Tại phiên điều trần được truyền hình trực tiếp vào ngày 19/7, ông Prayuth đã bác bỏ các cáo buộc, khẳng định Chính phủ Thái Lan đã giải quyết được nhiều vấn đề cho đất nước, giúp hồi sinh ngành du lịch và đưa ra các biện pháp tài chính để giải quyết khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.
"Tôi thấy cần phải làm rõ về những cáo buộc cho rằng tôi đã không thành công trong việc điều hành đất nước. Điều này là hoàn toàn không đúng sự thật" - Thủ tướng Prayuth khẳng định.
Thủ tướng Prayuth Chanocha, 68 tuổi, đã vượt qua 3 cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm kể từ cuộc bầu cử năm 2019, giúp ông giữ vững vị trí Thủ tướng Thái Lan cho tới nay. Ông Prayuth cùng 10 Bộ trưởng trong Nội các sẽ phải vượt qua phiên điều trần kéo dài từ hôm nay tới thứ Sáu (22/7), và một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm dự kiến diễn ra vào thứ Bảy (23/7).
Liên minh đối lập do Đảng Vì nước Thái làm nòng cốt đã phát động một chiến dịch song song với phiên điều trần cho phép công chúng bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Chính phủ thông qua ứng dụng nhắn tin Line. Nhiều nhóm chống Chính phủ tuyên bố đang thu thập chữ ký của cử tri ở 34 tỉnh, thành trong một thỉnh nguyện thư yêu cầu Thủ tướng Prayuth từ chức. Một số thủ lĩnh cầm đầu còn kêu gọi người biểu tình cắm trại bên ngoài Tòa nhà Quốc hội trong thời gian tổ chức phiên điều trần để gia tăng sức ép./.