Theo Washington Post, một đánh giá tình báo được chia sẻ với quan chức Mỹ và Ukraine cho rằng Iran đang chuẩn bị xuất khẩu các tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn Fateh-110 và Zolfaghar cho Nga. Hai loại tên lửa có tầm bắn tương ứng là 300km và 700km.
Tin tức Nga mua tên lửa đạn đạo Iran có khả năng cao liên quan đến việc Mỹ viện trợ NASAMS, Đức viện trợ IRIS-T cho Đức hơn là tin đồn kho tên lửa đạn đạo và hành trình của Nga bị suy giảm do dùng nhiều.
Phương Tây đang phóng đại tình hình?
Hiện tại phương Tây đang tuyên truyền theo hướng Nga mua tên lửa đạn đạo của Iran là nhằm ngăn ngừa cái mà họ gọi là nguy cơ thất bại đang tới gần ở Ukraine.
Câu chuyện mà phương Tây nêu ra như sau: Các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với việc bán cho Nga các linh kiện điện tử siêu nhỏ dùng trong các hệ thống vũ khí hiện đại đã làm suy yếu năng lực sản xuất tên lửa đạn đạo và hành trình của Nga. Họ dẫn ra việc Nga đã giảm sử dụng tên lửa hành trình kể từ khi tập kích tên lửa ồ ạt vào Ukraine trong các ngày 10 và 11/10, coi đó như bằng chứng cho lập luận của mình.
Tuy nhiên, cách kể của phương Tây có lẽ chỉ thể hiện mong muốn chủ quan của họ. Khả năng cao hơn là năng lực sản xuất tên lửa của Nga chịu tác động tiêu cực vì các lý do khác và bước thụt lùi này là mang tính tạm thời.
Nga có ít nhất 2 lý do hợp lý để giảm các cuộc không kích bằng tên lửa vào Ukraine.
Thứ nhất, Nga đang chiến đấu với một đối thủ được NATO hậu thuẫn mạnh mẽ. Tên lửa hành trình của Nga phải bay qua không phận Ukraine vô cùng phức tạp với sự giám sát gắt gao 24/7 của các khí tài Mỹ như E-3 Sentry AWACS và RC-135.
Với việc đi vào hoạt động của các hệ thống phòng thủ tên lửa NASAMS và IRIS-T, không phận phía trên các mục tiêu trọng yếu của Ukraine càng được bảo vệ chặt chẽ hơn nữa. Do đó, không có lý do gì để Nga phải lãng phí các tên lửa hành trình của mình để cố đánh vào các mục tiêu được bảo vệ gắt gao như vậy.
Thứ hai, Nga đã tấn công thành công các cơ sở hạ tầng của Ukraine bằng các UAV cảm tử tương đối rẻ (nhập từ Iran) như là Geran-2. Khi ấy, lẽ tự nhiên là ban lãnh đạo quân sự và chính trị của Nga sẽ tiếp tục đà này, sử dụng thêm UAV, bảo toàn kho tên lửa hành trình và năng lực sản xuất để đáp ứng kịch bản leo thang quân sự, có thể tới mức nổ ra chiến tranh với NATO.
Trong bối cảnh phương Tây gia tăng viện trợ các hệ thống phòng không cho Ukraine, các tên lửa hành trình sẽ ít hiệu quả cho Nga như 8 tháng trước đây. Phương Tây nhìn nhận đây là bước thụt lùi của Nga. Nhưng trên thực tế, UAV cảm tử đã vận hành tốt hơn cho Nga so với 8 tháng trước.
Cả hệ thống phòng không NASAMS lẫn IRIS-T đều không hoạt động hiệu quả và đáng tin cậy khi đối phó với các UAV LO Geran-2. Như vậy, về lâu dài, Nga có khả năng sẽ vẫn tiếp cận được nguồn cung UAV dồi dào từ Iran.
Lợi thế khi mua tên lửa Iran
Ngay cả khi các UAV tự sát của Nga không hiệu quả lắm thì Nga vẫn còn lá bài tên lửa đạn đạo dùng để ứng phó với toan tính của phương Tây kéo dài chiến sự và gây thêm thương vong cho Nga thông qua việc viện trợ cho Ukraine các hệ thống phòng không mới.
Có nhiều lý do hợp lý để Nga mua tên lửa đạn đạo từ Iran.
Các hệ thống NASAMS và IRIS-T không có năng lực tác chiến chống lại tên lửa đạn đạo. Nga mua tên lửa của Iran không phải vì họ đang hết tên lửa Iskander mà là vì bài toán hiệu quả kinh tế. Tên lửa Iran đơn giản hơn, rẻ hơn và do đó phù hợp để tấn công các mục tiêu ở Ukraine.
Một điều khá rõ ràng là tên lửa đạn đạo của Iran xét về kỹ thuật có trình độ thấp hơn của Nga. Chúng không có các tính năng phóng và chỉnh lái hiện đại như của Nga, vẫn sử dụng các cánh và ống cáp truyền thống.
Đường bay đạn đạo của tên lửaIran dễ dự đoán. Chúng không có năng lực lẩn tránh tên lửa chống đạn đạo (ABM).Tuy nhiên, tên lửa này vẫn có thành tích trong thực chiến. Chúng đã đánh trúng các căn cứ Mỹ ở Iraq. Và chúng có lợi thế rẻ hơn nhiều so với tên lửa Nga.
Nga đang sử dụng tên lửa Iskander một cách tiết kiệm, không phải vì kho Iskander đã cạn kiệt mà vì Iskander được thiết kế để đánh trúng các mục tiêu có giá trị rất cao được các hệ thống ABM lợi hại bảo vệ.
Tên lửa Iskander đi theo một đường bay khó dự đoán ở tốc độ siêu thanh. Nó kết hợp nhiều yếu tố để định hướng và di chuyển, và sử dụng công nghệ bản đồ số hóa (DSMAC) để nhận diện mục tiêu.
Tấn công các mục tiêu cơ sở hạ tầng của Ukraine bằng tên lửa Iskander sẽ là sự lãng phí lớn, không khác nào lấy búa tạ để nện vào đinh ghim. Nga hoàn toàn có thể để dành Iskander để tấn công các mục tiêu khó hơn, hẹp hơn, của chính NATO.
Tóm lại, nhiều khả năng giới lãnh đạo Nga đang chủ trương tích trữ kho tên lửa Iskander cũng như bảo toàn năng lực sản xuất cho kịch bản xung đột khốc liệt với NATO sau này, còn trận chiến với Ukraine chỉ được xem là màn dạo đầu. Nói cách khác, Nga vừa để mắt tới chiến sự hiện tại, vừa chuẩn bị ở cấp chiến lược cho xung đột quy mô lớn hơn nữa./.