Ngày 08/5/2013 đã đi vào một phần lịch sử của vương quốc Anh và giải bóng đá Ngoại hạng, khi CLB Manchester United đăng bản thông cáo báo chí về việc Sir Alexander Chapman Ferguson chính thức tuyên bố quyết định nghỉ hưu, vào lúc 9h31 sáng.

Sau 27 năm gắn bó với Man United và giành 49 danh hiệu vô địch lớn nhỏ, trong đó có 13 chức vô địch Premier League và 2 cúp Champions League, Sir Alex đã không giấu những giọt nước mắt khi đưa ra quyết định của mình, trước toàn bộ các cầu thủ, thành viên ban huấn luyện và nhân viên CLB M.U.

alex%20ferguson.jpg
Alex Ferguson (Ảnh: The Sun)

Không gì có  thể kéo dài mãi mãi. Một triều đại vĩ đại nhất cũng phải có lúc kết thúc. Đằng sau những con số ấn tượng và bảng thành tích khó thể lặp lại trong thế giới bóng đá có một trí tuệ, tính cách và một quyết tâm không thể lay chuyển của HLV vĩ đại vào bậc nhất Manchester United. David Beckham, cựu tiền vệ đội trưởng M.U, nói: “Ông ấy đơn giản như một người cha của tất cả các cầu thủ. Bất kỳ ai cũng muốn được chơi bóng dưới quyền ông ấy.”

Eric Cantona, ngôi sao chói sáng của M.U trong thời kỳ đầu của Premier League, khẳng định: “Ông ấy, không nghi ngờ gì, là một trong những HLV vĩ đại nhất của bóng đá thế giới. Quyết định của ông ấy làm tổn thương nền bóng đá này.”

Còn Sir Bobby Charlton, 1 trong 4 người đưa ra quyết định lựa chọn Alex Ferguson thay vì Terry Venables vào năm 1986, nhấn mạnh: “Tôi không nghi ngờ gì về việc ông ấy sẽ thành công, nhưng chưa bao giờ nghĩ rằng ông ấy lại có thể thành công đến như vậy với CLB. Ông ấy dành cả cuộc đời mình, gần 30 năm, để cống hiến cho Man United. Tất cả là một điều kỳ diệu.”

Sir Bobby Charlton và Alex Ferguson năm 1994. (Ảnh: The Mirror)

Sir Alexander Champman Ferguson, tước hiệu Hiệp sĩ vương quốc Anh, cái tên đó quá quen thuộc với những người hâm mộ thế giới. Nhưng cái tên đó có thể đã chìm lấp, nếu Ferguson khi ấy quyết định theo đuổi công việc thợ quai búa trong xưởng đóng tàu, thay vì chơi bóng đá chuyên nghiệp ở vị trí tiền đạo cho CLB Glasgow Rangers.

Nhưng sự thật không thể phủ nhận, với tư cách là một cầu thủ, ông không mấy thành công. Phải đến năm 1978, khi ông trở thành HLV của Aberdeen và đến năm 1980, Aberdeen lần đầu tiên giành chức vô địch Scotland, lần đầu tiên trong 15 năm phá vỡ sự thống trị của Rangers và Celtic. Alex McLeish, cựu cầu thủ của Aberdeen dưới thời Alex Ferguson nhớ lại: “Ông ấy là một người rất kỷ luật và có phần hiếu thắng. Nhưng chính tính cách ấy đã khiến chúng tôi luôn có niềm tin sẽ chiến thắng ở mỗi trận đấu.”

Sir Bobby Charlton nhớ lại thời khắc chứng kiến Aberdeen của Ferguson đánh bại Real Madrid ở cúp C2 và hiểu rằng, đó chính là HLV mà M.U cần đến: “Tôi ngồi ở đó và chứng kiến họ chơi bóng trên sân. Một thứ bóng đá thô ráp mà đầy lôi cuốn. Tôi tự hỏi mình, ông ta là ai vậy? Ông ấy không có mặt trên sân, nhưng lại điều khiển tất cả đúng theo ý mình.”

4 vị giám đốc của M.U khi đó đã liên hệ với Venables, đang dẫn dắt Barcelona. Nhưng họ thay đổi ý định sau lần đến Scotland và bị CĐV Aberdeen quây kín trên phố, với câu hỏi: “Các ông đến đây để làm gì? Các ông không thể mang Alex đi khỏi đây”. Sir Alex nhớ lại rằng thực ra ông không có ý định rời đội bóng Aberdeen, không phải vì tiền mà vì ở đó có một không gian mà ông có thể phát triển hơn nữa. Nhưng quyết định ra đi của ông được đánh giá là quyết định đúng đắn.

Bobby Charlton và 3 vị giám đốc M.U đã ngã ngửa người khi biết rằng, mức lương họ đề nghị với Ferguson khi đó thấp hơn nhiều Aberdeen đang trả cho Ferguson.

Alex Ferguson và David Beckham. Ảnh: Getty Images

Đó là một bước ngoặt với Ferguson, nhưng cũng của M.U. Các cầu thủ United phải bắt đầu làm quen với những nguyên tắc, chưa từng bao giờ được nhắc đến: có mặt tại sân bóng lúc 8h sáng, ăn sáng tập trung, không uống đồ cồn trước và sau mỗi trận đấu… Nhưng thành công không dễ dàng xuất hiện. M.U vẫn thất bại, áp lực ngày càng gia tăng, những tiếng la ó đòi Fergie ra đi ầm ầm trên khán đài. Ngay cả khi M.U giành cúp FA và sau đó là chiếc cúp C2 duy nhất trong lịch sử, vẫn không nhiều người tin HLV người Scotland ấy sẽ thành công. Phải đến khi Sir Alex thuyết phục toàn bộ ban giám đốc M.U, hạ mình cầu cạnh lãnh đạo đối thủ Leeds United để mang về Eric Cantona, thành công mới bắt đầu rơi xuống Old Trafford như quả chín đến ngày rụng. Paul Scholes, thành viên của lứa cầu thủ 1992, nhớ lại: “Alan Hansen khi đó nổi tiếng với câu nói được mọi người đều trích dẫn. Nhưng ông ấy nói với chúng tôi, nếu các cậu sợ thì đừng chơi bóng, bởi một khi bước vào sân, không ai biết điều gì sẽ xảy ra, hãy chỉ nghĩ tới một điều duy nhất: chiến thắng.”

Steve Bruce, hòn đá tảng của hàng phòng ngự M.U được mua về với giá 825 ngàn bảng từ Norwich,nhớ lại: “Bạn không nên đứng trước mặt lúc ông ấy tức giận, không ai có thể biết ông nói gì và sẽ làm điều gì. Tất nhiên là ông ấy gây ra nhiều tranh cãi, nhưng điều đó làm chúng tôi hiểu những gì ông ấy muốn. Tôi nghĩ, các cầu thủ luôn có những cá tính khác nhau, nhưng nếu bạn không thể một lần đứng đó, ông ấy sẽ biết là bạn không đủ mạnh mẽ thi đấu cho M.U.”

Ông là người luôn biết thuyết phục lãnh đạo chi ra những khoản tiền lớn, đồng thời cũng tạo điều kiện cho những cầu thủ trẻ của M.U tỏa sáng. David Beckham nói: “Khi đó tôi còn trẻ và run hết đầu gối khi bước vào văn phòng của ông ấy. Ông ấy ngồi đó và nhìn tôi như một người cha nghiêm khắc. Nhưng ông cho tôi cơ hội để chơi bóng cho CLB mơ ước.”

Alex Ferguson và Gary Neville trong một trận đấu

Còn Gary Neville, cựu đội trưởng M.U, khẳng định: “Ông ấy luôn khẳng định rõ mình là "ông chủ". Nhưng điều quan trọng là ông ấy luôn biết cách động viên bạn trở thành người như thế, vực bạn dậy đứng trước thế giới và áp lực, để bạn thể hiện khả năng tốt nhất của mình, không chỉ trong bóng đá mà cả cuộc sống.”

Eric Cantona không giấu sự ngưỡng mộ với ông thầy cũ, đặc biệt là ở khía cạnh hiểu biết tâm lý. Với Eric Cantona thì Alex Ferguson luôn biết cách sống hòa hợp với mỗi thế hệ. Đó là hình ảnh ông già 70 tuổi làm việc với những cậu bé 18 tuổi mà vẫn rút hết năng lượng của họ trên sân.

Thất bại không bao giờ là lựa chọn của ông. Lép vế chưa bao giờ có trong những cuộc tâm lý chiến và đấu khẩu, ông là số 1. Kevin Keegan đã gào lên bất lực trước ống kính truyền hình khi Newcastle của ông bị M.U san bằng cách biệt 11 điểm vào cuối mùa 1996. Rafa Benitez nổi đóa với truyền thông khi bất lực trước những lời nói kháy của Sir Alex. Arsene Wenger tuyên bố không bao giờ tham gia đấu khẩu với Fergie nữa.

Nhưng tất cả đã dừng lại, sau 9h46 sáng ngày 08/5, khi Sir Alex khóc trong căng-tin CLB Manchester United. Dennis Law, cựu danh thủ M.U, thảng thốt: “Tôi không thể tin nổi. Báo chí, phát thanh, truyền hình đưa tin Alex nghỉ hưu. Không thể có chuyện đó được, ông ấy còn quá trẻ để dừng lại. Tôi cứ nghĩ, ông ấy phải làm việc đến 90 tuổi.”

Sir Bobby Charlton khẳng định: “Triết lý của Alex Ferguson y như Sir Matt Busby, như tất cả các CĐV luôn ủng hộ Man United, rằng mỗi khi bạn bước ra sân, hãy làm tất cả để thể hiện bản thân và chỉ có duy nhất một ý nghĩ: tiến lên vì điều đó.”

Ông khẳng định quyết định nghỉ hưu, sau 1 lần từng tuyên bố điều tương tự, sau 2 lần đột quỵ vì bệnh tim và ca phẫu thuật hông đang chờ trước mắt. Ông đã xây dựng không chỉ 1-2 đội bóng, mà là một hệ thống bóng đá để chuẩn bị cho ngày Manchester United không còn Alex Ferguson. /.