Theo AP, Lầu Năm Góc ước tính con số thực chi sẽ còn cao hơn khoảng 40-50% số tiền nói trên bởi ngân sách quốc phòng này không bao gồm việc nhập khẩu các loại vũ khí hiện đại cũng như nghiên cứu và phát triển các chương trình vũ khí quan trọng của nước này.
Tăng ngân sách củng cố sức mạnh quân đội
Việc tăng chi tiêu ngân sách quốc phòng là sự phản ánh tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cũng như tham vọng áp đặt ý chí của nước này lên các vấn đề trong khu vực và trên tòa thế giới.
Tuy nhiên, Bắc Kinh đã khẳng định rằng việc gia tăng ngân sách quốc phòng chỉ là để hiện đại hóa và cải thiện điều kiện làm việc của 2,3 triệu binh sĩ thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Việc tăng ngân sách quốc phòng lên 10% dự kiến sẽ được thông qua ngày 5/3 tại phiên khai mạc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (NPC) và nằm trong mức tăng chi tiêu chung của chính phủ năm 2015.
Người phát ngôn NPC Fu Ying tuyên bố: “Trung Quốc gặp phải nhiều khó khăn hơn bất kỳ quốc gia lớn nào trên thế giới trong việc hiện đại hóa nền quốc phòng của mình. Chúng tôi chỉ có thể tự dựa vào bản thân để nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới nhất của quân đội Trung Quốc trong khi phải liên tục cải thiện các loại vũ khí cho các binh sĩ của mình”.
Bà Fu cũng nhắc lại quan điểm của Trung Quốc rằng nước này vẫn theo sát chính sách quân sự mang tính phòng vệ và không bao giờ “sử dụng chiến hạm” để phục vụ lợi ích về kinh tế và thương mại của mình.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc gia tăng chi tiêu ngân sách quốc phòng cũng gặp phải những “ánh mắt dè chừng” từ các quốc gia trong khu vực vốn luôn lo ngại về “sự trỗi dậy của Trung Quốc”.
Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ phải dè chừng?
Nhật Bản đã tăng mức ngân sách quốc phòng lên 2,8% trong năm 2015 lên con số kỷ lục là 42 tỷ USD và là mức tăng trong 3 năm liên tiếp sau 11 năm liên tục giảm chi tiêu quốc phòng cho đến khi Thủ tướng Shinzo Abe lên nắm quyền năm 2012.
Trong danh sách mua sắm của mình, Nhật Bản đã đặt ưu tiên mua các loại máy bay và tàu thủy để có thể đương đầu với Trung Quốc trong các vụ tranh chấp trên biển.
Không chỉ có Nhật Bản, Ấn Độ, nước nhập khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, trong những năm gần đây cũng đã tăng ngân sách quốc phòng trong năm nay lên 11% đạt mức 40 tỷ USD và phần lớn trong số này là cho lực lượng Hải quân và Không quân.
Trung Quốc và Ấn Độ hiện cũng đang tranh chấp tại khu vực biện giới và New Delhi đã bày tỏ lo ngại về việc Hải quân Trung Quốc tăng cường sự hiện diện của mình tại Ấn Độ Dương.
Dù mức tăng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc mới chỉ bằng 1/3 của Mỹ- với con số lên đến 534 tỷ USD trong năm 2015 cùng với 51 tỷ USD giành cho cuộc xung đột tại Afghanistan, Iraq và Syria, Mỹ vẫn phải lo ngại Trung Quốc bởi Mỹ hiện đang phải “thắt lương buộc bụng” và giảm đáng kể số tiền chi cho quân đội nước này.
Những tham vọng trong tương lai
Không chỉ tăng cường điều kiện sống cho các binh sĩ, quân đội Trung Quốc còn đang cạnh tranh gay gắt với các tập đoàn và công ty hàng đầu của nước này để giành lấy các sinh viên là thủ khoa trong các ngành khoa học và công nghệ về làm việc cho mình.
Nhu cầu về việc sở hữu các loại vũ khí hiện đại của Trung Quốc cũng đồng nghĩa với việc quân đội nước này phải mạnh tay chi tiền để đóng thêm một tàu sân bay cùng với việc nhanh chóng đưa vào sử dụng hai mẫu máy bay tàng hình mới do nước này tự phát triển.
Trung Quốc cho rằng, thách thức về an ninh của nước này trong khu vực bao gồm việc tranh chấp biên giới với Ấn Độ tại khu vực dãy Himalaya, tranh chấp với các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á về chủ quyền đối với một số nhóm đảo, bãi cạn và bãi đá trên Biển Đông cũng như tranh chấp về chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản trên biển Hoa Đông.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng tích cực tham gia các chiến dịch gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc và dự định thông qua một dự luật chống khủng bố mới cho phép đưa quân ra nước ngoài để tham gia vào các chiến dịch chống khủng bố nếu được nước chủ nhà chấp thuận.
Tuy nhiên, những mục tiêu nói trên của quân đội Trung Quốc đang vấp phải nhiều khó khăn khi tệ nạn tham nhũng đang lan tràn trong giới tướng lĩnh nước này buộc chính quyền phải mạnh tay đưa nhiều tướng lĩnh vào tầm ngắm.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trực tiếp giám sát việc bắt giữ hai trong số các tướng lĩnh nói trên, bao gồm cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu.
Trong tuần qua, Trung Quốc cũng đã công bố danh sách 14 tướng lĩnh nước này thuộc diện bị điều tra hoặc bị cáo buộc mua quan bán chức, tham ô hoặc nhận hối lộ liên quan đến nhiều dự án mua bán nhà đất./.