Ngày “ông bầu tóc bạc” Nguyễn Đức Kiên “phất cờ khởi nghĩa”, thành lập Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), đòi quyền tổ chức V-League, con mắt tinh đời của bầu Kiên đã lựa rất nhiều cái tên vào diện “quy hoạch”. Trong đó, cái tên Trần Duy Ly được ưu ái giao trọng trách “cầm cương” giải chuyên nghiệp cùng kỳ vọng cải cách, đổi mới sân chơi sang nhất làng. Người hâm mộ cả nước đã rất hy vọng vào những nhân tố mới này, song hai mùa giải trôi qua, VPF đã chứng minh rằng, những đổi thay mà họ hứa hẹn mới chỉ dừng ở bề nổi. Những bất cập ở V-League dưới thời VFF vẫn tồn tại dai dẳng, “vắt” cả sang cơ chế mới.
Ông Trần Duy Ly |
Khi hàng loạt nghi án tiêu cực ở V-League 2013 được phơi bày, trong đó đáng kể nhất là bằng chứng gián tiếp - tin nhắn tố cáo CLB XMXT Sài Gòn bán độ mà BTC vẫn tỏ ra thờ ơ, thiếu quyết đoán, có biểu hiện né tránh, không dám đối mặt, đến mức năm thành viên trong Ban Tư vấn đạo đức đồng thanh tương ứng, đề nghị ông Ly rời ghế Trưởng BTC thì người hâm mộ hiểu rằng, không nên quá kỳ vọng vào những cách tân từ Trưởng giải Trần Duy Ly nói riêng, VPF nói chung.
Ở góc độ ngược lại, cũng có không ít ý kiến bày tỏ sự thông cảm với ông Trần Duy Ly bởi hai mùa giải giữ cương vị Trưởng BTC, ông Ly đã cho thấy những cố gắng thực sự. Chí ít, Trưởng giải Trần Duy Ly đã không ngần ngại cất công vi hành khắp các sân cỏ từ Bắc chí Nam. Tuy nhiên, nói như Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ: “V-League có những đặc thù riêng khác với các giải chuyên nghiệp trên thế giới” thì chẳng riêng ông Ly mà bất kỳ ai được giao nhiệm vụ “cầm cương” nhiều khả năng cũng sẽ rơi vào trạng thái “lực bất tòng tâm”. Chẳng phải trong nỗ lực cải tổ V-League, VPF đã mời về một chuyên gia bóng đá hàng đầu Nhật Bản là Kazuyoshi Tanabe, song qua vài tháng thực địa sân cỏ cả nước, ông này đành lắc đầu chào thua - cáo bệnh về nước đó sao?
Điều người hâm mộ quan tâm lúc này là ai sẽ kế nhiệm ông Trần Duy Ly? Đấy có thể là ông Phạm Phú Hòa - cựu Giám đốc điều hành CLB Đồng Tâm Long An - người được các chuyên gia nhìn nhận là tuổi trẻ tài cao, lắm mưu lược. Có thể Tổng giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn sẽ kiêm thêm vị trí này. Một phương án khác cũng được VPF tính đến là mời lại cựu Trưởng BTC Dương Nghiệp Khôi. Không loại trừ khả năng Trưởng BTC V-League 2014 sẽ là nhân tố hoàn toàn mới mẻ…
Cựu Trưởng BTC Dương Nghiệp Khôi |
Vậy nhưng, bất luận chủ nhân chiếc ghế “nóng” tại giải chuyên nghiệp sang năm là ai thì kỳ vọng của khán giả cả nước về một sân chơi chuyên nghiệp đúng nghĩa nhiều khả năng vẫn ở… thì tương lai.
Như chúng ta đã biết, “bệnh” của V-League không hoàn toàn thuộc về công tác tổ chức, điều hành. Những tồn tại ở giải chuyên nghiệp nhiều mùa giải qua bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân. Yếu tố quan trọng nhất để một nền bóng đá có thể “sống vui, sống khỏe” là tính bền vững thì hầu hết các CLB ở ta đều không có. Sự yếu kém về tài chính khiến không ít đội bóng phải giải thể (cuối mùa giải năm nay, K.Kiên Giang đã tính tới phương án “xin thua” để tiết kiệm chi phí ăn ở, đi lại). Rồi chuyện các ông bầu “vừa đá bóng vừa thổi còi” (bầu Thắng, bầu Đức - hai nhân vật chủ chốt của VPF đồng thời cũng là Chủ tịch của ĐTLA và HAGL)… Một loạt yếu tố đã đẩy giải chuyên nghiệp nước nhà vào cảnh… hết thuốc chữa.
Xét cho cùng, để V-League thực sự chuyên nghiệp, yếu tố cần thay đổi không phải “ông Trưởng nọ”, “vị Tổng kia” mà là một cuộc cách mạng trên nhiều phương diện. Đấy mới là “mầm bệnh” của giải đấu mà những nhà quản lý vẫn tự hào “hấp dẫn nhất Đông Nam Á”./.