Hôm qua (19/9), ông Đỗ Quang Hiển đã có công văn phúc đáp văn bản số 732/LĐBĐVN-PPL&TCCT của LĐBĐ Việt Nam liên quan đến vấn đề “một ông chủ hai đội bóng”. Công văn khẳng định: “Trong bất cứ trường hợp nào, không một cá nhân hay pháp nhân nào có quyền quản lý nhiều hơn một CLB”.

Vấn đề này đã được quy định tại khoản 3 Điều 19 Điều lệ LĐBĐ Việt Nam. Mà theo tinh thần của công văn này, cả ba đội bóng là Hà Nội, Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng đều liên quan đến bầu Hiển, người đang nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn T&T và ngân hànag TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB).

bauhien.jpg
Ông Đỗ Quang Hiển (Ảnh: BĐ)

Công văn của ông Hiển khẳng định: “Tập đoàn T&T không có quyền quản lý, chi phối bất cứ hoạt động nào của Công ty cổ phần thể thao T&T hay các CLB bóng đá thuộc Công ty cổ phần thể thao T&T”. Lý giải cho luận điểm này, công văn của bầu Hiển khẳng định: “Công ty CP Thể thao T&T và Tập đoàn T&T do tôi làm chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc là hai pháp nhân độc lập, có con dấu và tài khoản riêng. Tập đoàn T&T không phải là công ty mẹ và cũng không có quyền quản lý Công ty cổ phần thể thao T&T do không sở hữu trên 50% cổ phần, hoặc toàn bộ cổ phần”.

Tương tự vậy, công văn của ông Hiển gửi LĐBĐ Việt Nam cũng khẳng định: “Ngân hàng SHB không có quyền quản lý, chi phối bất cứ hoạt động nào của Công ty Cổ phần Thể thao SHB Đà Nẵng hay các CLB bóng đá thuộc Công ty CP thể thao SHB Đà Nẵng”.

Là pháp nhân độc lập, nhưng Hà Nội T&T, SHB Đà Nẵng lại có tên trùng với tập đoàn T&T và ngân hàng SHB. Về vấn đề này, ông Hiển lý giải: “Không phải tên CLB có chữ “SHB” thì CLB SHB Đà Nẵng thuộc quyền quản lý của Ngân hàng SHB và tên CLB có chữ “T&T” thì CLB Hà Nội T&T thuộc quyền quản lý của Tập đoàn T&T”.

Ông Đỗ Quang Hiển cho biết thêm: “Tên của CLB Hà Nội T&T bao gồm tên địa phương là Hà Nội và tên doanh nghiệp chủ quản là Công ty cổ phần thể thao T&T chứ không phải là tên của Tập đoàn T&T. Tập đoàn T&T hoạt động trên các lĩnh vực “công nghiệp, tài chính, bất động sản”, còn lĩnh vực hoạt động của Công ty CP Thể thao T&T là thể thao. Điều này đã được đăng ký với các cơ quan có thẩm quyền”.

Cho rằng, Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng là những pháp nhân độc lập, bầu Hiển còn nhấn mạnh: “Công ty cổ phần thể thao T&T không thể có quyền chi phối, làm ảnh hưởng đến hoạt động của các CLB bóng đá thuộc công ty cổ phần thể thao SHB Đà Nẵng”.

Theo ông Hiển, mối liên hệ giữa Tập đoàn T&T và Hà Nội T&T cũng như giữa Ngân hàng SHB với CLB SHB Đà Nẵng chỉ là mối quan hệ giữa “đội bóng và nhà tài trợ”. Điều này được quy định trong hợp đồng được ký giữa các bên. “Trong bản hợp đồng đã ký, chúng tôi có quy định quyền lợi và trách nhiệm của các bên”, ông Đỗ Quang Hiển cho biết. Ngoài ra, đại diện pháp lý của Tập đoàn T&T còn cho biết thêm: “Nếu LĐBĐ Việt Nam yêu cầu, chúng tôi sẽ công khai hợp đồng và báo cáo tài chính của CLB để chứng minh sự độc lập giữa các pháp nhân”.

Dù khẳng định giữa đội bóng và doanh nghiệp hoàn toàn độc lập với nhau, nhưng để tránh hiểu lầm của dư luận, bầu Hiển đã vạch ra lộ trình thoái vốn khỏi hai Công ty cổ phần thể thao T&T và SHB Đà Nẵng. Ông Hiển cho biết: “Với tư cách là chủ tịch HĐQT Tập đoàn T&T và chủ tịch HĐQT Ngân hàng SHB, tôi sẽ kiến nghị và trình HĐQT phương án thoái toàn bộ vốn của Ngân hàng SHB (11%), Tập đoàn T&T (15%) tại 2 công ty thể thao nói trên. Việc thoái vốn sẽ hoàn tất ngay trong tháng 9/2012”.

Theo bầu Hiển, sau khi thoái vốn, mối quan hệ giữa Ngân hàng SHB, Tập đoàn T&T với CLB SHB Đà Nẵng và Hà Nội T&T sẽ được điều chỉnh thông qua hợp đồng tài trợ được ký kết giữa các bên./.