Bất chấp nhiều vòng trừng phạt liên tiếp của Liên Hợp Quốc, Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục triển khai thử vũ khí hạt nhân.
Sau khi Triều Tiên cho phát nổ vật được nghi ngờ là bom nhiệt hạch (bom H) vào ngày 3/9 vừa qua, Mỹ đã hối thúc Liên Hợp Quốc đưa ra những lệnh trừng phạt hà khắc nhất cho đến nay đối với Bình Nhưỡng. Song chỉ sau vòng trừng phạt "lịch sử” lần thứ hai được đưa ra chỉ trong vòng một tháng, theo nhiều nhà quan sát các biện pháp cắt giảm một phần nguồn cung cấp nhiêu liệu hoá thạch, phong toả các tài sản các nhân và ngăn trở mậu dịch dệt may chỉ là một hành động đáp trả lớn hơn khác đối với một chính quyền hiếu chiến quyết tâm tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân bằng bất cứ giá nào.
Vụ phóng tên lửa đạn đạo vào ngày 15/9 qua Nhật và là lần thứ hai bay qua lãnh thổ Nhật trong vòng hai tuần cho thấy những lệnh trừng phạt trên chưa đủ mạnh để ngăn cản Bình Nhưỡng. Vụ phóng tên lửa này cũng trực tiếp thử thách Mỹ và Trung Quốc bằng cách này hay cách khác phải xây dựng một mặt trận thống nhất chống lại Triều Tiên.
Ngay từ đầu Mỹ đã thúc bách thắt chặt cơ chế trừng phạt đối với Triều Tiên, bao gồm cấm vận dầu mỏ hoàn toàn và cấm các quan chức Triều Tiên đi lại song sau đó buộc phải giảm các yêu cầu này để đảm bảo nhận được sự hợp tác toàn diện từ phía Trung Quốc.
Sự xung đột giữa lợi ích của Trung Quốc và Mỹ về vấn đề Triều Tiên là quá rõ ràng và điều đó có thể thấy qua việc Bắc Kinh tiếp tục thiếu hành động đến cùng để có thể lật đổ chính quyền của ông Kim Jong Un.
Yếu tố này kết hợp cùng với thực tế năng lực hạt nhân của Triều Tiên tăng nhanh vượt bậc và nước này liên tục triển khai các vụ thử vũ khí đang càng làm trầm trọng mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Con đường đối thoại - sáng kiến của Trung Quốc
Ngay sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ra nghị quyết trừng phạt Triều Tiên vào ngày 11/9, Tân Hoa xã đã bình luận rằng chính quyền của ông Trump đang mắc phải một sai lầm khi tiếp tục thắt chặt trừng phạt thay vì tìm kiếm một giải pháp ngoại giao với Triều Tiên.
Tân Hoa xã cho biết: "Mỹ cần chuyển đổi từ cô lập sang đối thoại để chấm dứt 'cái vòng trừng phạt luẩn quẩn' đối với Triều Tiên, khi mà các vụ thử hạt nhân và tên lửa là nguồn khởi dẫn đến các lệnh trừng phạt hà khắc hơn và những lệnh trừng phạt hà khắc hơn khơi gợi các vụ thử tiếp theo."
Trung Quốc chủ trương ủng hộ một chiến lược gọi là "ngừng đổi lấy ngừng”, theo đó chính quyền Triều Tiên nhất trí ngừng tất cả các hoạt động thử vũ khí và phóng tên lửa để đổi lấy Mỹ giảm thiểu tối đa sự hiện diện quân sự trên Bán đảo Triều Tiên và ngừng toàn bộ các cuộc diễn tập quân sự chung với Hàn Quốc.
Song Mỹ đã thẳng thừng phản đối bất cứ các hình thức mới nào của các thoả thuận "ngừng” vì Mỹ cho rằng nó sẽ làm suy yếu vị thế chiến lược của mình trên Bán đảo Triều Tiên. Hai thoả thuận tương tự đã được ký giữa Mỹ và Triều Tiên dưới thời Tổng thống Clinton và Bush đã đổ vỡ sau khi Bình Nhưỡng không tôn trọng thoả ước đã ký.
Bài toán hạt nhân Triều Tiên: Đối thoại có tốt hơn là trừng phạt?
Dùng đồng Đô la Mỹ để đổi lấy việc tuân thủ của Trung Quốc
Trong khi đó, Mỹ nghi ngờ vào cam kết thi hành lệnh trừng phạt Triều Tiên của Trung Quốc vì các cá nhân và công ty Trung Quốc có tiền sử vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc và không cắt đứt quan hệ buôn bán với Triều Tiên.
Sau vòng trừng phạt trước đối với Bình Nhưỡng vào tháng 8, Mỹ đã ban hành một loạt các lệnh trừng phạt bổ sung đối với các cá nhân và các công ty Trung Quốc được cho là đã hỗ trợ chương trình vũ khí của Triều Tiên.
Một bài xã luận trên tờ báo "Thời báo Toàn cầu” của Trung Quốc đã "phản pháo" với lời buộc tội Mỹ "vi phạm nghiêm trọng” luật pháp quốc tế vì trừng phạt các công ty và các cá nhân Trung Quốc đồng thời quả quyết rằng Trung Quốc "thực hiện nghiêm túc" các nghị quyết của Hội đồng Bảo an.
Vòng trừng phạt mới đối với Triều Tiên được ban hành vào ngày 11/9 cấm các công ty nước ngoài thành lập công ty liên doanh thương mại với các pháp nhân Triều Tiên.
Vào ngày 12/9, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin thông tin cho báo giới biết rằng nếu Trung Quốc không tuân thủ lệnh trừng phạt của Liên Hợp quốc đối với Triều Tiên, chính quyền Mỹ sẽ thực hiện các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Bắc Kinh để cắt quyền tiếp cận của nước này vào hệ thống tài chính Mỹ.
Ông Mnuchin nói: "Nếu Trung Quốc không tuân thủ các lệnh trừng phạt này, chúng tôi sẽ bổ sung trừng phạt Trung Quốc và không cho Trung Quốc tiếp cận đến hệ thống đô la của Mỹ và quốc tế và biện pháp này hoàn toàn có ý nghĩa."
Ely Ratner, cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ thời chính quyền Obama và hiện là chuyên gia về Trung Quốc thuộc Hội đồng Đối ngoại của Mỹ, cho biết chính quyền Trump có thể sẽ áp dụng các lệnh trừng phạt thứ phát bổ sung đối với các công ty, ngân hàng và cá nhân Trung Quốc nếu tiếp tục giao thương với Triều Tiên một cách bất hợp pháp vì vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
Ông Ratner nói: "Chính phủ Trung Quốc sẽ không thích điều này, song họ chỉ phải tự đổ lỗi cho mình vì không thi hành các nghị quyền của Hội đồng Bảo an mà đã bỏ phiếu tán thành."
Một quan chức của chính quyền Trump cho hãng tin Reuters biết rằng bất cứ hình thức "trừng phạt thứ cấp” như vậy đối với các ngân hàng Trung Quốc và các công ty khác hiện tại được tạm trì hoãn nhằm cho Trung Quốc thời gian chứng minh nước này đã sẵn sàng thi hành đầy đủ các vòng trừng phạt cũ và mới nhất đối với Triều Tiên.
Trung Quốc sẽ không lùi bước?
Song thậm chí nếu Trung Quốc chấp hành với các lệnh trừng phạt này, điểm mấu chốt là việc hạ bệ chính quyền Kim Jong Un không phù hợp với lợi ích quốc gia của Trung Quốc. Các nhà quan sát cho rằng Bắc Kinh ít quan ngại về chương trình vũ khí của Triều Tiên hơn là về khả năng một bán đảo Triều Tiên tái thống nhất nằm dưới sự bảo trợ của Mỹ.
Phó Hiệu trưởng phụ trách nghiên cứu thuộc Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu tại Singapore, ông Eduardo Araral, nhận định: "Trung Quốc không muốn Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên sụp đổ vì nó sẽ để lại nhiều mối bất ổn liên quan đến vũ khí, người tị nạn và một căn cứ quân sự của Mỹ đóng ngay tại ngưỡng cửa của mình."
Song ông Araral cho rằng Mỹ sẽ không thể giải quyết được vấn đề Triều Tiên nếu không có sự hợp tác của Trung Quốc. "Quan hệ Mỹ - Trung đan quyện với nhau đến mức Mỹ không thể tiếp tục gây tổn thương cho Trung Quốc ví dụ về thương mại mà không gây tổn hại đến mình", ông nói.
Tổng thống Mỹ Trump sẽ lại thất bại với Triều Tiên như các tiền nhiệm?
Sẽ có một bán đảo hậu Kim Jong Un?
Một trong những trở ngại lớn trong việc cản trở Mỹ và Trung Quốc thành lập một mặt trận thống nhất trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên đó là mối quan ngại về hệ quả địa chính trị trên Bán đảo Triều Tiên nếu miền Bắc sụp đổ và thống nhất với miền Nam.
Tuy nhiên, lợi ích của Mỹ và Trung Quốc hoà hợp ở điểm là cả hai không muốn một bộ máy quân sự hạt nhân luôn sẵn sàng của Triều Tiên và Trung Quốc đặc biệt không muốn chiến tranh hạt nhân nổ ra sân sau của mình. Cần ghi nhớ rằng Trung Quốc không hẳn có mối quan hệ hữu hảo với Triều Tiên. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chưa bao giờ gặp gỡ nhà lãnh đạo Kim Jong Un của Triều Tiên và có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẵn sàng có một lập trường cứng rắn hơn với chính quyền Triều Tiên.
Để chấp nhận một bán đảo Triều Tiền thống nhất, Trung Quốc cần phải được đảm bảo rằng Mỹ phi quân sự hoá trong khu vực và một kiến trúc an ninh mới trong khu vực Đông Bắc Á có thể được kiến tạo với lợi ích của Bắc Kinh phải được đặt lên hàng đầu. Kịch bản này sẽ gây ra vấn đề không chỉ đối với các lợi ích của Mỹ mà còn đối với Nhật Bản và Hàn Quốc.
Nozh Feldman, tác giả cuốn "Chiến tranh Lạnh: Mỹ, Trung Quốc và Tương lai Cạnh tranh Toàn cầu” và là giáo sư Trường Luật Harvard, phát biểu rằng Trung Quốc làm lộ diện "một vấn đề cơ cấu” đối với một đất nước Triều Tiên thống nhất. Sự bảo đảm an ninh của Mỹ trên Bán đảo Triều Tiên sẽ là cần thiết đối với Hàn Quốc và Nhật để nhất trí về một cơ cấu địa chính trị mới ở Đông Bắc Á, điều mà Trung Quốc sẽ không bao giờ đồng ý.
Ông Feldman nói: "Các nước này đang sống dưới phạm vi ảnh hưởng về kinh tế Trung Quốc, đồng thời lệ thuộc vào Mỹ về bảo đảm an ninh. Các nước này đang đẩy hai phe kình chống nhau để mình hưởng lợi."
Đáng lưu ý rằng lần duy nhất Mỹ và Trung Quốc đối đầu trực tiếp là về Bán đảo Triều Tiên vào năm 1950 sau khi Quân Tình nguyện Trung Quốc dấn vào cuộc Chiến tranh Triều Tiên nhằm nhân danh Triều Tiên chống lại một liên minh do Mỹ cầm đầu để bảo vệ miền Nam. Và trên 65 năm sau, dường như một hành động kiên quyết nữa của người Trung Quốc là cần thiết để lật lại thế cân bằng có lợi cho mình ở khu vực Đông Bắc Á./.