Phạm Thị Thu Trang dự SEA Games 30 theo dạng “vé vớt”, nhưng cô gái sinh năm 1998 đã thi đấu bền bỉ, kiên cường để xuất sắc giành tấm HCV ở nội dung đi bộ 10km. Đây là tâm HCV đầu tiên của Trang ở sân chơi SEA Games và nó cũng là tấm HCV đầu tiên trong sự nghiệp của cô gái đến từ Chương Mỹ (Hà Nội).

thu_trang_vov_xkjg.jpg
Phạm Thị Thu Trang giành HCV SEA Games trong lần đầu tiên tham dự (Ảnh: Ngọc Duy).

Cũng như bao vận động viên khác, để có được thành công, Phạm Thị Thu Trang đã phải trải qua nhiều khó khăn, thử thách. Ngoài chiến đấu với những đối thủ, cô còn phải chiến đấu để vượt qua chính bản thân mình. Đằng sau tấm HCV ở SEA Games 30 là nhiều câu chuyện cảm động của vận động viên này.

Luyện thể lực từ công việc đồng áng

Phạm Thị Thu Trang sinh năm 1998, quê ở Chương Mỹ - Hà Nội. Sinh ra trong gia đình thuần nông, quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Trang là người thấu hiểu những vất vả, khổ cực của bố mẹ hơn ai hết khi phải lao động quần quật để nuôi 5 chị em.

Chính vì thế, từ nhỏ Trang đã giúp bố mẹ là nhiều việc như bao đứa con nhà nông khác. Từ những công việc nhà như quét nhà, quét sân, rửa bát đến những công việc đồng như cắt cỏ, chăn bò, cấy, gặt hay vác lúa, Trang đều trải qua.

Có lẽ, từ những công việc phụ giúp bố mẹ thường nhật mà Trang đã rèn cho mình được sức bền, thể lực hơn người so với các bạn cùng trang lứa, cho dù chiều cao, cân nặng của cô gái này khá khiêm tốn, nếu không muốn nói là nhỏ bé so với những bạn đồng niên.

Phạm Thị Thu Trang bén duyên với môn Điền kinh từ năm lớp 9. Cô được bố chở lên trung tâm tập luyện mỗi ngày. Trong quá trình tập luyện, tố chất của Trang được bộc lộ và được các thầy nhìn ra nên sau đó cô gái sinh năm 1998 được tuyển vào đội điền kinh và được ký hợp đồng 5 năm.

Ban đầu, Thu Trang tập luyện và thi đấu ở các cự ly marathon 5km, 10km và 42km. Tuy nhiên, sau đó cô được các thầy hướng sang bộ môn đi bộ và tập nội dung này trong 2 năm trở lại đây.

Trước khi giành HCV SEA Games 30, Thu Trang đã phải trả qua nhiều khó khăn (Ảnh: Ngọc Duy).

Thời gian đầu chuyển sang nội dung mới, Trang khá bỡ ngỡ, thường xuyên tập sai kỹ thuật, chân hay bị tê, đau nhức nên cảm thấy chán nản. Trang tâm sự, trong đầu cô đã nghĩ tới việc bỏ cuộc, nhưng nhờ sự động viên của các thầy nên tiếp tục con đường của mình.

Trong thời gian tập luyện ở trung tâm, vào dịp cuối tuần khi được nghỉ tập, Trang thường tranh thủ về nhà thăm bố mẹ và giúp đỡ gia đình. Do nhà làm 7 sào ruộng nên cứ đến mùa cấy, mùa gặt Trang đều về nhà phụ giúp bố mẹ.

Những công việc gắn bó với mình từ tuổi thơ như cấy, gặt hay vác lúa đã giúp Trang rèn được sức khỏe, sức bền. Đây là những yếu tố mà bộ môn điền kinh nói chung và nội dung đi bộ nói riêng rất cần.

Chạy Grab lên đỉnh Đông Nam Á

Ban đầu Phạm Thị Thu Trang được bố mẹ ủng hộ theo điền kinh, nhưng càng về sau khi mà làn da của cô xạm đi, thân hình ngày một quắt và sự vất vả hiện rõ trên gương mặt thì cô đã không nhận được sự đồng tình của bố mẹ nữa.

Bố mẹ muốn Trang về làm công ty hoặc làm một công việc gần nhà kiếm ít vốn để sau này lấy chồng. Trang hiểu rõ tâm tư, suy nghĩ của bố mẹ vì cô biết rằng bố mẹ làm như vậy cũng chỉ muốn tốt cho mình nên cô không dám than trách nửa lời.

Thu Trang phải chạy xe ôm công nghệ để kiếm thêm thu nhập trong quá trình tập luyện chuẩn bị cho SEA Games 30 (Ảnh: Ngọc Duy).

Khi bị bố mẹ cấm, định hướng sang công việc mới, Trang cũng đã trao đổi với các thầy ở trung tâm về mong muốn của bậc sinh thành. Ban đầu, cô cũng có ý định nghỉ, nhưng sau khi được thầy Hồng động viên, cô quyết định với niềm đam mê của mình.

Và để bố mẹ không phải suy nghĩ, Trang nói là mình tìm được công việc ở trên thành phố và đang đi làm. Thực chất, cô gái sinh năm Mậu Dần vẫn tập luyện ở trung tâm và chạy grab vào buổi tối. Mỗi tối cô chạy khoảng 2 tiếng để kiếm thêm nhu nhập. Trang tâm sự rằng, chạy xe xong về nhà ngủ ngon hơn và không ảnh hưởng đến việc tập luyện.

Nhiều khách đặt xe của Trang thấy cô gái “tí hon” làm tài xế cảm thấy nghi ngờ về năng lực lái xe. Có người còn hỏi em có đèo được không đấy? Trang tâm sự, đã có vài lần cô từ tài xế trở thành “hành khách bất đắc dĩ” trên chiếc xe của mình.

Công việc chạy grab buổi tối cũng khá vất vả và nguy hiểm với phận nữ nhi, nhưng Trang không quản ngại. Nhờ khoảng thời gian 2 tiếng dành ra mỗi buổi tối chạy “xe ôm công nghệ” Trang đã tiết kiệm được hơn 2 triệu đồng mỗi tháng để gửi về quê phụ bố mẹ.

Thấy con gái gửi tiền về đều hàng tháng, bố mẹ của Trang tin rằng con gái mình đã bỏ điền kinh để theo công việc mới. Tuy nhiên, chú Phạm Văn Binh (50 tuổi) và cô Trịnh Thị Thuỷ (51 tuổi) không thể ngờ rằng, con gái mình vẫn theo đuổi đam mê nhờ chạy “xe ôm công nghệ”.

Trang đã giấu bố mẹ mình cho đến khi cô có vé sang Philippines mới gọi điện về nhà. Và khi mà Trang giành HCV vào buổi sáng ngày 8/12/2019, chú Phạm Văn Binh và cô Trịnh Thị Thuỷ đang đi làm nên không biết, họ chỉ hay tin qua hàng xóm.

Ước mơ làm huấn luyện viên

Sau tấm HCV SEA Games 30, câu chuyện cảm động của nữ tài xế “xe ôm công nghệ” được truyền thông đăng tải rộng rãi, người hâm mộ thể thao nước nhà càng khâm phục ý chí của Phạm Thị Thu Trang hơn. Cuộc sống của vận động viên này có nhiều thay đổi, được nhiều người biết đến, nổi tiếng hơn.

Số tiền thưởng sau thành tích ấn tượng ở SEA Games 30 không nhiều nhưng Phạm Thị Thu Trang xin ý kiến bố mẹ được sửa sang căn nhà lụp sụp mà gia đình đang ở. Đồng thời, cô dự định mua một chiếc ti vi mới thay chiếc đã hỏng để bố mẹ cô theo dõi tin tức hàng sau, xem chương trình giải trí sau những giờ làm lụng vất vả.

Về cá nhân mình, Trang chia sẻ, cô sẽ không ngủ quên trên đỉnh vinh quang. Cô ý thức được rằng, mình phải tiếp tục tập luyện chăm chỉ để cải thiện thành tích của bản thân, qua đó được tranh tài ở những giải đấu lớn của châu lục cũng như thế giới.

Bên cạnh đó, vận động viên sinh năm 1998 cũng tiết lộ, cô sẽ xin các thầy tạo điều kiện đi học nghiệp vụ sư phạm để sau này hết tuổi vận động viên có thể chuyển sang sự nghiệp huấn luyện để tiếp tục theo đuổi đam mê, dành tình yêu cho môn điền kinh./.