“Chính vì cả nhà em làm hoạ sĩ nên e mới thích đi theo con đường này. Em không muốn đi một con đường được người khác vạch ra sẵn. Nhiều lúc em cũng thích vẽ lắm, nhưng giờ không có thời gian nhiều…”

Tôi bị ấn tượng bởi bộ sưu tập huy chương của cô gái ấy, khi tình cờ có việc ghé qua nhà cô. Cái tủ huy chương thì đơn giản, chỉ là tận dụng một hốc tường trong nhà, nhưng huy chương nhiều đến nỗi thấy hoa cả mắt. Tôi đếm được hơn 60 tấm huy chương các loại.

cau-may-van1.jpg
Nguyễn Bạch Vân (bìa trái) cùng đồng đội

Nguyễn Bạch Vân tâm sự, cô yêu thích môn cầu mây, có lẽ vì đây là một môn thể thao khó. Chinh phục những cái khó bao giờ cũng hấp dẫn hơn. “Ngày trước, em ấn tượng nhất là quả tấn công của cầu mây, bay một vòng trên không rồi tiếp đất nhẹ nhàng. Hồi mới đi tập, em toàn ngủ mơ về hình ảnh đó nữa. Mà vì thích cầu mây quá nên em chẳng thấy hứng thú với môn thể thao nào khác nữa, kể cả môn thể thao vua !”.

Bạch Vân đến với môn cầu mây từ hồi học lớp 7. Các huấn luyện viên cầu mây đến trường tuyển sinh. Lúc đó cô cũng chưa biết cầu mây là môn gì, hình dáng quả cầu nó ra sao…; chỉ nghĩ là nghỉ hè thì đi tập thể thao cho khoẻ, nên đăng ký tham gia. Sau đó 1 năm thì cô bắt đầu đi theo chuyên nghiệp luôn.

“Ban đầu thuyết phục gia đình cho theo chuyên nghiệp khó khăn lắm ! Cả nhà em phản đối vì nghĩ theo thể thao thì học hành sẽ không được đảm bảo. Em năn nỉ có, khóc lóc ỉ ôi cũng có. Nhưng may sao ông ngoại em (họa sĩ gạo cội Lê Lam) lúc đó lại đồng ý! Bình thường ông rất nghiêm khắc, luôn muốn con cháu trong nhà phải theo nghiệp của ông. Lúc em tưởng đã hết hy vọng thì ông ngoại lại đồng ý. Ông bảo: Thôi, cả nhà là hoạ sĩ rồi, để em đi theo thể thao cho nó khác biệt.

Mẹ em lo lắm, vì con gái mà theo thể thao sẽ cực. Nhưng mẹ biết tính em cũng độc lập nên bảo rằng: cuộc đời của con là do con quyết định, có cực khổ thế nào cũng không được kêu ca; làm gì phải làm đến cùng, không được cả thèm chóng chán”.

Khi cờ Việt Nam được kéo lên, các VĐV hát Quốc ca, nỗi xúc động trào dâng

Bạch Vân bảo, gắn bó với cầu mây, cô có rất nhiều kỷ niệm vui. “Vui nhất là hồi bọn em được Huy chương Vàng Asiad 2006 ở Quarta Doha. Đấy cũng là chiếc huy chương vàng Asiad đầu tiên của bọn em. Hồi đó em mới 20 tuổi, còn khá trẻ, và cảm thấy mình đã đóng góp phần nào mang vinh quang về cho Tổ Quốc, xúc động lắm!”.

Còn buồn nhất là những lần bị chấn thương, ngồi xem các bạn luyện tập mà mình thì không làm gì được. “Rơi vào giai đoạn chưa thi đấu còn đỡ, chứ vào thời điểm gần thi đấu thì sốt ruột lắm, vừa buồn, vừa lo, lại chán nản nữa”.2 năm nay, Bạch Vân làm đội trưởng đội tuyển quốc gia môn cầu mây nữ. Làm đội trưởng thì phải gánh trách nhiệm quản lý các thành viên trong đội, giúp các thầy truyền đạt kinh nghiệm cho các em trẻ hơn. Bởi vậy, đội trưởng luôn phải gương mẫu, vì các cô gái trong đội luôn nhìn vào mình.

Các thành viên trong độ sống tập trung xa nhà nên gắn bó với nhau như chị em ruột thịt, có chuyện gì cũng chia sẻ với nhau. Nhiều khi đi tập huấn xa nhà, hay ở nước ngoài, lúc ốm đau, mấy chị em tự chăm sóc cho nhau.

Mười mấy cô, mỗi người một tính cách, không ai giống ai, nên chuyện đôi khi bất đồng quan điểm là không thể tránh được. Nhỏ như chuyện may đồng phục để đến những buổi tiệc sau các giải đấu cũng mỗi người một ý, tranh luận ầm ĩ... Nhưng cuối cùng cũng đâu vào đó cả và khi ra sân thì toàn đội một lòng với quyết tâm và ý chí cao.

Một đồng nghiệp đã nhận xét về Bạch Vân như thế này: “Hiện tại Bạch Vân là chân chuyền hai số 1 của đội cầu mây nữ Việt Nam. Chị ấy là người có tố chất nhanh nhẹn, vui vẻ, dễ hòa đồng…”. Còn HLV Nguyễn Trọng Thủy thì bảo, Bạch Vân có uy tín, thuyết phục được các thành viên trong đội.

Bạch Vân tâm sự, sau này cô muốn trở thành một huấn luyện viên cầu mây để đóng góp công sức vào sự phát triển của môn thể thao từng có những giai đoạn huy hoàng này.

Vừa luyện tập và thi đấu, Bạch Vân cũng tranh thủ theo học ĐH Thương mại, ngành Quản trị kinh doanh. Theo học như vậy khá vất vả, nhưng Bạch Vân cố gắng vì  “với em học không bao giờ là thừa cả”.

Bộ sưu tập huy chương của Nguyễn Bạch Vân

Mơ ước của Bạch Vân trong năm Quý Tỵ này là đoạt 1 Huy chương Vàng tại SEAgames 27 tổ chức năm nay ở Myanmar, cho đủ bộ sưu tập, vì cô đã có Huy chương Vàng Asiad và giải thế giới rồi, chỉ còn thiếu Huy chương vàng SEAgames./.

Theo HLV Nguyễn Trọng Thủy, Đội tuyển cầu mây nữ quốc gia Việt

Nam hiện có 13 vận động viên và sẽ kiện toàn lên 15 vận động viên trong năm nay. Năm 2013 này, đội tuyển cũng sẽ có thêm HLV người Thái Lan.

Các cô gái trong đội tuyển nữ quốc gia có tuổi trung bình khoảng 20 tuổi, người trẻ nhất sinh năm 1996, người lớn nhất sinh năm 1985. Rất nhiều thành viên đã chơi trên dưới 10 năm, người mới nhất là VĐV Bùi Thị Hải Yến cũng đã luyện tập được 6 năm.

Cầu mây là một môn thể thao có nguồn gốc từ Đông Nam Á, sử dụng quả cầu làm bằng mây (nay làm bằng nhựa tổng hợp theo tiêu chuẩn chung quốc tế). Môn này tương tự như bóng chuyền nhưng cầu thủ có thể sử dụng chân, đầu gối, ngực và đầu để chạm bóng. HLV Nguyễn Trọng Thủy cho biết: Trong cầu mây khó nhất là kỹ thuật bước 1- kỹ thuật đỡ cầu, là kỹ thuật cơ bản nhất mà khó nhất, thắng thua nằm ở kỹ thuật ấy.

Quan sát bằng mắt, thấy các cô gái đá cầu rất đẹp mắt và nhẹ nhàng, tuy nhiên hầu hết các VĐV từng bị chấn thương, tùy mức độ nặng nhẹ. Có VĐV từng phải nghỉ tập để điều trị tròn 1 năm.

Ngoài thời gian luyện tập và thi đấu, tất cả các thành viên trong đội tuyển quốc gia đều đang đi học đại học tại chức vào buổi tối, hoặc một nghề nghiệp khác. Có 2 thành viên đã học xong ĐH Thể dục thể thao.Sự gắn kết giữa các thành viên trong đội có được là do nỗ lực của cả một tập thể, trong đó không thể không kể tới HLV trưởng Hà Tùng Lập. HLV trưởng Hà Tùng Lập như một người anh cả trong gia đình lớn, luôn dặn dò, đôn đốc, nhắc nhở từng thành viên trong đội cần phải cố gắng những điều gì, khắc phục điểm yếu, phát huy thế mạnh ra sao để rèn luyện, thi đấu cho tốt. HLV Hà Tùng Lập chính là người đã dẫn dắt đội tuyển Cầu mây nữ quốc gia giành 2 HCV tại Asiad 15 Doha (Qatar) năm 2006, thời kỳ được coi là đỉnh cao. Sau đó nhiều vận động vận viên trụ cột của đội tuyển quốc gia đã chuyển công tác khác. Cầu mây nữ Việt Nam vẫn giành một số huy chương tại nhiều giải quốc tế và khu vực. Hy vọng rằng, thời gian tới, môn thể thao này sẽ lại tiếp tục đạt được những đỉnh cao khi có những nhân tố mới.

Một số hình ảnh luyện tập của các nữ VĐV cầu mây:
(ảnh: Lê Trung)
(ảnh: Lê Trung)