Ông Trump: Chỉ số cholesterol cao, có nguy cơ béo phì
Tỷ phú Mỹ Donald Trump ngày 15/9 đã công bố bức thư về tình hình sức khỏe của ông do chính bác sĩ của ông, ôngHarold Bornstein viết. Theo đó, ông Trump đang phải uống thuốc để hạ chỉ số cholesterol và có nguy cơ béo phì. Tuy nhiên, bức thư này khẳng định, sức khỏe của ông Trump “rất tốt”.
Cả ông Trump và bà Clinton đều có vấn đề về sức khỏe. Ảnh: Reuters |
Bức thư ghi rõ, ông Trump cao 1m9 và nặng 103kg đồng nghĩa với việc ông bị quá cân và có nguy cơ bị béo phì. Bản thân ông Trump cũng thừa nhận, ông muốn giảm từ 15-20kg nhưng việc này khá khó khăn.
Bác sĩ Bornstein cũng cho biết, các chỉ số khác của ông Trump vẫn ở trong ngưỡng cho phép. Cụ thể, chỉ số cholesterol của ông Trump là 169, HDL là 63 và LDL là 94. Huyết áp của ông Trump là 116/70, lượng đường trong máu là 99 milligram/1 deciliter và PSA (chỉ số về khả năng mắc ung thư tuyến tiền liệt) là 0,15.
“Chức năng gan và tuyến giáp trạng của ông ấy hoạt động tốt. Kết quả nội soi đại tràng mà ông ấy thực hiện lần gần đây nhất vào ngày 10/7/2013 không cho thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào. Các kết quả điện tâm đồ và X-quang mà ông Trump tiến hành tháng 4/2016 cũng cho kết quả bình thường”, bức thư của bác sĩ Bornstein nêu rõ.
Liên quan đến tim mạch của ông Trump, bác sĩ Bornstein nhận định: “Các xét nghiệm điện tâm đồ của ông Trump vào tháng 12/2014 cũng như các đánh giá về tim mạch gần đây đều cho thấy ông ấy hoàn toàn khỏe mạnh”. Cũng theo bác sĩ Bornstein gia đình ông Trump “không có tiền sử tim mạch hay ung thư”, cha mẹ của ông Trump đều “sống thọ trên 80 và 90 tuổi”.
Chia sẻ trên chương trình truyền hinh thực tế “The Dr. Oz Show” ngày 15/9, ông Trump nhấn mạnh, mọi ứng viên Tổng thống đề có nghĩa vụ phải cho cử tri thấy mình hoàn mạnh khỏe. Ông Trump lạc quan cho rằng, ông vẫn cảm thấy mình khỏe như “thanh niên 30 tuổi”.
“Khi tham gia tranh cử Tổng thống, bạn phải giữ cho mình luôn khỏe mạnh. Bạn sẽ không thể làm việc cũng như đại diện cho đất nước một cách hoàn hảo nếu sức khỏe của bạn không tốt”, ông Trump, hiện đã 70 tuổi, tuyên bố và cho biết, lần cuối ông phải nhập viện là khi ông mới 11 tuổi.
Donald Trump đòi loại bà Clinton khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng
Bà Clinton: Chấn động não, suy giáp, viêm phổi…
Tình hình sức khỏe của bà Clinton đã trở thành tâm điểm của giới truyền thông sau khi bà có biểu hiện ngã quỵ và ngất xỉu khi đang tham dự lễ tưởng niệm 15 năm vụ khủng bố 11/9 và được các nhân viên mật vụ hỗ trợ đưa vào xe của bà.
Vài giờ sau, những người tham gia vận động tranh cử của bà cho biết, bà bị viêm phổi từ ngày 9/9 và bị sốt cao cũng như mất nước nghiêm trọng tại lễ tưởng niệm nói trên. Bà Clinton và các trợ lý của bà khẳng định rằng, bà không bị ngất xỉu mà chỉ cảm thấy khó chịu và nhanh chóng hồi phục sau khi được đưa vào xe của bà.
Trong hồ sơ y tế của bà Clinton, bác sĩ Lisa Bardack, viết rằng, tình trạng viêm phổi của bà Clinton- được phát hiện ngày 9/9- là không nghiêm trọng và không có khả năng lây nhiễm. Huyết áp của bà Clinton là 100/70 và chỉ số cholesterol của bà là 189.
“Theo quan điểm của tôi, bà Clinton vẫn khỏe mạnh và không hề mắc thêm bất kỳ bệnh tật gì khác trong năm nay ngoài bệnh viêm xoang, viêm tai và viêm phổi. Bà ấy đang bình phục nhanh chóng nhờ uống thuốc kháng sinh và nghỉ ngơi đầy đủ. Bà ấy có đủ sức khỏe để đảm đương công việc của một Tổng thống Mỹ”, bà Bardack kết luận.
Tuy nhiên, trên thực tế, hồ sơ y tế của bà Clinton vẫn cho thấy nhiều điều hết sức đáng lo ngại. Trong một báo cáo được công bố hồi tháng 7/2015, bác sĩ của bà Clinton, bà Lisa Bardack viết: “Hồ sơ y tế của bà Clinton cho thấy, bà từng bị nghẽn mạch máu nghiêm trọng vào năm 1998 và 2009 cũng như từng bị rạn xương khuỷu tay vào năm 2009 và bị chấn động não vào năm 2012”.
Donald Trump công khai gọi Hillary Clinton là “kẻ nhỏ mọn”
Chứng nghẽn mạch máu của bà Clinton đã khiến bà phải uống thuốc để làm loãng các cục máu đông hình thành trong quá trình bà phải di chuyển liên tục bằng máy bay trong các chuyến công du nước ngoài.
Theo Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Bệnh tật Mỹ, các cục máu đông này cực kỳ nguy hiểm đối với những người hay phải di chuyển nhiều bằng máy bay. Chúng được hình thành ở phần chân của họ do họ phải ngồi quá lâu.
Mọi chuyện sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu các cục máu đông này bị vỡ và lan ra khắp cơ thể, đặc biệt là vào phổi. Ngoài ra, bà Clinton cũng đang được điều trị suy tuyến giáp, một chứng bệnh khiến tuyến giáp không thể sản sinh đủ các hormone thiết yếu.
Hồi năm 2009, bà Clinton- khi ấy còn là Ngoại trưởng Mỹ- từng bị ngã quỵ xuống khiến bà bị rạn xương khuỷu tay và phải phẫu thuật trong suốt 2 giờ liền. Đến tháng 12/2012, bà Clinton nhiễm một loại virus khiến bà đau bụng và ngất xỉu khiến bà bị chấn động não. Các bác sĩ sau đó nhận thấy bà có một cục máu đông trong não và đã tìm cách làm tan cục máu đông này./.