Tuần trước, phía Ukraine cho biết các lực lượng của nước này đã phá hủy một kho vũ khí của Nga ở thành phố Nova Kakhovka thuộc khu vực Kherson. Một số bài báo đưa tin, HIMARS "được phóng từ các ống gắn vào sau một xe tải do Mỹ cung cấp" nhắm vào kho vũ khí trên. Cuộc tấn công bằng HIMARS đã dẫn đến nhiều vụ nổ trước khi kho quân sự này bốc cháy.

Trong những tháng qua kể từ khi cuộc chiến bắt đầu, Ukraine liên tục yêu cầu Mỹ và các nước phương Tây cung cấp hệ thống pháo phản lực HIMARS. Sau nhiều tuần cân nhắc, Mỹ cuối cùng đã chuyển lô vận chuyển HIMARS đầu tiên cho Kiev vào cuối tháng 6.

Không lâu sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov tuyên bố: "Mùa hè này sẽ trở nên rất nóng với quân đội Nga. Và đây có thể là mùa hè cuối cùng với một số người trong số họ".

Sau đó, Mỹ đã gửi thêm 8 hệ thống HIMARS cho Ukraine và cam kết sẽ vận chuyển 4 hệ thống nữa. Những hệ thống này được cho là có tác động đáng kể đến cục diện chiến trường khi Ukraine sử dụng đạn tên lửa dẫn đường bằng vệ tinh để tấn công 12 kho vũ khí của Nga từ cuối tháng 6. Theo New York Times, thậm chí chính Nga cũng đã "thừa nhận về sức mạnh và độ chính xác của hệ thống vũ khí này".

HIMARS hiện là trung tâm trong tuyến phòng thủ của Ukraine, đặc biệt khi kho đạn dược thời Liên Xô đang cạn kiệt.

Uy lực của hệ thống HIMARS

HIMARS là hệ thống pháo phản lực tầm trung có khả năng phóng loạt đạn tên lửa dẫn đường chính xác. Chúng được sản xuất bởi tập đoàn quốc phòng Mỹ Lockheed Martin. Trong khi HIMARS có những điểm tương đồng với các hệ thống phóng rocket thời Liên Xô thì chúng có độ chính xác lớn hơn nhiều và được sử dụng một cách tối ưu để tiết kiệm đạn dược.

Theo Lockheed Martin, HIMARS được trang bị để phóng tất cả các loại đạn của pháo phản lực đa nòng. Mỹ đã cung cấp cho Ukraine hệ thống HIMARS M142. Mỗi HIMARS được trang bị 6 tên lửa dẫn đường bằng định vị GPS cỡ nòng 227 mm và mỗi tên lửa có tầm bắn là 84 km.

M142 hiện đại hơn, nhẹ hơn và dễ vận chuyển hơn so với pháo phản lực M270 được phát triển vào những năm 1970 ở Mỹ. Pháo phản lực HIMARS M142 điển hình có chiều dài 7 mét, chiều rộng 2,4 mét và chiều cao 3 mét. HIMARS chỉ cần một số lượng nhỏ những người vận hành và duy trì hệ thống. Trong một vài phút, người vận hành có thể rời đi và thay thế tên lửa đã sử dụng bằng một tên lửa mới.

Lợi thế của HIMARS và cách Ukraine sử dụng chúng

Lợi thế lớn nhất của HIMARS so với các hệ thống vũ khí khác là tầm bắn của nó. Điều này giúp cho quân đội Ukraine có thể sử dụng HIMARS từ những địa điểm ở xa và không trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công đáp trả từ Nga.

Ngoài ra, Ukraine có thể sử dụng một cách khéo léo tầm bắn 80 km của HIMARS để nhắm vào các mục tiêu. Chúng có thể tấn công một cách có hệ thống vào các tuyến hậu cần, chốt chỉ huy, kho đạn dược của Nga nhằm hạn chế chiến dịch quân sự của Moscow ở miền Đông Ukraine.

Để sử dụng HIMARS một cách tối ưu do hạn chế về nguồn cung đạn dược, quân đội Ukraine "đã phóng 1 hoặc 2 rocket dẫn đường vào các kho đạn dược hoặc chốt chỉ huy của Nga, thường là vào ban đêm và vận hành chúng cách xa tiền tuyến để bảo vệ chúng", New York Times dẫn lời các quan chức Lầu Năm Góc và các chuyên gia quân sự cho hay.

Lầu Năm Góc cũng nhận định, HIMARS đang có "tác động đáng kể" đến cuộc xung đột ở Ukraine.

Mới đây, ngày 18/7, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu đã yêu cầu các chỉ huy quân sự của các nhóm tác chiến ở phía Đông Donbass coi các vũ khí tầm xa của Ukraine là mục tiêu chính. Theo Bộ Quốc phòng Nga, quân đội Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa để “pháo kích các khu dân cư ở Donbass” trong khi “cố ý phá hoại các cánh đồng lúa mì và các kho chứa ngũ cốc”./.