TheoAFP, thông tin trên được Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington đưa ra ngày 23/2 kèm theo những hình ảnh vệ tinh về các công trình nói trên và cảnh báo, trạm radar tần số cao mà Trung Quốc xây dựng ở bãi Châu Viên [thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đã cải tạo phi pháp thành đảo nhân tạo- ND] sẽ giúp nước này tăng cường khả năng kiểm soát toàn khu vực.

bai_chau_vien_zjql.jpg
Bãi Châu viên mà Trung Quốc cải tạo thành đảo nhân tạo ở Biển Đông. Ảnh CSIS

Tham vọng giám sát toàn bộ hoạt động ở Biển Đông

CSIS công bố những hình ảnh nói trên chỉ một tuần sau khi giới chức Mỹ cáo buộc Trung Quốc điều hệ thống phòng thủ tên lửa HQ-9 đến đảo Phú Lâm [thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam].

Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải của CSIS tuyên bố: “Việc đặt hệ thống radar tần số cao trên bãi Châu Viên có thể giúp Trung Quốc giám sát chặt chẽ các tàu thuyền và máy bay qua lại khu vực phía Bắc eo biển Malacca cũng như những tuyến đường biển mang tính chiến lược khác”.

Ngoài ra, CSIS cũng đã công bố hình ảnh vệ tinh của nhiều bãi đá gần đó cũng bị Trung Quốc cải tạo phi pháp thành đảo nhân tạo như Ga Ven, Tư Nghĩa và Gạc Ma. Theo đó, trên các bãi đá này, Trung Quốc cũng đã xây dựng các trạm radar, ụ pháo, boong-ke và cầu cảng.

Theo CSIS, trong khi việc Trung Quốc điều hệ thống phòng thủ tên lửa HQ-9 đến đảo Phú Lâm là “đáng chú ý” nhưng HQ-9 “không thể thay đổi sự cân bằng về mặt quân sự ở Biển Đông”.

Hệ thống tên lửa HQ-9 mà Trung Quốc đưa ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh Reuters

Tuy nhiên, CSIS cảnh báo: “Các trạm radar mới đang được xây dựng ở Trường Sa lại có thể thay đổi đáng kể điều này”.

Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris ngày 23/2 cũng cho rằng, việc Trung Quốc xây dựng các trạm radar và đưa các trang thiết bị quân sự ra Biển Đông đang làm gia tăng nguy cơ đối đầu trong khu vực.

“Trung Quốc rõ ràng đang cố tình quân sự hóa ở Biển Đông. Phải là người tin rằng Trái đất là một mặt phẳng mới có thể nghĩ khác được”, ông Harris nói.

Theo ông Euan Graham, Giám đốc Chương tình An ninh Quốc tế tại Viện Lowy, quân đội Trung Quốc đã sử dụng các đảo nhân tạo nói trên để giám sát các hoạt động quân sự và dân sự ở Biển Đông, tuy nhiên, việc xây dựng các trạm radar mới này sẽ giúp “cải thiện đáng kể năng lực giám sát nói trên”.

Dù những trạm radar này sẽ là mục tiêu dễ bị tiêu diệt nhất trong trường hợp xảy ra xung đột, nhưng chúng sẽ giúp Trung Quốc “giành được lợi thế đáng kể về thông tin tình báo và khiến các tàu và máy bay của Không quân và Hải quân Mỹ cũng như các nước khác trong khu vực khó có thể đi qua Biển Đông mà không bị phát hiện”. Ngoài ra, các radar hiện đại mà Trung Quốc đặt trên các đảo nhân tạo cũng rất quan trọng để có thể phát hiện tên lửa của đối phương.

Bao biện, đổ lỗi cho Mỹ

Tuần trước, Trung Quốc đã xác nhận rằng, nước này đã đưa hệ thống phòng thủ tên lửa HQ-9 và nhiều loại vũ khí lên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa và lên tiếng bao biện rằng, họ có toàn quyền làm việc này.

Khi được hỏi về việc xây dựng các trạm radar trên các đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nhắc lại quan điểm rằng, việc các đảo nói trên thuộc lãnh thổ Trung Quốc “là một điều không cần phải bàn cải” và Bắc Kinh hoàn toàn tuân thủ luật pháp quốc tế khi “xây dựng các công trình có tính chất phòng thủ một cách rất hạn chế”.

Bà Hoa Xuân Doanh nói rằng: “Một mặt, Mỹ đang nói về tự do đi lại nhưng trên thực tế, Mỹ đang mơ đến việc thống trị hoàn toàn trên biển”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, Bắc Kinh ủng hộ quyền tự do đi lại và nhấn mạnh, các công trình mà họ xây dựng trên các đảo nhân tạo chủ yếu phục vụ mục đích dân sự như tìm kiếm, cứu nạn.

Tuy nhiên, CSIS cáo buộc, Trung Quốc đang xây dựng nhiều công trình có thể phục vụ cho mục đích quân sự, bao gồm 3 đường băng có chiều dài khoảng 3km.

Trung Quốc đang tìm cách “đưa mọi loại vũ khí phòng thủ và tấn công mà họ có” đến các đảo nhân tạo nói trên với mục đích thống trị toàn bộ khu vực, ông Jean-Pierre Cabestan làm việc tại trường Đại học Hong Kong Baptist nói.

“Vì các nước có tranh chấp có sức mạnh quân sự không thể so sánh nổi với Trung Quốc, nước này có thể thống trị và dần tiến tới kiểm soát hoàn toàn Biển Đông. Tuy nhiên, mục đích chính của Trung Quốc lúc này là buộc Không quân và Hải quân Mỹ phải “nghĩ kỹ” nếu muốn tiếp tục đưa tàu và máy bay qua lại khu vực này”, ông Cabestan nói.

Với việc Trung Quốc xây dựng các trạm radar trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông, Mỹ sẽ phải cân nhắc nhiều nếu muốn đưa tàu chiến và máy bay chiến đấu vào tuần tra trong khu vực. Trên ảnh là tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Curtis Wilbur mà Mỹ từng đưa vào tuần tra ở Biển Đông. Ảnh Hải quân Mỹ

Trong khi đó, ông Lin Wencheng tại Đại học Quốc gia Tôn Trung Sơn, cho rằng, từ 3-4 năm qua, Chính phủ của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ngày càng quyết tâm thách thức chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông và nhấn mạnh: “Các trạm radar của Trung Quốc ở một mức độ nào đó là nhằm vào các hoạt động quân sự của Mỹ trong khu vực”./.