1. “Kình ngư” Nguyễn Thị Ánh Viên lập nên những kỳ tích cho bơi lội Việt Nam ở đấu trường khu vực và thế giới.

anhvien_tyjr.jpg
Ánh Viên phá 8 kỷ lục SEA Games tại SEA Games 28 tại Singapore.

Năm 2015 là một năm vô cùng thành công của Nguyễn Thị Ánh Viên khi vận động viên bơi lội 19 tuổi này đã phá 8 kỷ lục SEA GAMES tại SEA GAMES 28; giành vé tham dự Olympic 2016 tại Brazil và giành 2 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng tại Cúp bơi lội thế giới; 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Đồng tại Đại hội Thể thao Quân sự Thế giới. Thành tích này là kết quả của tài năng cộng với quá trình khổ luyện và sự đầu tư thích đáng của Nhà nước. Trang tin tức bơi lội hàng đầu của Mỹ - Swimswam đã chọn VĐV Nguyễn Thị Ánh Viên là 1 trong 5 kình ngư nữ hay nhất châu Á 2015.

2. Cử tạ Việt Nam giành vé dự Olympic mùa Hè 2016 tại Brazil.

Cử tạ Việt Nam giành 3 vé tham dự Olympic Rio 2016.

Kết thúc giải vô địch cử tạ thế giới 2015 với 2 HCB và 2 HCĐ, trong đó Vương Thị Huyền giành 2 HCB, 1 HCĐ nội dung 48kg nữ, đội tuyển cử tạ Việt Nam đã đạt điểm đồng đội với vị trí xếp hạng trong top 19 – 24 để đoạt 3 suất tham dự Olympic vào năm 2016. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử thể thao Việt Nam có 1 môn giành được 3 vé tham dự Olympic cùng lúc, nâng tổng số suất của Việt Nam tham dự Thế vận hội tại Rio de Janeiro lên con số 6 gồm: Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi); Hoàng Xuân Vinh, Trần Quốc Cường (bắn súng) và 3 suất cử tạ.

3. Đoàn thể thao Việt Nam đứng thứ 3 SEA GAMES 28

Đoàn thể thao Việt Nam đứng thứ 3 chung cuộc trong bảng xếp hạng huy chương SEA Games 28.

Với 73 HCV, đứng trong top 3 trên bảng thành tích chung cuộc của SEA GAMES. Không những thế, các vận động viên đã vượt chỉ tiêu đề ra trước ngày lên đường tham dự SEA Games 28 là giành 56 - 65 HCV. Điểm sáng chính là các môn thể thao Olympic chiếm hơn 85% số HCV mà Đoàn thể thao Việt Nam giành được. Trong đó, riêng 3 môn trọng điểm là bơi (10 HCV), điền kinh (11 HCV), TDDC (9 HCV) nêu công đầu.

4. Đoàn thể thao người khuyết tật giành 48 Huy chương vàng tại ASEAN PARAGAMES.

Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam giành 48 HCV, 58 HCB và 50 HCĐ, đứng thứ tư trên bảng tổng sắp.

Tại Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á (Asean Paragames 2015), Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam giành 48 HCV, 58 HCB và 50 HCĐ, đứng thứ tư trên bảng tổng sắp sau các đoàn Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Với 19 HCV, các vận động viên bơi lội Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế hàng đầu tại các kỳ Paragames. 2 môn khác nằm trong hệ thống thi đấu của Paralympic là điền kinh và cử tạ cũng thi đấu thành công, riêng cử tạ giành 6 HCV.

5. Nguyễn Thị Huyền – Nữ hoàng mới của điền kinh Việt Nam.

Nguyễn Thị Huyền giúp điền kinh Việt Nam gặt thành công vang dội tại SEA Games 28.

Chiến thắng của Nguyễn Thị Huyền trên đường chạy điền kinh tại SEA Games 28 là một bất ngờ. Giành 3 HCV ở các nội dung 400m, 400m rào và 400m tiếp sức nữ, phá 1 kỷ lục, giành 2 chuẩn dự Olympic 2016, Nguyễn Thị Huyền giúp cho điền kinh Việt Nam có kỳ SEA Games thành công nhất lịch sử, với tổng cộng 11 HCV.

6. Lý Hoàng Nam lọt vào top 1000 của quần vợt thế giới.

Lý Hoàng Nam cùng Nagal vô địch Wimbledon 2015 nội dung đánh đôi nam trẻ. (Ảnh: GT)

Lý Hoàng Nam đi vào lịch sử quần vợt Việt Nam khi trở thành VĐV đầu tiên lọt vào top 1000 thế giới. Đây là thứ hạng cao nhất mà 1 tay vợt Việt Nam giành được. Thành tích đáng chú ý nhất của anh là ngôi vô địch đôi nam trẻ Wimbledon 2015 khi đánh cặp cùng với Sumit Nagal người Ấn Độ. Đây cũng là cột mốc trong sự nghiệp của Lý Hoàng Nam khi anh chính thức chuyển sang chơi ở hạng nhà nghề, thay vì chỉ đấu các giải trẻ như trước đây.

7. Cờ vua Việt Nam vô địch thế giới lứa tuổi U8.

Kỳ thủ nhí Cẩm Hiền (chính giữa) đăng quang ngôi vô địch, (Ảnh: FIDE)

Kỳ thủ Nguyễn Lê Cẩm Hiền, quê ở Quảng Ninh, xuất sắc đoạt chức vô địch lứa tuổi U8 nữ tại Giải cờ vua trẻ thế giới 2015 tổ chức tại Halkidiki (Hy Lạp). Thành tích của Nguyễn Lê Cẩm Hiền tiếp nối các đàn anh như: Đào Thiên Hải, Nguyễn Ngọc Trường Sơn, Trần Minh Thắng, Nguyễn Anh Khôi...vô địch thế giới ở lứa tuổi trẻ. Điều này cho thấy tiềm năng và thế mạnh của Việt Nam trong môn cờ Vua còn rất lớn.

8. Đội tuyển bóng đá Việt Nam các lứa tuổi lọt vào vòng chung kết châu Á.

Đội tuyển U23, U19 và U16 Việt Nam lọt vào VCK châu lục.

Đội tuyển U23, U19 và U16 đã thi đấu xuất sắc tại Vòng loại các giải trẻ của châu Á 2016 và giành vé dự Vòng chung kết của châu lục. Thành tích này là sắc màu tươi tắn trên bức tranh bóng đá Việt Nam năm 2015 khi mà đội tuyển quốc gia nam và nữ thi đấu không thành công còn Liên đoàn bóng đá Việt Nam vẫn đang loay hoay tìm hướng phát triển cho bóng đá trong nước, trên cả phương diện CLB cũng như đội tuyển.

9. Becamex Bình Dương giành chức vô địch V. League lần thứ 4.

B.Bình Dương giành chức vô địch V-League 2015.

Với lực lượng vượt trội, Becamex Bình Dương một lần nữa đăng quang V.League để trở thành đội bóng giành nhiều chức vô địch nhất kể từ khi bóng đá Việt Nam lên chuyên nghiệp. Trong khi đó, Hoàng Anh – Gia Lai với lứa cầu thủ U19 năm trước như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh… dù tạo hiệu ứng tích cực khi thu hút khán giả đến sân lại thi đấu không thuyết phục và chỉ cán đích ở vị trí áp chót trên bảng xếp hạng.

10. Những bất cập trong Quy chế  bóng đá chuyên nghiệp liên quan tới cầu thủ bị chấn thương.

Vụ Quế Ngọc Hải - Anh Khoa chỉ ra nhiều bất cập đang tồn tại trong quy chế bóng đá chuyên nghiệp.

Pha vào bóng thô bạo với Trần Anh Khoa trong trận đấu thuộc vòng 25 V.League khiến Quế Ngọc Hải (Sông Lam – Nghệ An) bị treo giò 6 tháng nhưng dư luận quan tâm hơn tới việc trung vệ người Nghệ An phải đền bù hơn 800 triệu đồng chi phí chữa trị cho cầu thủ của SHB – Đà Nẵng. Vụ việc chỉ ra những tồn tại trong quy chế bóng đá chuyên nghiệp và buộc công ty VPF phải thay đổi điều khoản trong quy định kỷ luật ở mùa giải tới./.