Nằm sâu trong con hẻm nhỏ của thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam ngôi nhà cổ mang số 51/2 Phan Châu Trinh là tổ ấm của đôi uyên ương - cặp võ sư số 1 của làng võ thuật Việt Trần Xuân Mẫn. Nơi đó không chỉ là một ngôi nhà ấm cúng với tình thương yêu đong đầy mà còn chứa đựng tinh thần thượng võ, một địa chỉ quen thuộc cho những người yêu mến môn võ cổ truyền Việt Nam - võ đường Kỳ Sơn. 

Ai bảo những kẻ võ biền là khô khan, không hề biết đến hai từ lãng mạn? Nếu tận mắt chứng kiến hơn 100 lá thư tình và nhật ký tình yêu của vợ chồng võ sư Trần Xuân Mẫn - người đứng đầu võ đường Kỳ Sơn, được giữ gìn cẩn thận trong chiếc tủ của gia đình thì chắc chắn sẽ phải nghĩ lại. Những dòng chữ đầy cảm động được viết vội trên những mấu giấy vụn - minh chứng một thời khó khăn, thiếu thốn, 5 năm cách xa nhưng không ngăn cản được hai trái tim yêu.

tran%20xuan%20man.jpg
Võ sư Trần Xuân Mẫn hướng dẫn võ sinh phép sử dụng roi trường trong thi đấu (ảnh: TTXVN)

Ai bảo những kẻ võ biền là những người chỉ ưa sử dụng cơ bắp, quen “đánh đấm”, “làm đau” đối phương mà kém sâu sắc, tinh tế, nhạy cảm trong giao tiếp ứng xử thì hãy nhìn những kỷ vật của gia đình được được võ sư Trần Xuân Mẫn nâng niu cất giữ. Võ sư Trần Xuân Mẫn tâm sự: “Cuống rốn của 3 đứa con khi sinh ra vẫn còn giữ nguyên. Băng đeo khi con trai đạt giải nhất nam thanh lịch trong thời gian học đại học cũng vẫn giữ nguyên. Từ hồi con gái còn đang yêu đương, tôi đã bay vào Đà Lạt thăm con. Chiếc máy ảnh cơ của con rể khi ấy dùng để kiếm sống cũng được để trong tủ làm kỷ niệm”.

Không chỉ nâng niu kỷ vật gia đình, Võ sư Trần Xuân Mẫn còn là người đang nắm giữ nhiều bài võ cổ truyền tưởng như đã thất truyền; đồng thời anh cũng là người có công lớn trong việc lưu giữ ngôi nhà cổ của sư phụ Trương Chưởng, nay là Võ đường Kỳ Sơn, tỉnh Quảng Nam.

Trước kia, đây là nơi tụ họp của biết bao anh tài lãng võ cả nước trước khi lên đấu trường thi võ ở địa phương. Từ năm 1985 đến năm 1988, võ đường tạm ngưng hoạt động do sư phụ Trương Chưởng tuổi cao qua đời. Ngôi nhà được bán cho một gia đình giáo viên. Năm 1991, ông Trần Xuân Mẫn cùng vợ đã bàn nhau mua lại ngôi nhà cổ, đưa gia đình đến ở và khôi phục hoạt động của Võ đường Kỳ Sơn, tôn tạo ngôi nhà thành Tổ đường để làm nơi thờ phụng cố sư phụ Trương Chưởng. Hằng năm, võ đường vẫn giữ lệ Giỗ Tổ sáng lập võ đường Kỳ Sơn Trương Chưởng vào ngày 29/8 và Gỗ tổ nghiệp Võ vào ngày 22 tháng chạp âm lịch.

Tại nơi đây, những người từng được cố võ sư Trương Chưởng truyền dạy võ thuật và giáo dục nhân cách, dù thuộc lớp trước hay sau năm 1975, dù sinh sống trong nước hay ở nước ngoài, mỗi khi có dịp vẫn về Tổ đường thắp hương tưởng nhớ Tổ Phụ và ôn lại những kỷ niệm một thời tập luyện, chung sống và lớn lên ở chốn võ đường.

Sinh hoạt trong gia đình của một võ sư xoay quanh hoạt động gìn giữ và phát huy môn võ cổ truyền. Vợ chồng võ sư Trần Xuân Mẫn có 3 người con thì cả 3 đều được học võ từ năm 6 tuổi và giờ đều là võ sư cấp 18/18 và nhiều lần đoạt Huy chương vàng quốc gia. Vợ ông cũng là huấn luyện viên cấp 15/18.  Các cháu nội cháu ngoại đều được học võ từ năm 4 tuổi do chính ông Mẫn trực tiếp dạy.

Bí quyết dạy con về cách sống và cách cư xử của một võ sư cũng rất đơn giản và trượng nghĩa. Ông Mẫn bảo các con rằng, bố mẹ không có nghĩa vụ làm nhà, cho đất hay cho xe mà bố mẹ chỉ cho các con trí tuệ và kiến thức và kinh nghiệm sống. Ra đời các con phải lấy kiến thức, cộng với kinh nghiệm sống và đức khiêm tốn của mình để làm cho người khác thương yêu. Còn về quan hệ vợ chồng, ông Mẫn cho rằng, điều quan trọng là phải đồng lòng “thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn.

Với sự động viên của vợ và các con, võ sư Trần Xuân Mẫn đã biên soạn các tài liệu võ thuật do cố võ sư Trương Chưởng truyền dạy, gồm 10 bài quyền cổ bản, 24 thế chiến đấu cổ truyền, trong đó có bài Lão Mai Quyền và Căn bản Công Quyền Thuật được Liên đoàn Võ thuật cổ truyền VN tuyển chọn làm bài Quy định thống nhất.

Quan niệm sống của cặp vợ chồng với tinh thần thượng võ này thật đơn giản: rằng đạo lớn nhất là phải giữ được cân bằng, cân bằng trong tư tưởng, cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp, giữa cá nhân và cái chung. Chính nhờ sự cân bằng đó, họ đã không chỉ cùng nhau vun đắp một gia đình hạnh phúc mà còn làm một việc đáng tự hào là khôi phục và bảo tồn di sản văn hóa dựng nước và giữ nước qua những bài võ cổ truyền của dân tộc Việt Nam.

“Chúng tôi chỉ nghĩ, làm được gì cho võ là mình làm. Đó là điều chúng thích, không cần giàu có mà chỉ cần vui là đủ. Thứ mà vợ chồng chúng tôi giàu nhất là giàu ước mơ và được làm những điều mình thích” – Vợ chồng Trần Xuân Mẫn chia sẻ. Mỗi khi nói chuyện, cả hai vợ chồng đều cùng nói. Không ai bảo ai nhưng suy nghĩ của họ luôn thống nhất, cả tiếng cười thoải mái, giọng điệu hóm hỉnh và những ánh mắt trìu mến của một cặp vợ chồng đẹp lão vẹn tình./.