Vừa qua, vụ việc 9 cầu thủ của Đồng Nai và V.Ninh Bình bị VFF cấm thi đấu vĩnh viễn đã tạo ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Nhiều người cho rằng, án phạt với các cầu thủ đã “nhúng chàm” là quá nặng và cần phải xem xét lại hành vi vi phạm pháp luật của từng cá nhân để luận ra đúng người, đúng tội.

Những ai chứng kiến phiên toà xử các cầu thủ bán độ cách đây ít tháng tại Ninh Bình chắc hẳn còn nhớ hình ảnh một lão nông chừng 80 tuổi, người gầy gò, ngồi dựa cằm vào thành ghế ở hàng trên để lắng nghe từng câu của vị chủ toạ. Đó là ông Lê Văn Ba, bố của Lê Quang Hùng, người từng góp mặt ở đội U23 Quốc gia, nay đứng trước vành móng ngựa.

Phiên toà kết thúc, Quang Hùng cùng 8 người đồng đội của mình phải nhận những bản án hình sự. Hùng được hưởng án treo. Một hình ảnh nữa khiến người ta nhớ mãi là cựu cẩu thủ này đưa bố ra khỏi phòng xử án, lên chiếc xe máy và ra về.

lqt_1115_clsr_ppho.jpg
Lê Quang Hùng từng khóc trước vành móng ngựa vì hành vi của mình nhưng tất cả đã quá muộn (Ảnh: Q.T).
Ai cũng biết gia cảnh nhà Quang Hùng khó khăn, nhờ bóng đá mà thoát nghèo, nay dính án, gia đình này biết sống ra sao? Câu hỏi đó khiến nhiều người canh cánh trong lòng. Hơn nữa, Quang Hùng không phải là người cầm đầu, anh chỉ bị đồng đội xấu lôi kéo rủ rê.

Nhưng nên nhớ, trong nhiều năm trở lại đây, cái tâm lý “giơ cao – đánh khẽ” khiến những trường hợp kiểu “một phút thiếu suy nghĩ” như của Quang Hùng nêu trên trở nên nhan nhản trong đời sống bóng đá nước nhà. Giải đấu hàng đầu Việt Nam V – League, đã lên chuyên nghiệp được 14 năm nay nhưng khán giả vẫn lắc đầu với đội bóng. Một phần lớn là do họ đã mất hết lòng tin vào kết quả trung thực của các trận đấu.

Không chỉ ở V – League, ở cấp độ quốc gia, mỗi khi đội đá dưới sức là ngay lập tức cụm từ “bán độ” được nhắc tới. Nó ăn sâu vào tiềm thức của không chỉ người hâm mộ mà còn với cả với nhiều nhà quản lý bóng đá. Điển hình như trường hợp gần đây, ĐT Việt Nam thua trận bẽ bàng trước ĐT Malaysia trong trận bán kết lượt đi AFF Cup 2014, ông Lê Hùng Dũng - Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã lên tiếng nghi ngờ trận đấu “có mùi” và nhờ công an điều tra giúp. Vài tuần sau, công an nói rằng, họ không điều tra vì trận đấu đó không có biểu hiện gì lạ.

Vậy đấy, “bán độ” trở thành nỗi ám ảnh đối với mọi người. Ngay cả những cầu thủ trong sạch, đổ máu vì màu cờ sắc áo của đội tuyển, khi lên thì lành lặn, khi về thì chấn thương cũng bị nghi ngờ một cách không thương tiếc. Danh dự của họ bị cả người quản lý cấp cao nhất coi là con số không, nói chi những người hâm mộ. Như cự danh thủ Đỗ Khải nói: “Cứ như này, ai còn dám lên tuyển”. Tại sao những người trong sạch vẫn bị nghi ngờ, đó là do những trường hợp như Quang Hùng.

Trở lại với câu chuyện cấm vĩnh viễn 9 cầu thủ, xét về lý, họ là những người phạm tội và việc chịu hình phạt là đương nhiên. Về tình, bóng đá đã cho các cầu thủ tất cả, giúp họ thoát nghèo nhưng họ lại đi phản bội bóng đá. Vậy nên, đừng để đến khi bị phát giác rồi mang bố mẹ, hoàn cảnh gia đình để xin giảm án.

Việc cấm vĩnh viễn các cầu thủ bán độ thi đấu biết là “đau” nhưng muốn trị một căn bệnh trầm kha thì buộc phải chịu đau. Cắt đi một phần hoại tử trên cơ thể để giúp những phần khác khoẻ mạnh là việc phải làm. Những cầu thủ bị loại bỏ khỏi đời sống bóng đá trước đó đã được trao cơ hội và điều kiện nhưng bản thân họ không biết trân trọng, mà còn làm vấy bẩn hình ảnh chung, vậy nên, việc loại bỏ vĩnh viễn không có gì để mà tiếc (!)./.