Triều Tiên là một đất nước vô cùng nghèo khó. Nền kinh tế bị bao vây gần như toàn diện bởi các biện pháp trừng phạt đã đẩy đa số dân ở quốc gia 25 triệu người này vào cảnh khốn khó. Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) bình quân đầu người của Triều Tiên ít hơn 2.000 USD/năm, vào hàng thấp nhất thế giới.

trieu_tien_ymfb.jpg
Thủ đô Bình Nhưỡng năm 2016. (Ảnh: Reuters)

Thế nhưng vẫn có những dấu hiệu cho thấy kinh tế Triều Tiên đang được cải thiện. Thậm chí khi bị kìm kẹp bởi các biện pháp trừng phạt rất khắc nghiệt nhằm buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình, Bình Nhưỡng vẫn có những tiến bộ dù nhỏ nhưng thực chất.

Theo ước tính của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK), nền kinh tế Triều Tiên tăng trưởng 3,9% trong năm 2016. Đó là năm tăng trưởng tốt nhất của kinh tế Triều Tiên trong hơn một thập kỷ qua.

Dù Ngân hàng trung ương Hàn Quốc là một trong những nguồn tốt nhất cung cấp số liệu về kinh tế của Triều Tiên, thì thực tế cũng rất khó để có thể thu thập dữ liệu chính xác về quốc gia khép kín này. Vì vậy, những con số trên chỉ được áng chừng và lấy để tham khảo.

Vì sao GDP của Triều Tiên tăng vọt năm 2016?

Dù chưa có số liệu của năm 2017 nhưng nhiều chuyên gia tin rằng nền kinh tế Triều Tiên có thể vẫn đang tiếp tục tăng trưởng dù chậm hơn một chút so với năm 2016.

Tăng trưởng kinh tế của Triều Tiên qua các năm từ 2011 đến 2016. Nguồn: BoK

Nhà kinh tế học Marcus Noland, chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về kinh tế Triều Tiên, chia sẻ với trang Quartz rằng, dù các lệnh trừng phạt và việc giá hàng hóa toàn cầu không còn bùng nổ nữa đã ảnh hưởng đến nền kinh tế này thì thị trường nội địa tự do có thể đã giúp Triều Tiên duy trì tăng trưởng.

Nhiều quy định đã được nới lỏng, trong đó có việc cho phép giám đốc các công ty nhà nước nhiều quyền tự quyết hơn và để cho người dân Triều Tiên được đầu tư vào các công ty nhà nước.

Nhưng có lẽ quan trọng nhất là chính phủ Triều Tiên đã tăng cường cho phép các cá nhân mua bán hàng hóa tiêu dùng cơ bản như lương thực, thực phẩm, hàng may mặc…

Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un chính là người tạo ra sự thay đổi đó, theo nhà báo Barbara Demick, tác giả cuốn “Không có gì để thèm muốn: Cuộc sống bình thường ở Triều Tiên” (Nothing to Envy: Ordinary Lives of in North Korea).

Demick giải thích, ngay sau khi cha ông, nhà lãnh đạo Kim Jong-il qua đời năm 2011, ông Kim Jong-un đã dỡ bỏ rất nhiều hạn chế đối với thị trường trong nước. Nhà báo Demick cho rằng, chính điều đó đã giúp nhà lãnh đạo trẻ nhanh chóng giành được sự ủng hộ rộng rãi của người dân Triều Tiên.

Từ năm 2009 đến năm 2013, thương mại chính thức của Triều Tiên tăng hơn 3 lần, từ khoảng 1 tỷ USD lên hơn 3 tỷ USD (trong đó có cả những giao thương bị cho là vu phạm lệnh trừng phạt nhưng rất khó để ước tính). Ngành xuất khẩu chính của nước này là than đá và dệt may. Hơn 80% xuất khẩu của Triều Tiên trong năm 2016 và 2017 là sang Trung Quốc.

Xuất khẩu của Triều Tiên ra thế giới trong giai đoạn từ 2002 đến 2017. Nguồn: BoK.

Nhưng trong năm 2017, thế giới đã tăng cường các biện pháp trừng phạt với Triều Tiên khiến xuất khẩu của nước này lao dốc xuống còn dưới 2 tỷ USD. Quý thứ tư của năm 2017 đặc biệt ảm đạm với giá trị xuất khẩu giảm xuống dưới 300 triệu USD, chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ năm trước đó.

Sự sụt giảm đó là do Trung Quốc quyết định thực thi các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cắt giảm nhập khẩu từ Triều Tiên nhằm buộc nước này trở lại bàn đàm phán về vấn đề hạt nhân gây tranh cãi.

Kinh tế Triều Tiên: hạt giống chỉ chờ nước tưới để nảy mầm

Nếu các lệnh trừng phạt được nới lỏng, Triều Tiên có thể mở cửa cho thương mại toàn cầu và các chuyên gia tin rằng khi đó nền kinh tế của nước này có thể thực sự “cất cánh”.

Khoảng cách GDP bình quân đầu người giữa Hàn Quốc (màu xanh) và Triều Tiên (màu đỏ) từ Chiến tranh liên Triều đến nay. Nguồn: BoK.

Giáp biên với 2 “đầu tàu” kinh tế của châu Á là Trung Quốc và Hàn Quốc, không xa bên kia bờ biển lại là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới – Nhật Bản, Triều Tiên ở giữa vị trí đắc địa để có thể hưởng lợi từ quan hệ ngoại thương với các láng giềng Đông Bắc Á giàu có.

Nghiên cứu của nhà kinh tế học Noland chỉ ra rằng thương mại tự do có thể dẫn tới sự mở rộng ngành sản xuất và khai khoáng, từ đó cải thiện đáng kể chất lượng sống của người dân Triều Tiên.

Khoảng cách về thu nhập giữa người dân Triều Tiên và Hàn Quốc được thu hẹp là một trong những tiền đề quan trọng cho sự giao thoa và hòa nhập xã hội sau hơn 3 thế hệ bị chia cắt vì Chiến tranh liên Triều (1950-1953).

Tương lai đó có thể vẫn còn xa vời nhưng nó đang le lói sau thành công của Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore ngày 12/6/2018. Tuyên bố chung 4 điểm giữa Mỹ và Triều Tiên chưa đề cập đến việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt song Trung Quốc đã ngay lập tức kêu gọi cộng đồng quốc tế có những “điều chỉnh theo tiến triển tích cực của Triều Tiên”.

Việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un đột ngột mở cánh cửa hòa bình với Hàn Quốc và Mỹ cũng là dấu hiệu cho thấy đã có những thay đổi sâu sắc trong đường lối phát triển của Triều Tiên nhằm hướng tới việc cải thiện kinh tế và đời sống người dân./.