Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Moussa Faki Mahamat đã hoan nghênh thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc mà Nga và Ukraine ký kết tại Istanbul hôm 22/7 với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc. Trong một tuyên bố, Chủ tịch Phaki Mahamat đã hoan nghênh tất cả các bên về diễn biến thành công này, đồng thời chúc mừng Tổng thống Senegal Macky Sall, người hiện giữ chức Chủ tịch Liên minh châu Phi vì đã kêu gọi nối lại xuất khẩu ngũ cốc của Nga và Ukraine ra các thị trường toàn cầu.

Các nhà lãnh đạo châu Phi khác, những nước nhập khẩu thực phẩm và phân bón từ Ukraine và Nga đều lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận này. Theo Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, đây là thông tin đáng vui mừng vì thế giới đã chờ đợi quá lâu.

Về phần mình khi thoả thuận được ký kết, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng, thoả thuận này góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu: “Với tỷ trọng đáng kể của các sản phẩm nông nghiệp của Nga và Ukraine trên thị trường toàn cầu, việc đảm bảo hoạt động xuất khẩu của Nga và Ukraine không bị gián đoạn, đáp ứng được nhiệm vụ cấp bách là duy trì an ninh lương thực, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển và kém phát triển. Tất cả điều này sẽ góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững , bao gồm cả việc xóa đói. "

Trong khi đó, Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraine Oleksandr Kubrakov cho biết, nước này sẽ tiếp tục chuẩn bị cho hoạt động xuất khẩu nông sản từ các cảng ở Biển Đen. Bộ trưởng Kubrakov bày tỏ hy vọng rằng, thoả thuận này không chỉ có thể cứu nền kinh tế Ukraine, mà còn có thể cứu hàng triệu người khỏi nạn đói và hàng tỷ người thoát khỏi cảnh bần cùng.

Tuy vậy, theo Liên Hợp Quốc, thỏa thuận về xuất khẩu ngũ cốc này là tự nguyện và không có cơ chế bắt buộc các bên thực hiện. Vì vậy, Liên Hợp Quốc hy vọng, các bên có thể đảm bảo thỏa thuận được tuân thủ.

Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Farrhan Haq nói: “Chúng tôi không phải là những người thực hiện các giao dịch thương mại. Đây là giao dịch thương mại thông thường giữa các công ty và giữa các quốc gia. Những gì chúng tôi làm là cố gắng tạo điều kiện thuận lợi  để các sản phẩm đó từ các cảng của Ukraine được đưa ra thị trường thế giới một cách an toàn. Chúng tôi khuyến khích tất cả các quốc gia đảm bảo rằng, kết quả của thỏa thuận này sẽ giúp mang lương thực đến cho những người cần nó nhất”.

Liên Hợp Quốc cảnh báo có thể có đến 49 triệu người ở 46 quốc gia trên thế giới sẽ bị thiếu đói trong năm 2022 do khủng hoảng lương thực toàn cầu và cuộc xung đột tại tại Ukraine sẽ khiến thêm 95 triệu người rơi vào cảnh nghèo cùng cực và 50 triệu người thiếu đói nghiêm trọng trong năm nay. Với thỏa thuận ở Istanbul vào ngày 22/7 được cho là sẽ giúp ngăn chặn nguy cơ xảy ra nạn đói thông qua việc cung cấp cho thị trường thế giới thêm lúa mì, dầu hướng dương, phân bón và các sản phẩm khác, cũng như đáp ứng nhu cầu nhân đạo./.