Bộ Tài chính Mỹ được ngầm “bật đèn xanh”?
Theo Reuters, Bộ Tài chính Mỹ ngày 2/2 đã “điều chỉnh” các lệnh trừng phạt nhằm vào Cơ quan Tình báo Nga (FSB)- mà Tổng thống Barack Obama áp đặt hồi năm 2015 và thắt chặt hơn nữa vào cuối năm 2016- theo hướng nới lỏng dần.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters |
Theo Bộ Tài chính Mỹ, việc điều chỉnh các lệnh trừng phạt nhằm vào FSB sẽ tạo điều kiện cho các công ty của Mỹ có thể “thực hiện các giao dịch với FSB một cách rất hạn chế trong trường hợp cần thiết để có thể bán các sản phẩm công nghệ thông tin cho Nga”.
Khi được hỏi liệu có phải ông muốn nới lỏng lệnh trừng phạt đối với Nga thông qua quyết định trên của Bộ Tài chính Mỹ hay không, Tổng thống Donald Trump khẳng định: “Tôi không nới lỏng gì hết”.
Thư ký Báo chí Nhà Trắng Sean Spicer cũng lên tiếng nhấn mạnh rằng, việc điểu chỉnh của Bộ Tài chính Mỹ không phải là nhằm nới lỏng các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga mà “chỉ là một quyết định hoàn toàn bình thường” của Bộ này.
Tuy nhiên, báo chí Mỹ không mấy bị thuyết phục bởi những gì ông Trump, ông Spicer và Bộ Tài chính Mỹ công bố bởi ngay trong giai đoạn vận động tranh cử và sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump thường xuyên nhắc đến việc muốn dỡ bỏ lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.
“Họ [chính quyền dưới thời Tổng thống Barack Obama-ND] đã áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào Nga- hãy xem liệu chúng ta có thể đạt được một thỏa thuận tốt nào với Nga về việc này hay không”, ông Trump tuyên bố hồi tháng 1.
Mỹ sẽ không “quay ngoắt thái độ” với Nga dưới thời Tổng thống Trump
Nga hoan nghênh một cách thận trọng
Gần như ngay lập tức, Hãng Thông tấn TASS của Nga, nhận định: “Giới chức Mỹ đã “tự làm suy yếu dần” các lệnh trừng phạt nhằm vào Cơ quan Tình báo Nga (FSB)”.
Tuy nhiên, TASS cũng cho biết, người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin Dmitry Peskov tỏ ra rất thận trọng khi đưa ra tuyên bố: “Chúng tôi cần phải cân nhắc kỹ hành động này của phía Mỹ”.
Dù vậy, cựu Giám đốc FSB Nikolai Kovalyov- người hiện là thành viên Duma Quốc gia (tức Hạ viện) Nga lại cho rằng, động thái này của Mỹ cho thấy Washington muốn cải thiện quan hệ với Moscow.
“Điều này cho thấy, hai bên muốn hợp tác một cách thực chất để thiết lập một liên minh chống khủng bố”, ông Kovalyov nói: “Nếu Mỹ không chịu nới lỏng các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga thì việc hợp tác sẽ rất khó thành công”.
Lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Trump sẽ không phá cách
Các nghị sĩ Mỹ chỉ trích dữ dội
Trong khi đó, các nghị sĩ Mỹ của cả Đảng Cộng hòa và Dân chủ đều lên tiếng chỉ trích dữ dội quyết định “điều chỉnh” các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga. Hai Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa là John McCain và Lindsey Graham kêu gọi Chính phủ Mỹ cần phải thắt chặt thay vì nới lỏng các lệnh trừng phạt nói trên.
Cùng chung quan điểm này, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Cory Garner nhấn mạnh, ông sẽ gia nhập nhóm nghị sĩ ủng hộ việc “Hành động chống lại các hành động thù địch của Nga trong năm 2017”.
Hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ Eric Swalwell, ủy viên tiểu ban về CIA của Hạ viện Mỹ, thậm chí còn lên tiếng cáo buộc chính quyền của ông Trump đã “khen thưởng” cho FSB vì hành động phá hoại bầu cử Mỹ.
“Chính FSB một tháng trước đã bị cộng đồng tình báo Mỹ “chỉ đích danh” là cơ quan chịu trách nhiệm về các vụ tấn công nhằm vào nền dân chủ của chúng ta”, ông Swalwell nói: “Chính phủ Mỹ đang tạo điều kiện cho FBS dễ dàng mua công nghệ của Mỹ để họ lợi dụng tấn công chúng ta và các đồng minh của chúng ta một lần nữa”.
Hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ Bill Pascrell tuyên bố, ông Trump đã “tặng thưởng cho nước Nga vì những hành vi xấu xa của họ”: “Đối với một người được cho là chuyên gia thương thuyết như ông Trump, tôi thấy đây là một thỏa thuận cực tồi”.
Ông Joaquin Castro, Ủy viên Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, cáo buộc chính phủ của ông Trump dường như đang “đặt lợi ích của nước Nga lên trên nước Mỹ”: “Việc cho phép các công ty của Mỹ làm ăn với FSB bất chấp những hành vi tồi tệ của họ sẽ càng khiến cho Tổng thống Nga Putin sẵn sàng hành động một cách liều lĩnh hơn nữa trong tương lai”./.