1.Bê bối của FIFA

10_su_kien_the_thao_the_gioi_nam_2015_1_kjlj.jpg
Uy tín của FIFA sụt giảm nghiêm trọng trong năm 2015. (Ảnh: EPA)

Cuối cùng, sau những bằng chứng không thể chối bỏ liên quan đến tham nhũng và nhận hối lộ quyền đăng cai World Cup, người đứng đầu FIFA – Sepp Blatter đã lĩnh án cấm hoạt động bóng đá trong 8 năm. Bản án tương tự dành cho Chủ tịch UEFA – Michel Platini. Đây có thể coi là vụ bê bối nghiêm trọng của cơ quan bóng đá quyền lực nhất thế giới. Trong bối cảnh “rắn mất đầu”, FIFA sẽ tiến hành bầu cử chủ tịch vào đầu năm 2016.

2.Scandal video “nhạy cảm” của Benzema và Valbuena

Benzema và Valbuena từ bạn thành thù vì scandal ngoài sân cỏ. (Ảnh: Getty)

Tiền đạo Karim Benzema của Real có thể sẽ phải đối mặt án 5 năm tù giam sau khi bị buộc tội “đồng lõa tống tiền” đồng đội người Pháp - Mathieu Valbuena. Với những gì đã xảy ra, Benzema tạm thời bị cấm cửa lên ĐT Pháp, nếu không khắc phục sớm hậu quả, tiền đạo Real sẽ không thể tham dự EURO 2016 được tổ chức trên chính quê nhà.

3.Khủng bố đe dọa trận giao hữu giữa Pháp – Đức

Khán giả trên SVĐ Stade de France tràn xuống sân sau khi trận đấu kết thúc. (Ảnh: AFP)

Cuộc khủng bố đẫm máu nhằm vào Paris giữa tháng 11 đã khiến cả thế giới rúng động về mức độ thiệt hại cũng như nhiều vấn đề liên quan. Đáng chú ý, một trong những mục tiêu nằm trong kế hoạch của bọn khủng bố là SVĐ Stade de France, nơi diễn ra trận giao hữu giữa ĐT Pháp và Đức. Mưu đồ đánh sập SVĐ Stade de France đã thất bại nhưng đã có gần 160 dân thường thiệt mạng và vô số người bị thương.

4.Đức báo động vì nguy cơ đánh bom SVĐ

Sau vụ khủng bố tại Paris, tất cả các quốc gia châu Âu đều thắt chặt an ninh. Mối lo sợ bị đánh bom bao trùm mọi mặt cuộc sống ở nhiều quốc gia. Ngày 18/11, sau khi nhận thông báo về nguy cơ SVĐ ở Hannover có thể bị đánh bom, trận đấu giao hữu giữa Đức và Hà Lan đã bị hoãn và khán giả phải sơ tán. Trước đó, để thể hiện sự đoàn kết giữa các quốc gia châu Âu trên mặt trận chống khủng bố, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã dự định tham dự trận đấu bóng Hà Lan - Đức cùng Phó thủ tướng Sigmar Gabriel và một số quan chức chính phủ khác. Hai Bộ trưởng Hà Lan, gồm bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Thể thao và Y tế đáng lẽ cũng dự trận bóng nhưng sau đó trở về nhà.

5.Nạn doping điền kinh thế giới và Nga

Điền kinh Nga dính bê bối doping. (Ảnh: Getty)

Koki Manunga (21 tuổi) và Joyce Zakary (29), hai VĐV Kenya tham gia thi đấu ở nội dung chạy 400m, đều bị phát hiện dương tính với chất kích thích trong các mẫu kiểm tra lấy được trong các ngày 20 và 21/8 tại giải vô địch thế giới.

Ngay sau đó, 5 VĐV điền kinh của Nga bị phát hiện dương tính với doping và đứng trước nguy cơ vắng mặt tại Olympic Rio 2016.

Trước đó, Tờ The Sunday Times (Anh) và kênh truyền hình ARD/WDR của Đức vừa tiết lộ thông tin có khoảng 800 VĐV hàng đầu bị nghi ngờ sử dụng doping. Báo cáo này cũng cho rằng có tổng cộng 55 HCV trong tổng số 146 huy chương các loại mà các VĐV đoạt được ở các kỳ Olympic và giải vô địch thế giới trong thời gian 2001-2012 đều bị nghi ngờ “dính” doping.

6.Bạo lực tại vòng loại Euro 2016 giữa Albania và Serbia

Cầu thủ Albania và Serbia xung đột trên sân cỏ năm 2014. (Ảnh: Getty)

Lịch sử mẫu thuẫn liên quan đến địa chính trị và xung đột sắc tộc đã ảnh hưởng đến trận đấu vòng loại EURO 2016 giữa Albania và Serbia. Bắt nguồn từ bạo lực ở trận lượt đi năm 2014 khiến trọng tài phải hủy bỏ vì bạo loạn dẫn đến trận tái đấu diễn ra trong không khí căng thẳng, sẵn sàng bùng phát những hành động quá khích từ trên khán đài xuống sân cỏ.

7.CĐV Chile “hỗn chiến” như thời trung cổ

Những hành động bạo lực tại giải Chile. (Ảnh: Getty)

Trong trận đấu giữa Santiago Wanderers và Colo Colo tại giải Chile, các CĐV đã lao vào đánh nhau như thời trung cổ. Gạch đá, cột gôn, chai lọ… đã được các CĐV mang ra làm vũ khí. Không chỉ đánh nhau, các CĐV quá khích còn tranh thủ đập tan nát sân Elias Finguera Brander. Nguyên nhân dẫn đến sự việc này là do Colo Colo đã đăng quang sớm. Theo một số nhân chứng, CĐV Colo Colo đã ăn mừng một cách thái quá và khiến cho các CĐV Santiago Wanderers "ngứa mắt".

8. Scandal trốn thuế của ngôi sao bóng đá số 1 thế giới

Messi đối diện tội danh trốn thuế. (Ảnh: Getty)

Năm 2015 là một năm thành công của Messi với Barca khi đội bóng này đoạt cú ăn 5. Tuy nhiên, bên ngoài sân cỏ Messi cùng bố vướng vòng lao lý khi các nhà chức trách Tây Ban Nha cáo buộc ngôi sao này tội danh trốn thuế hơn 4 triệu Euro trong năm 2007 và 2009 liên quan đến những hợp đồng quảng cáo với Adidas, Pepsi và một vài công ty khác.

9. Cái chết của cậu bé nhặt bóng chày 9 tuổi

Theo Hãng thông tấn BBC, khi lao ra nhặt bóng lúc trận đấu đang diễn ra, Kaiser Carlile đã vô tình bị gậy bóng chày phang trúng đầu. Sự việc đau lòng này xảy vào ngày 1/8 tại Giải National Baseball Congress World Series - một giải đấu mùa hè dành cho các cầu thủ đại học tại Wichita, Kansas. Và Kaiser Carlile - một cậu bé nhặt bóng và sắp xếp các thiết bị cho các cầu thủ trên sân của đội Liberal Bee Jays đã qua đời dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa.

10. Cầu thủ bị đột tử vì nhiều nguyên nhân

Năm 2015 chứng kiến nhiều trường hợp đột quỵ, trụy tim khi các cầu thủ thi đấu trên sân. Điển hình như hậu vệ Gregory Mertens (Bỉ) 24 tuổi đã bất tỉnh và được đưa thẳng vào bệnh viện thành phố Genk trong tình trạng hôn mê khi sau đột quỵ ngay trên sân, trong trận đấu giữa Sporting Lokeren và Genk hôm 28/4.

Chỉ chưa đầy 2 tuần sau cái chết của Gregory Mertens vì bị đột quỵ, một đồng nghiệp khác của anh đang chơi ở giải hạng tư Bỉ cũng rơi vào bi kịch tương tự. Đó là Tim Nicot, hậu vệ 23 tuổi, thuộc biên chế đội bóng hạng tư Bỉ Wilrijk-Beerschot.

Đến tháng 7, năm nay 23 tuổi, Junior Dian đang là cầu thủ thử việc trong màu áo CLB Tonbridge Angels. Dian vừa vào sân trong hiệp 2 trận gặp Whyteleafe FC trên sân Church Road, anh mới đá được khoảng 20 phút thì đổ gục xuống sân. Các bác sĩ trên sân rất cố gắng cấp cứu cho Dian, trước khi anh được đưa vào bệnh viện St George ở phía nam London và qua đời chỉ vài giờ sau đó./.