Báo cáo hàng năm được Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) công bố ngày 26/12, cho rằng trong một số thời điểm, chủ đề bao trùm của kinh tế toàn cầu là cuộc cạnh tranh kinh tế, quyền lực mềm giữa Mỹ và Trung Quốc. Đại dịch Covid-19 và thảm họa kinh tế tương ứng chắc chắn đã nghiêng sự cạnh tranh đó theo hướng có lợi cho Trung Quốc.

Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh có trụ sở chính tại London (Anh), đánh giá Trung Quốc "quản lý khéo léo đại dịch", với việc sớm phong tỏa nghiêm ngặt. Trong khi đó, đại dịch tác động đến tăng trưởng dài hạn ở phương Tây, đồng nghĩa với việc hiệu quả kinh tế tương đối của Trung Quốc đã được cải thiện.

Nền kinh tế Trung Quốc được dự báo ​​tăng trưởng trung bình 5,7% hàng năm trong giai đoạn  2021 – 2025, trước khi tăng trưởng chậm lại còn 4,5% mỗi năm trong giai đoạn 2026 - 2030.

Mặc dù nền kinh tế Mỹ có khả năng sẽ phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19 vào năm 2021, nhưng tốc độ tăng trưởng của nước này sẽ chậm lại, xuống còn 1,9% hàng năm trong giai đoạn 2022 - 2024, và tiếp tục giảm xuống 1,6% sau đó.

Nhật Bản sẽ vẫn là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, tính theo đồng USD, cho đến đầu những năm 2030 khi bị Ấn Độ vượt qua và theo đó đẩy Đức từ vị trí thứ 4 xuống thứ 5. Vương quốc Anh, hiện là nền kinh tế lớn thứ 5 theo thước đo của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh, sẽ tụt xuống vị trí thứ 6 từ năm 2024./.