Thông tin Tổng thống Sri Lanka sẽ từ chức vào ngày 13/7 được Văn phòng Thủ tướng nước này và Quốc hội xác nhận, nhằm đảm bảo một quá trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình.
Hiện người dân Sri Lanka vẫn đang xếp hàng dài ngoài Dinh Tổng thống để tận dụng cơ hội hiếm hoi được tham quan Dinh thự. Những người biểu tình tuyên bố sẽ không rời khỏi Dinh thự Tổng thống cho đến khi ông Gotabaya từ chức.
“Tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra vào ngày 13/7. Tổng thống đã nói rằng ông ấy sẽ từ chức ngày đó. Vì vậy, tôi nghĩ mọi người phải đến thăm Dinh Tổng thống vì đây là cơ hội tốt nhất cho người dân Sri Lanka hay những sinh viên Đại học như chúng tôi”, một người dân Sri Lanka cho biết.
“Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi có trách nhiệm làm sạch khu vực này vì đây là khu vực công cộng, tiền công cộng. Đó là lý do tại sao chúng tôi đang dọn dẹp Dinh Tổng thống, bởi vì trong 92 ngày chúng tôi đã biểu tình. Chúng tôi tin tưởng vào sự thay đổi của Chính phủ”, một người khác nói
Hiện chưa rõ nơi ở của Tổng thống Sri Lanka, sau khi được quân đội hộ tống rời Dinh thự trước khi người biểu tình tràn vào. Tuy nhiên, theo các nguồn truyền thông, Tổng thống Sri Lanka đang ở gần một sân bay quốc tế ngoại ô thủ đô Colombo, làm dấy lên đồn đoán rằng ông có thể sẽ ra nước ngoài.
Còn Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe – người cũng bị dư luận nước này kêu gọi từ chức – hôm qua cũng nhấn mạnh toàn bộ Nội các nước này sẽ từ chức chỉ khi đạt được thỏa thuận thành lập chính phủ mới gồm đại diện của tất cả các chính đảng. Theo ông Wickremesinghe, tại cuộc họp ở thủ đô Colombo, tất cả các bộ trưởng đã đồng ý với ý tưởng này, nhưng mọi thứ phải diễn ra theo đúng trình tự và Hiến pháp:
“Chúng ta phải làm việc theo hiến pháp. Các bạn không thể gây áp lực từ bên ngoài để làm việc với quốc hội. Tôi ở đây để bảo vệ hiến pháp. Để lắng nghe quan điểm của mọi người trong khi bảo vệ hiến pháp. Những gì chúng ta cần hôm nay là một chính phủ tất cả các đảng và tôi sẽ nỗ lực để đạt được điều đó”, ông Wickremesinghe nói.
Trong bối cảnh quốc gia Nam Á này đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, kéo theo làn sóng biểu tình phản đối cách thức ứng phó của chính phủ nước này, Quốc hội Sri Lanka đã có kế hoạch nhóm họp trở lại vào ngày 15/7 và tiến hành bầu tổng thống mới của nước này vào ngày 20/7. Quốc hội sẽ công bố danh sách ứng cử viên tổng thông để bầu chọn vào ngày 19/7.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngày 11/7 kêu gọi các bên Sri Lanka đối thoại, nhằm “đảm bảo tiến trình chuyển giao chính quyền suôn sẻ và tìm ra những giải pháp cho cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng ở Sri Lanka.
Liên Hợp Quốc sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các diễn biến ở Sri Lanka, lên án mọi hành động biểu tình bạo lực và kêu gọi các bên liên quan phải chịu trách nhiệm, nhấn mạnh tầm quan trọng tối cao của việc duy trì hòa bình./.