Tiến trình Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) lại tiếp tục đối mặt với trắc trở, khi Quốc hội Anh hôm qua (19/10) đã trì hoãn quyết định liệu có ủng hộ cho thoả thuận Brexit mới mà Thủ tướng Anh Boris Johnson vừa đạt với EU hay không. Với quyết định mới nhất tại Hạ viện, Thủ tướng Anh hôm qua đã phải miễn cưỡng viết thư đề nghị châu Âu gia hạn Brexit. Liên minh châu Âu cũng có những phản ứng đầu tiên trước những diễn biến trên chính trường Anh.
Hiện vẫn chưa chắc chắn Brexit sẽ diễn ra theo cách thức nào và khi nào. Ảnh: Reuters |
Theo Tạp chí Thời báo Chủ nhật của Anh, Thủ tướng Johnson hôm qua đã gửi một lá thư không có chữ ký tới Liên minh châu Âu xin đề nghị trì hoãn Brexit. Trong một bức thư khác có chữ ký được gửi cùng, Thủ tướng Johnson khẳng định, ông không muốn lùi thời hạn Brexit, vốn đã bị trì hoãn hai lần. Về thông điệp gửi tới Liên minh châu Âu, Thủ tướng Anh khẳng định:
"Tôi sẽ không đàm phán về việc trì hoãn với EU. Tôi sẽ nói với các bạn và các đồng nghiệp ở EU chính xác những gì tôi đã nói với mọi người khác trong 88 ngày qua trên cương vị Thủ tướng là “việc tiếp tục trì hoãn sẽ không tốt cho đất nước này, không tốt cho EU và không tốt cho nền dân chủ”.
Châu Âu cũng có những phản ứng đầu tiên. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có lẽ là nhà lãnh đạo châu Âu có quan điểm cứng rắn và công khai nhất về vấn đề gia hạn Brexit. Ông Macron hôm 19/10 đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Anh, đề nghị nêu rõ lập trường của nước này về Brexit, đồng thời khẳng định sự trì hoãn Brexit sẽ không mang lại lợi ích cho bất cứ ai. Tổng thống Macron trước đó cũng đã từng lên tiếng không ủng hộ kéo dài Brexit sau hạn chót 31/10 tới. Trong khi đó, Lãnh đạo Liên minh châu Âu, Ủy ban châu Âu (EC) đã hối thúc Chính phủ Anh nhanh chóng giải thích những bước đi tiếp theo về Brexit.
Dự kiến các đại sứ của EU hôm nay có cuộc họp để thảo luận về diễn biến mới nhất. Quá mệt mỏi với diễn biến trên chính trường Anh nhưng giới phân tích nhận định, nếu Thủ tướng Johnson đề nghị gia hạn Brexit, có ít khả năng các nước EU sẽ từ chối. Một chuyên gia về Brexit tại Anh Anand Menon nhận định, các nước Liên minh châu Âu không muốn Brexit không thỏa thuận và chắc chắn họ cũng không muốn bị đổ lỗi là nguyên nhân của kịch bản không mong muốn này. Theo một số nguồn tin thân cận, EU có thể cấp "gia hạn kỹ thuật" trong một tháng - thay vì thời hạn 31/10 tới để Nghị viện Anh có thể phê duyệt thỏa thuận vừa đạt được với Liên minh châu Âu.
Trong khi các nước Liên minh châu Âu thảo luận biện pháp phản ứng thì chính trường Anh cũng sẽ có những thay đổi khó định đoán.Theo nghị sĩ Anh, chính phủ sẽ tìm cách tổ chức một cuộc bỏ phiếu khác cho thoả thuận của ông Johnson vào ngày mai (21/10) . Tuy nhiên, để tổ chức một cuộc bỏ phiếu như vậy cần nhận được sự cho phép của Chủ tịch Hạ viện John Bercow. Ông Bercow cho biết sẽ đưa ra quyết định vào ngày mai:
“Tôi sẽ đưa ra quyết định đầy đủ về vấn đề này vào ngày 21/10. Tôi sẽ làm như vậy sau khi tham vấn với các bên thích hợp, với hi vọng sẽ là một phán quyết hữu ích cho tất cả các bên”
Sau hơn 3 năm tranh cãi căng thẳng về Brexit kể từ khi cuộc trưng cầu ý dân diễn ra, hiện vẫn chưa chắc chắn Brexit sẽ diễn ra theo cách thức nào và khi nào. Cụm từ trì hoãn Brexit không chỉ ám ảnh với Thủ tướng Boris Johnson mà còn đối với cả người dân Anh và cả Liên minh châu Âu. Tương lai nước Anh đang bị trì hoãn, trong khi châu Âu cũng bị cuốn vào mớ bòng bong Brexit vào thời điểm cần có những hoạch định quan trọng.
Quá mệt mỏi với sự trì hoãn kéo dài, hàng chục nghìn người dân Anh hôm qua (19/10) đã xuống đường tuần hành đòi tổ chức cuộc trưng cầu ý dân mới với hy vọng một lần nữa tiếng nói của người dân sẽ được lắng nghe./.