Theo các chuyên gia, điều này xuất phát từ việc Nga là đồng minh thân cận của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad và mối quan hệ Nga-Mỹ cũng đã xuống mức rất thấp kể từ sau Chiến tranh Lạnh xuất phát từ những bất đồng liên quan đến một loạt các vấn đề như Ukraine, Iran và Syria.
Dù vậy, nhiều chuyên gia cũng thận trọng cho rằng, Mỹ và Nga khó có thể đẩy vấn đề Syria đi quá “ranh giới đỏ” dẫn tới một cuộc đối đầu về quân sự bởi điều này không đem lại lợi ích gì cho cả hai bên.
Cũng theo các chuyên gia, khả năng cao nhất có thể xảy ra giữa hai bên là Mỹ và Nga sẽ cùng lên tiếng chỉ trích lẫn nhau về vụ phóng tên lửa của Mỹ vào Syria và điều này đã xảy ra ngay sau khi các quả tên lửa hành trình của Mỹ dội vào căn cứ không quân của Syria.
Mỹ ra đòn trừng phạt ông al-Assad
Reutersdẫn lời Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh, vụ phóng tên lửa của Mỹ vào căn cứ không quân của Syria ở Homs “một đòn trừng phạt” nhằm vào ông al-Assad sau vụ tấn công bằng khí độc hồi đầu tuần này khiến 100 người thiệt mạng trong đó có trẻ em.
Tổng thống Donald Trump tuyên bố: “Đêm nay (6/4 theo giờ Mỹ tức 7/4 theo giờ Việt Nam), tôi đã ra lệnh cho quân đội Mỹ tiến hành phóng tên lửa vào một căn cứ không quân tại Syria- nơi từng diễn ra các vụ tấn công bằng khí độc nhằm vào dân thường... Một trong những lợi ích quan trọng về an ninh quốc gia của Mỹ là phải ngăn chặn và răn đe việc sử dụng và phổ biến rộng rãi các loại vũ khí hóa học chết người này”.
Đây là vụ tấn công trực tiếp đầu tiên của Mỹ vào chính quyền Syria kể từ khi quốc gia Trung Đông này rơi vào vòng xoáy nội chiến. Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định việc quân đội của ông al-Assad phải chịu trách nhiệm cho vụ tấn công bằng khí độc nói trên là “không phải bàn cãi”.
“Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã thực hiện một vụ tấn công man rợ bằng vũ khí hóa học vào những thường dân vô tội. Bằng việc sử dụng các loại chất độc thần kinh chết người, binh sĩ của ông al-Assad đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều đàn ông, phụ nữ và trẻ em tại Syria", Tổng thống Donald Trump tuyên bố. "Đó là một cái chết từ từ nhưng kinh hoàng đối với rất nhiều người trong số họ. Rất nhiều đứa trẻ xinh xắn đã bị sát hại dã man bởi vụ tấn công tàn bạo đó”.
Ông Trump kêu gọi “mọi quốc gia văn minh hợp tác với Mỹ nhằm chấm dứt cảnh đầu rơi máu chảy ở Syria”.
Trước khi đưa ra quyết định khó khăn này, ông Trump đã phải tham vấn rất nhiều cố vấn và các quan chức cấp cao của Mỹ, trong đó có Ngoại trưởng Rex Tillerson, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Cố vấn An ninh Quốc gia McMaster.
Ngoại trưởng Mỹ Tillerson cho biết, Tổng thống Donald Trump đã quyết định sẽ nỗ lực đến cùng trong việc lật đổ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad dù biết rằng, tiến trình này sẽ rất khó khăn, lâu dài và có thể không đạt được kết quả như ý.
“Tôi cho rằng, nỗ lực để buộc ông al-Assad chấp nhận từ chức đòi hỏi sự tham gia của cộng đồng quốc tế nhằm đánh bại IS, ổn định tình hình Syria, tránh làm gia tăng nội chiến tại đây. Sau đó, Mỹ sẽ cùng với các đối tác trên khắp thế giới hợp tác thực thi một tiến trình chính trị dẫn đến việc ra đi của ông al-Assad”, ông Tillerson nói.
Ngoại trưởng Mỹ Tillerson cũng đưa ra những lời lẽ cứng rắn nhằm vào Nga, quốc gia bị Mỹ cáo buộc bảo trợ cho chính quyền của ông al-Assad: “Chính phủ Nga cần cân nhắc kỹ lưỡng về việc tiếp tục ủng hộ chính thể al-Assad”.
Vụ khí độc: Syria là “lá bài” trong cuộc chơi của các nước lớn?
Nga cáo buộc Mỹ tạo cớ xâm lược Syria
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, việc Mỹ phóng tên lửa hành trình từ tàu khu trục USS Ross vào một căn cứ không quân của quân đội Syria là vi phạm luật pháp quốc tế và làm tổn hại nghiêm trọng quan hệ Nga-Mỹ.
Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh, hành động của Mỹ là “vô cớ xâm phạm một quốc gia có chủ quyền” và nhằm khiến thế giới xao nhãng vụ binh sĩ Mỹ “bắn nhầm” vào thường dân Iraq khiến gần 200 người thiệt mạng
Cũng theo ông Putin, Nga từng hy vọng sẽ có thể hợp tác với chính quyền của Tổng thống Donald Trump trong cuộc chiến chống IS ở Syria nhằm cải thiện quan hệ Nga-Mỹ đang xuống mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh.
Tuy nhiên, theo giới chức Nga, hành động phóng tên lửa vào Syria của Mỹ đã khiến Nga hết sức giận dữ và coi đó là “một đòn chí mạng” đập tan hy vọng hợp tác với chính quyền của ông Trump.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh, Nga không tin vào khả năng quân Chính phủ Syria còn sở hữu vũ khí hóa học và hành động của Mỹ đã tạo ra những trở ngại nghiêm trọng cho việc thành lập một liên minh quốc tế chống khủng bố, điều mà Tổng thống Nga Putin từng nhiều lần đề cập.
Cùng chung quan điểm này, Chủ tịch Ủy ban các Vấn đề Quốc tế Thượng viện Nga Konstantin Kosachev cho rằng, dường như ông Trump đã quá vội vã chấp thuận việc tiến hành các hành động quân sự chống lại chính quyền của ông al-Assad theo đòi hỏi của Lầu Năm Góc và các cơ quan tình báo Mỹ.
“Tôi lo ngại rằng, với cách tiếp cận của Mỹ, hy vọng về một liên minh chống khủng bố do Nga-Mỹ dẫn đầu sẽ chết yểu trước cả khi kịp hình thành”, ông Kosachev nói.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh Thượng viện Nga Viktor Ozerov cho biết, Nga sẽ đề xuất tiến hành một cuộc họp khẩn với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để thảo luận về vụ Mỹ phóng tên lửa tấn công Syria./.
Vụ tên lửa Tomahawk: “Syria sẽ đáp trả hành động gây hấn” của Mỹ