khi bận. Nó học lớp 10, lại là nữ, mà học sinh nữ tham gia môn này ít lắm, nếu tham gia cầm chắc giải nhất về cho tỉnh.

Cái điều anh e ngại và bận tâm nhất là thường ngày vẫn dạy cháu phải biết trung thực. Vì thế, nếu như đồng ý để cho mấy ông Sở đến chụp ảnh, làm hồ sơ học bạ dởm… thì bao điều tốt đẹp dạy dỗ con trước nay đổ xuống sông xuống biển. Con cái nó còn coi ra gì nữa. Có khi nó nghĩ mình toàn tào lao.

Anh hút liền mấy hơi, ly cà phê cạn kiệt. Sợ lúc nãy tôi chưa nghe ra, anh lặp lại: Phong ơi, chắc anh cho cháu thi đấu đợt này. Các đội khác họ cũng đi mượn vận động viên của trường năng khiếu Phong ạ.

Tôi biết anh nói vậy để cố xua đi cảm giác xấu hổ của một người cha khi buộc phải làm một việc mà lương tâm không muốn. Anh ngượng vì đã chà đạp, đã nhổ toẹt vào những vẻ đẹp cao thượng, trung thực trong thể thao mà anh từng dạy con từ lúc chúng chưa cầm vững cái vợt bóng bàn.

Rồi anh cười nhạt không ra tiếng, cái cười rất lạ ở anh, một người đàn ông vùng sông nước miền Tây luôn khẳng khái và phóng khoáng. Anh bảo làm cha thời này cũng khó, Phong nhỉ!/.