Giữa những câu hỏi còn bỏ ngỏ về thiện chí phi hạt nhân hóa của Triều Tiên và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang chóng mặt, chuyến thăm của nhà lãnh đạo Kim Jong-un đến Trung Quốc là lời nhắc nhở rằng Bắc Kinh vẫn là nhân tố chủ chốt, một “biến số” mà Tổng thống Donald Trump rất cần nhưng lại nằm ngoài tầm kiểm soát của ông.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Binh. (Ảnh: KCNA) |
Các quan chức chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố rằng họ sẽ duy trì trừng phạt đối với Triều Tiên ngay cả khi đối thoại Mỹ-Triều diễn ra và sẵn sàng tăng cường sức ép kinh tế nếu Bình Nhưỡng không hợp tác. Nhưng Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, mới là nước có “quyền năng tối thượng” trong việc quyết định liệu các biện pháp trừng phạt có thực sự bóp nghẹt Bình Nhưỡng hay không.
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, một số nhà phân tích chỉ ra rằng, sự ấm lên của quan hệ Trung – Triều qua các chuyến thăm của ông Kim Jong-un là một lời cảnh báo từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng, các động thái của ông Trump trên “ván cờ” thương mại có thể cản trở mục tiêu tham vọng nhất trong chương trình chính sách đối ngoại của ông – đó là hòa bình với Triều Tiên.
“Tôi nghĩ Trung Quốc đang gửi 1 thông điệp đến ông Trump rằng: Ông muốn vừa áp đặt thuế với chúng tôi, vừa muốn chúng tôi hợp tác trong vấn đề Triều Tiên ư? Ông không thể có cả 2” – Bill Richardson, cựu Bộ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ, cựu Đặc phái viên Mỹ đến Triều Tiên chia sẻ với CNN.
Mối quan hệ phức tạp
Chuyến thăm 2 ngày vừa qua là lần thứ 3 của nhà lãnh đạo Kim Jong-un đến Trung Quốc trong vòng 4 tháng qua và nó diễn ra chỉ 1 tuần sau cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore.
Bên ngoài, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết sẽ duy trì vai trò mang tính xây dựng trong việc thúc đẩy các nỗ lực hướng tới phi hạt nhân hóa và ủng hộ cam kết của Triều Tiên đối với mục tiêu đó bất chất những tranh cãi thương mại nảy lửa với Mỹ.
Nhưng thực tế căng thẳng như nước sắp tràn ly. Ngày 18/6, Tổng thống Trump đã chỉ thị đại diện thương mại Mỹ chuẩn bị áp thuế mới bổ sung đối với khối lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc. Ông Trump thực sự đã “nổi giận lôi đình” vì Bắc Kinh sẵn sàng “ăn miếng, trả miếng” sau khi Mỹ áp thuế bổ sung với 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc ngày 15/6 để phản đối “hành vi thương mại không công bằng” của nước này.
Trung Quốc-Triều Tiên đang ép sân Mỹ?
“Hết lần này đến lần khác, Mỹ đã khơi mào 1 cuộc chiến thương mại” – Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói ngày 19/6. Ông khẳng định Trung Quốc không muốn chiến tranh thương mại “nhưng cũng không sợ một cuộc chiến như thế”.
“Chúng tôi khuyên Mỹ nên tìm lại lý trí và ngừng những ngôn từ cũng như hành động làm tổn hại bản thân họ và cả nước khác” – ông Cảnh Sảng nêu rõ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert thì bác bỏ những suy luận cho rằng bất đồng thương mại Mỹ - Trung có thể ảnh hưởng đến hợp tác của Bắc Kinh trong tiến trình đối thoại với Triều Tiên, đồng thời chỉ ra rằng Mỹ duy trì mối quan hệ phức tạp với rất nhiều nước.
“Chúng ta có những lĩnh vực hợp tác với Trung Quốc. Đôi bên có mối quan hệ vững mạnh nhưng cũng có những lĩnh vực chúng ta không thể lúc nào cũng nhất trí với Trung Quốc và chúng ta chắc chắn sẽ phải đưa điều đó ra ánh sáng” – Bà Nauert nói và cũng nêu bật “những việc tốt mà Chủ tịch Tập Cận Bình và chính phủ Trung Quốc đã làm nhằm đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán”.
“Chúng ta muốn có một mối quan hệ mang tính xây dựng với chính phủ Trung Quốc và để làm được điều đó, chúng ta cần phải chỉnh sửa, thúc đẩy một số tiến bộ liên quan đến vấn đề thương mại” – bà Nauert nêu rõ.
Theo Mintaro Oba, cựu quan chức phụ trách vấn đề Triều Tiên tại Bộ Ngoại giao Mỹ thời Tổng thống Barack Obama, hiện chưa rõ liệu căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có ảnh hưởng đến đàm phán với Triều Tiên hay không. Tuy nhiên ông cảnh báo rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể thay đổi sự hợp tác nếu căng thẳng đến mức độ “giọt nước tràn ly”.
“Trung Quốc vẫn đang cố gắng giữ lấy một đường lùi trong vấn đề này”, ông Oba chia sẻ với CNN. “Nhưng nếu chính quyền Tổng thống Trump tiếp tục leo thang chiến tranh thương mại đến mức hủy hoại nghiêm trọng quan hệ đôi bên thì rất có thể Trung Quốc sẽ cảm thấy bớt sẵn lòng hợp tác để gây áp lực với Triều Tiên”.
Lại nổi “bão thương mại” giữa Mỹ và Trung Quốc
Trung Quốc đã giúp chiến dịch gây “áp lực cực đại” của chính quyền của Tổng thống Trump đối với Triều Tiên có hiệu quả. Các quan chức Mỹ thừa nhận điều đó nhưng cũng hiểu rằng thực tế Bắc Kinh đã chậm trễ trong việc áp đặt trừng phạt của quốc tế đối với Bình Nhưỡng hoặc vẫn tìm cách để các công ty Trung Quốc “đi đêm” với phía Triều Tiên.
Tìm một đòn bẩy
Tiếp ông Kim Jong-un, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ca ngợicách nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên xử lý các vấn đề trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ 1 tuần trước đó ở Singapore. Ông Tập Cận Bình bày tỏ hài lòng về kết quả của Thượng đỉnh Mỹ-Triều cũng như mục tiêu phát triển kinh tế của Bình Nhưỡng trong thời gian tới.
Trong khi Tổng thống Mỹ muốn chứng tỏ ông mới là người có “bước đi đầu tiên đi đến một thỏa thuận” bằng việc thiết lập mối quan hệ cá nhân với nhà lãnh đạo Triều Tiên thì ông Kim Jong-un cũng tạo mọi đòn bẩy có thể để nâng cao vị thế của mình trong đàm phán. Và quan hệ với Trung Quốc là một trong số đó.
“Tôi tin rằng ông Kim Jong-un đang tìm cách trì hoãn phi hạt nhân và thực hiện điều đó theo tiến độ mà ông ấy đề ra” - cựu Đặc phái viên Bill Richardson nhận định. Ông cho rằng điều đó chỉ có thể thực hiện được khi Trung Quốc dỡ bỏ trừng phạt.
Trong khi Tổng thống Trump tự tin rằng ông đã “giải quyết” được vấn đề Triều Tiên thì giới quan sát hồ nghi rằng Thượng đỉnh Mỹ Triều vừa qua chỉ như một “show diễn” chính trị với khán giả là hàng nghìn phóng viên đổ đến Singapore, còn thực tế, tình hình vẫn tiếp tục phức tạp hơn với việc ông Kim Jong-un tìm những đòn bẩy mới.
Hậu Thượng đỉnh Mỹ - Triều: Tỷ số đang nghiêng về ông Kim Jong-un?
“Logic của ông Kim Jong-un có vẻ rất đơn giản: thêm phương án là thêm đòn bẩy” – ông Oba nhận định. “Không hòa hoãn với Mỹ thì việc ông Kim Jong-un đến Bắc Kinh sẽ khiến ông ấy trông thê thảm và chỉ làm nổi bật sự phụ thuộc của Triều Tiên vào Trung Quốc”.
“Còn nếu không có Trung Quốc chống lưng chắc chắn cho Triều Tiên, Mỹ có thể cảm thấy thoải mái bỏ qua lựa chọn ngoại giao mà gia tăng sức ép. Giờ thì ông ấy [Kim Jong-un – ND] vừa độc lập và mạnh mẽ khi ‘chơi’ với cả 2 bên để có được vị thế tốt nhất có thể cho Triều Tiên”.
Các nhà phân tích cho rằng vị thế của ông Kim Jong-un chỉ thực sự mạnh lên sau khi Tổng thống Donald Trump không yêu cầu một sự nhượng bộ cụ thể từ phía Triều Tiên trong cuộc gặp ở Singapore.
CNN dẫn một số nguồn tin cho rằng không có dấu hiệu Triều Tiên đã phá hủy các bãi phóng tên lửa của nước này dù ông Trump nhiều lần đưa ra tuyên bố trái ngược, thậm chí còn nói rằng Triều Tiên không còn là mối đe dọa hạt nhân nữa.
Theo Vipin Narang, phó giáo sư khoa học chính trị tại Viện nghiên cứu công nghệ Massachusetts (MIT) chuyên về lĩnh vực không phổ biến hạt nhân, quyết định của ông Trump đình chỉ tập trận chung với Hàn Quốc mà không đòi hỏi Triều Tiên phải có bước đi cụ thể nào đã nhường cho ông Kim Jong-un và ông Tập Cận Bình sự linh hoạt chiến lược.
Triều Tiên và Trung Quốc từ lâu đã hối thúc việc chấm dứt tập trận giữa Mỹ với Nhật Bản và Hàn Quốc và gợi ý rằng Bình Nhưỡng sẽ có động thái tương tự, được gọi là sáng kiến “cùng ngưng”.
“Giờ đây khi ông Trump có ý định leo thang chiến tranh thương mại với Trung Quốc, nếu ông Kim Jong-un quyết định đùa bỡn với sáng kiến “cùng ngưng” thì Trung Quốc cũng chẳng đời nào cho rằng đó là là một sự vi phạm hay đặt ra bất cứ áp lực nào với Triều Tiên”.
“Trang Economist đã gọi tên ‘Kim Jong Won’”, ông Narang nói về cách chơi chữ của tờ tạp chí danh tiếng trong dòng tít đưa tin về kết quả Thượng đỉnh Mỹ-Triều, ám chỉ ông Kim Jong-un đã thắng (won). Nhưng chuyên gia này cũng cho rằng “thực sự thì ông Tập Cận Bình mới là người chiến thắng”./.