Tổng thống Donald Trump lại phải chịu thêm một thất bại nặng nề hôm 24/3 (giờ địa phương), khi phải rút dự luật thay thế Obamacare. Đây là thất bại mới nhất trong chuỗi các thất bại của ông sau hơn 2 tháng nhậm chức Tổng thống.

Lệnh cấm nhập cảnh hai lần bị “phản pháo”

Chỉ một tuần sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Trump đã ra lệnh cấm nhập cảnh đối với các công dân đến từ 7 quốc gia Hồi giáo và tất cả những người tị nạn. Lệnh này được đưa ra mà không có bất kỳ lời cảnh báo trước nào, khiến tình trạng tại các sân bay quốc tế Mỹ trở nên hỗn loạn và gây ra sự phẫn nộ trên toàn thế giới.

cam_nhap_canh_ybmj.jpg
Lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân từ một số nước Hồi giáo gặp phải sự phản đối khắp nơi. (Ảnh: Reuters).

Tuy nhiên, một thẩm phán Mỹ ngày 3/2 đã tạm thời ngăn cản lệnh cấm nhập cư của Tổng thống Trump đối với người dân từ 7 nước Hồi giáo. Thẩm phán một quận của thành phố Seattle thuộc bang Washington, James Robart đã ra phán quyết chống lại các luận cứ của các luật sư chính phủ.

Tiếp theo đó, Washington là bang đầu tiên khởi kiện sắc lệnh cấm nhập cư của ông Trump với việc Tổng chưởng lý Bob Ferguson cho rằng sắc lệnh đã gây ra khá nhiều thiệt hại đối với người dân và mang tính chất phân biệt tôn giáo.

Sau khi kháng cáo không thành công, chính quyền của ông Trump tiếp tục ban hành một sắc lệnh cấm mới. Theo đó, sẽ đóng cửa biên giới Hoa Kỳ đối với người Iran, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen trong 90 ngày và tất cả người tị nạn ít nhất 120 ngày. Iraq có tên trong sắc lệnh đầu tiên nhưng sau đã được loại khỏi danh sách cấm trong sắc lệnh sửa đổi.

Tuy nhiên, Tòa án tại Maryland Hawaii lại “bồi” thêm một cú vào sắc lệnh cấm thứ 2, khi ngày 15/3 đã ra một phán quyết yêu cầu đình chỉ khẩn cấp việc thực thi sắc lệnh này, cho rằng lệnh cấm thứ hai cũng phân biệt đối xử với người Hồi giáo. Hãng tin Reuters cho rằng động thái trên là đòn pháp lý mới nhất giáng vào nỗ lực của chính quyền Trump.

Mặc dù sắc lệnh của Tổng thống Trump không đề cập trực tiếp đến người Hồi giáo, nhưng Tòa án đã chấp nhận những lập luận rằng tuyên bố của ông Trump khi chạy đua vào Nhà Trắng năm ngoái - rằng ông bắt đầu nhiệm kỳ ở Nhà Trắng với lệnh cấm người Hồi giáo nhập cảnh –đã xác định cách tiếp cận của ông [ám chỉ lệnh cấm nhập cảnh đối với người Hồi giáo-ND].

Vụ án sẽ được tiếp tục xử trong một tòa phúc thẩm liên bang ở Richmond, Virginia.

Cáo buộc đối với Nga

Kể từ khi cơ quan tình báo Mỹ công khai cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11/2016, câu hỏi được đặt ra là liệu có những ai tham gia chiến dịch tranh cử của ông Trump liên lạc với Moscow hay không?

Giám đốc FBI bác bỏ cáo buộc của Tổng thống Donald Trump nói rằng, ông bị chính quyền tiền nhiệm tổ chức nghe lén trong chiến dịch tranh cử cuối năm 2016. (Ảnh: Reuters).

Ít nhất bốn cuộc điều tra riêng biệt của Quốc hội đang được tiến hành xem xét khả năng can thiệp bầu cử của Moscow. Đảng Dân chủ cho rằng sự can thiệp của Nga, mà trong đó Kremlin giám sát một chiến dịch tấn công các email của Đảng Dân chủ, đã gây nên thất bại của bà Hillary Clinton.

Tháng trước, cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn đã phải từ chức sau khi có các cáo buộc ông Flynn đã có “mối quan hệ mờ ám” với Đại sứ Nga tại Washington Sergey Kislyak trước khi nhậm chức.

Tổng chưởng lý Jeff Sessions cũng tuyên bố tự rút lui khỏi các cuộc điều tra liên quan đến Nga ngay sau đó, khi thấy rằng ông cũng gặp Kislyak trước khi ông Trump nhậm chức.

Trong cuộc họp công khai tại Quốc hội hôm 20/3, Giám đốc FBI James Comey cũng lần đầu tiên xác nhận FBI đang điều tra các mối liên hệ có thể có giữa chiến dịch vận động tranh cử của ông Donald Trump với Nga mà trong đó Moscow được cho là tìm cách tác động tới cuộc bầu cử Mỹ năm ngoái. Ông cũng bác bỏ cáo buộc của Tổng thống Donald Trump nói rằng, ông bị chính quyền tiền nhiệm tổ chức nghe lén trong chiến dịch tranh cử cuối năm 2016. Tuyên bố này của ông Comey được coi là đòn giáng mạnh vào uy tín của Tổng thống Trump.

Cả Ủy ban Tình báo của Hạ viện và Hạ viện sẽ tổ chức các buổi điều trần công khai trong vài tuần tới.

Dự luật Chăm sóc sức khỏe bị “khai tử”

Hôm 24/3, Tổng thống Mỹ Trump đã buộc phải rút lại Dự luật về Chăm sóc sức khỏe (còn được biết đến với tên gọi Trumpcare) trước khi đưa ra bỏ phiếu tại Quốc hội, từ bỏ cam kết khi tranh cử của ông là sẽ dỡ bỏ những cải cách chăm sóc sức khoẻ của chính quyền tiền nhiệm.

Kế hoạch của ông Trump, với dự định mang thị trường cạnh tranh tự do sang lĩnh vực bảo hiểm và giảm chi phí bảo hiểm cho hầu hết người Mỹ, sẽ giảm trợ cấp cho những người không có bảo hiểm y tế thông qua người sử dụng lao động. Theo ước tính, nếu kế hoạch này được thực hiện, khoảng 14 triệu người sẽ bị mất bảo hiểm bắt đầu từ năm sau.

Nhưng dự luật này dường như đã bị “khai tử”, khi ngay cả những nhà lập pháp của đảng Cộng hòa cũng kêu gọi quay trở lại với Chương trình Chăm sóc sức khỏe cũ (Obamacare).

Tổng thống Mỹ Trump cho biết ông sẽ nhanh chóng hướng tới hoạt động cải cách thuế, một mục tiêu lâu dài của đảng Cộng hòa./.