Việc Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ lỡ miệng, cho biết Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam lẽ ra phải mang tên chính xác là Trung tâm tập huấn bóng đá quốc gia đã khiến dư luận nổi sóng. Thêm vào đó, theo hạch toán đầu tư, ngoài nguồn tiền tài trợ nằm trong các dự án Goal do FIFA rót cho bóng đá Việt Nam, VFF còn nhận 140 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước (chiếm 80-85% kinh phí). Chính vì vậy, việc trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam có tiếng là đào tạo trẻ nhưng…không có sản phẩm đào tạo trẻ càng khiến dư luận nghi ngờ có nhiều khuất tất.

Thế nhưng, theo Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ, VFF không có gì khuất tất trong việc sử dụng nguồn vốn 140 tỷ đồng. Thậm chí VFF cũng không cố tình “lừa tiền” ngân sách khi đánh tráo khái niệm, cụ thể là tên gọi của trung tâm đào tạo bóng đá trẻ.

nguyentronghy.jpg
Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ (Ảnh: Trọng Phú)

Ông Hỷ lý giải, khoản tiền 140 tỷ do ngân sách nhà nước rót cho trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam chủ yếu tập trung cho việc xây dựng cơ sở vật chất, giải phóng mặt bằng, đền bù đất đai. Quan trọng nhất, VFF cũng chưa nhận được giải ngân hết số tiền, cũng như VFF không “ôm” tiền trực tiếp.

“Số tiền từ ngân sách trên chưa giải ngân hết trong 6 năm qua”, ông Hỷ nói, “Mặt khác, VFF không ôm hết, tất cả đều thông qua Tổng cục TDTT phê duyệt. Riêng nguồn vốn do FIFA hỗ trợ, có 4 dự án tất cả, nhưng mỗi năm FIFA đều có đoàn cán bộ sang Việt Nam kiểm tra, giám sát. Một khi VFF làm sai, đầu tư không đúng mục đích, FIFA lập tức cắt tiền rót cho VFF. Chúng tôi không có gì khuất tất, lừa nhà nước lấy tiền sử dụng sai mục đích ở Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam”.

Cũng theo ông Hỷ, trong 6 năm qua, VFF chủ yếu tập trung xây dựng và hoàn thiện cơ sở vật chất chứ chưa tiến hành đào tạo trẻ. Mãi đến tháng 9 vừa qua, sau khi nhận được một khoản tiền tài trợ từ FIFA cũng như 8 tỷ đồng/ năm do ngân sách chi ra, phục vụ cho việc chuẩn bị lực lượng thi đấu tại Asian Games 2019 tại Hà Nội, Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam mới lập 2 lớp đào tạo U16 nam và U19 nữa.

Ông Hỷ nói: “Lập 2 lớp tạo nguồn cho Asian Games 2019, nhưng chúng tôi ưu tiên cho bóng đá nữ. Mặt khác, sau khi cho ra lò sản phẩm từ 2 lứa cầu thủ mới được trung tâm tuyển sinh, đào tạo, các lứa trẻ nhỏ hơn mới được tính tới”.

Với lứa U16 nam và U19 nữ, VFF cho rằng, quan điểm của họ là chia sẻ trách nhiệm với các CLB chứ không phải là làm thay CLB, đào tạo hộ cầu thủ. Điều đó hoàn toàn khác so với các lò bóng đá trẻ khác như SLNA, HAGL Arsenal JMG, Viettel…

“Nhiều địa phương giờ rất thiếu kinh phí nên việc mở lứa U16 quốc gia chính là hỗ trợ cho các CLB, đồng thời chuẩn bị cho Asian Games 2019. VFF đào tạo không phải là để lấy thành tích cho riêng VFF. Thêm vào đó, tôi nghĩ việc các CLB không đưa người tốt lên cho VFF đào tạo nằm ở sự thận trọng của các đội. VFF đào tạo cầu thủ theo kiểu hỗ trợ cho CLB nên cố gắng đáp ứng đầy đủ những điều kiện về ăn ở, văn hóa. Tất nhiên, một khi đào tạo thì cũng phải tuân theo quy tắc nghiêm ngặt, sàng lọc. Ai không đáp ứng chuyên môn thì sẽ bị trả về địa phương” – ông Hỷ khẳng định./.