Văn phòng Tổng thống Ukraine ngày 17/10 cho biết thủ đô Kiev bị tập kích bằng UAV tự sát, gây ra nhiều vụ nổ sáng cùng ngày.
Ông Andriy Yermak, chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine, cũng xác nhận Kiev bị tấn công bằng UAV tự sát.
Nga hiện chưa bình luận về các thông tin trên.
Ukraine cáo buộc Nga tăng cường sử dụng UAV kamikaze (UAV tự sát) trong các cuộc tấn công nhằm vào Kiev, Vinnytsia, Odessa, Zaporizhzhia và các thành phố khác của Ukraine những tuần gần đây, đồng thời kêu gọi các nước đồng minh tăng cường viện trợ để đối phó với thách thức mới.
Nga đang sử dụng UAV kamikaze nào?
UAV đóng vai trò đáng kể trong cuộc xung đột kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi cuối tháng 2. Kiev cáo buộc Moscow tăng cường sử dụng loại vũ khí này sau khi mua của Iran hồi mùa hè vừa qua.
UAV kamikaze, hay UAV tự sát là phương tiện bay không người lái mang vũ khí. Chúng được xem như một loại đạn dược “lảng vảng” trên không vì có khả năng chờ đợi trong khu vực được xác định là mục tiêu tiềm năng và chỉ tấn công khi xác định chính xác mục tiêu đối phương.
Chúng có kích thước nhỏ gọn, cơ động và dễ dàng triển khai, nhưng ưu điểm chính là khó phát hiện và có thể khai hỏa từ xa.
UAV tự sát được thiết kế để tấn công sâu bên trong phòng tuyến của đối phương và phát nổ khi lao vào mục tiêu. Đặc điểm này không giống các UAV quân sự truyền thống có tốc độ cao hơn, kích thước lớn hơn, thường sẽ quay trở lại căn cứ sau khi phóng tên lửa.
Quân đội Ukraine và tình báo Mỹ cho rằng Nga đang sử dụng UAV tự sát do Iran sản xuất. Hồi tháng 7, giới chức Mỹ nói rằng Iran đã bắt đầu giới thiệu các mẫu UAV Shahed cho Nga tại Căn cứ không quân Kashan ở phía Nam Tehran. Sau đó Nga đã mua UAV của Iran và bắt đầu huấn luyện sử dụng khí tài này. Theo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Nga đã đặt hàng 2.400 UAV Shahed-136 của Iran.
Ukraine tuyên bố các lực lượng nước này lần đầu tiên bắn hạ UAV Iran do Nga sử dụng trong tháng 9 gần thành phố Kupyansk ở Kharkiv. Kiev cũng tố Nga sử dụng loại UAV này trong một số cuộc tấn công khác sau đó.
Ngày 12/10, Kiev tuyên bố bắn hạ 17 UAV Shahed-136 chỉ riêng trong ngày hôm đó. Theo các bức ảnh được giới chức Ukraine đăng tải, Nga đã đặt lại tên cho các UAV Shahed và sử dụng chúng với tên gọi “Geran”.
Tuy nhiên, trong tuyên bố đưa ra ngày 15/10, Iran đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc của Kiev và nhiều nước phương Tây về việc đã cung cấp cho Nga vũ khí “để sử dụng trong cuộc xung đột ở Ukraine”.
Tập đoàn nhà nước Rostec cho biết Nga đã sử dụng rộng rãi UAV kamikaze Kub và Lancet trong các hoạt động chiến đấu ở Ukraine.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 13/10 công bố đoạn video mới về các cuộc tấn công của máy bay không người lái kamikaze nhằm vào các mục tiêu ở Ukraine. Trong video, UAV Nga tấn công trực diện vào xe tăng, pháo tự hành của Ukraine, một xe bọc thép HMMWV do Mỹ sản xuất và một chiếc xe dân dụng do một nhóm binh sĩ sử dụng.
Mặc dù quân đội Nga không cho biết cụ thể loại UAV được sử dụng trong các cuộc tấn công, nhưng cảnh quay cho thấy đây là phiên bản nâng cấp của UAV kamikaze Lancet. Được phát triển bởi Zala Aero - công ty con của Tập đoàn Kalashnikov, UAV này mang một đầu đạn nặng 5kg và có khả năng hoạt động trên không trong hơn một giờ.
Ukraine cũng từng tuyên bố quân đội nước này đã bắn hạ 2 UAV Lancet hôm 12/10.
Cơn đau đầu của Ukraine
Theo quan chức quân sự Ukraine, UAV tự sát rẻ hơn và kém tinh vi hơn tên lửa, nhưng hiệu quả cao hơn trong tấn công mục tiêu trên mặt đất.
Người phát ngôn Không quân Ukraine Yuriy Ihnat nhấn mạnh: “Đây là mối đe dọa mới đối với tất cả lực lượng phòng thủ và chúng ta cần sử dụng mọi phương tiện sẵn có để chống lại chúng”.
Ukraine đã đề nghị các đồng minh cung cấp hệ thống phòng không kể từ khi xung đột bùng phát hồi tháng 2. Vấn đề này càng trở nên cấp bách hơn kể từ khi Nga tăng cường sử dụng UAV.
Hệ thống phòng không cũng là một trong ba ưu tiên hàng đầu trong danh sách vũ khí mà Ukraine đã nêu trong cuộc họp Nhóm tiếp xúc quốc phòng Ukraine ở Brussels hồi tuần trước.
Sau cuộc họp này, Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ nhấn mạnh Mỹ và đồng minh cần cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không để giúp Kiev bảo vệ không phận trước các cuộc tấn công của Nga.
“Nhiều nước có Patriot, nhiều nước có các hệ thống khác, một loạt hệ thống của Israel cũng phù hợp, các hệ thống của Đức cũng được đề cập”, ông Milley nói.
Hệ thống phòng không mà Ukraine cần để đối phó với UAV kamikaze khác với các hệ thống được sử dụng để đối phó với tên lửa hành trình và các loại vũ khí tương tự.
Patriot được thiết kế để chống lại và tiêu diệt tên lửa đạn đạo tầm ngắn đang bay tới, cũng như các máy bay và tên lửa hành trình tiên tiến. Hệ thống này cũng có thể được sử dụng để đối phó UAV.
Trong những ngày gần đây, Nga đã tiến hành tập kích tên lửa, tấn công bằng UAV với quy mô lớn vào các thành phố trên khắp Ukraine, nhằm vào các mục tiêu quân sự, thông tin liên lạc, năng lượng. Vụ tấn công của Nga đã làm lộ rõ lỗ hổng phòng không của Ukraine trong việc bảo vệ các cơ sở hạ tầng chủ chốt, trong bối cảnh họ đã đưa phần lớn các tổ hợp phòng thủ ra tiền tuyến để tiến hành chiến dịch phản công lực lượng Moscow.
Tổng thống Zelensky thừa nhận Ukraine chỉ còn 10% số tổ hợp phòng không để đối phó Nga.
“Thành thật mà nói, chúng tôi chỉ có 10% số tổ hợp phòng không mà chúng tôi cần (để đối phó Nga)”, ông Zelensky cho biết trong bài phát biểu trước Hội đồng Nghị viện của Ủy hội châu Âu (PACE) hôm 13/10./.