Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai ngày 12/12 đã tới New Delhi bắt đầu chuyến thăm 4 ngày Ấn Độ. Dự kiến trong chuyến thăm này, ông sẽ gặp Thủ tướng Mannmohan Singh và tham gia các cuộc hội đàm song phương. Trong chuyến thăm này, ông Karzai sẽ nhắc lại yêu cầu của nước này đề nghị Ấn Độ viện trợ thiết bị quân sự cho Afghanistan.
Theo đánh giá của các chuyên gia, chuyến thăm của ông Karzai đến Ấn Độ không chỉ mang mục đích ngoại giao đơn thuần, sự hiện diện của ông Karzai ở New Delhi đặc biệt có ý nghĩa khi mà thỏa thuận an ninh Mỹ -Afghanistan vẫn chưa được ký kết và Ấn Độ chính là chỗ dựa không thể vững chắc hơn cho Afghanistan.
Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai (Ảnh: Getty Images) |
Afghanistan - Mỹ và bài toán an ninh chưa có lời giải
Bất chấp việc Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai kiên quyết không ký thỏa thuận an ninh song phương với Mỹ, các quan chức Mỹ vẫn khẳng định rằng, “không có lý do nào cho thấy chính quyền Tổng thống Obama sẽ quyết định rút toàn bộ quân đội khỏi Afghanistan sau năm 2014”.
Tổng thống Afghanistan, Hamid Karzai đã chỉ trích những gì mà theo ông là “áp lực” từ phía Mỹ buộc ông phải ký một thỏa thuận an ninh đồng thời cáo buộc Washington hành xử như một “cường quốc thực dân”.
Cho đến nay, ông Karzai vẫn kiên quyêt từ chối ký thỏa thuận này và muốn dành nó cho người kế nhiệm ông sau cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 4 năm tới.
Ông Karzai nói: “Hòa bình là điều kiện mà Afghanistan muốn đặt ra với Mỹ. Mỹ cần phải mang lại hòa bình cho chúng tôi và khi đó chúng tôi mới chấp nhận thỏa thuận và ký văn kiện”.
Ông Karzai đã nhiều lần nhắc lại rằng, ông sẽ không ký vào thoả thuận nếu nó không thể ngăn chặn được việc quân đội nước ngoài tấn công vào dân thường tại Afghanistan. Điều này thể hiện rõ việc Tổng thống Karzai từ chối chấp thuận cho phép Mỹ đơn phương tiến hành các chiến dịch quân sự tại Afghanistan bao gồm cả việc khám xét nhà những thường dân.
Bỏ qua những tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Karzai, phát biểu sau cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Afghanistan Bismillah Khan Mohammadi, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho biết, người đồng cấp phía Afghanistan đã đảm bảo rằng, Thỏa thuận an ninh song phương sẽ được ký vào thời điểm thích hợp.
Dù không nêu rõ "thời điểm thích hợp" là khi nào, song rõ ràng tuyên bố này được xem là lời cảnh báo tới Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai. Bởi trước đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry từng tuyên bố, Thỏa thuận an ninh song phương không nhất thiết phải do Tổng thống Karzai ký, mà có thể do Bộ trưởng Quốc phòng hoặc một quan chức cấp cao của Afghanistan chịu trách nhiệm về vấn đề này ký.
Thỏa thuận an ninh song phương xác định những điều kiện để quân đội Mỹ tiếp tục duy trì tại Afghanistan sau năm 2014, thời điểm quân đội nước ngoài rút hoàn toàn khỏi nước này. Các lực lượng an ninh Afghanistan sau đó sẽ gánh vác trọng trách này, tiếp tục cuộc đấu tranh kéo dài hàng thập niên với phiến quân Taliban.
Nếu thoả thuận này không được ký kết, 46.000 quân Mỹ và 27.000 binh lính các nước khác đang đồn trú tại Afghanistan sẽ bị buộc phải rời khỏi nước này vào năm 2014.
Ấn Độ là chỗ dựa tin cậy nhất cho Afghanistan?
Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai đã nhiều lần lên tiếng khẳng định ông sẽ không để bị “bắt nạt” để ký vào một Thỏa thuận an ninh cho phép quân Mỹ tiếp tục ở lại Afghanistan sau năm 2014 trong khi ông cố gắng thuyết phục Ấn Độ cung cấp viện trợ quân sự nhiều hơn cho nước này.
Trong chuyến thăm Ấn Độ 4 ngày, Tổng thống Karzai sẽ có các cuộc hội kiến với Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh và Ngoại trưởng Salman Khurshid, đây sẽ là cơ hội để ông Karzai nêu ra các yêu cầu mới về các vật tư, thiết bị quân sự, vũ khí sát thương với Ấn Độ. Các loại vũ khí mà Afghanistan mong muốn được viện trợ bao gồm pháo 105 mm, máy bay An-32 và trực thăng Mi-17.
Quốc vụ khanh Bộ Nội vụ Ấn Độ R.P.N Singh đón ông Karzai ở sân bay ngày 12/12 (Ảnh: PTI) |
Theo một thỏa thuận đối tác chiến lược giữa 2 nước, Ấn Độ đã viện trợ khoảng 2 tỷ USD cho Afghanistan để tái thiết đất nước, đào tạo nâng cao năng lực cho lực lượng an ninh của nước này. Tuy nhiên, Ấn Độ thời gian gần đây đã ngừng các khoản viện trợ này cho Afghanistan vì lo ngại lý do an ninh không được đảm bảo.
Bình luận về chuyến thăm của ông Karzai, cựu Đại sứ Ấn Độ tại Afghanistan Vivek Katju nói: “Tôi nghĩ rằng đó là thời điểm tốt để New Delhi đáp ứng lời kêu gọi. Trì hoãn yêu cầu của một người bạn đang cần đến sự giúp đỡ sẽ gửi đi một thông điệp xấu”.
Ngoài mục đích “nhắc nhở” Ấn Độ về những cam kết viện trợ, ông Karzai sẽ tận dụng chuyến thăm lần này để thúc đẩy quan hệ hợp tác với Ấn Độ trong những lĩnh vực khác, điều này có ý nghĩa rất lớn với Afghanistan đặc biệt là khi những bất đồng liên quan đến Thỏa thuận an ninh với Washington vẫn còn tồn tại.
Ấn Độ sẽ thuyết phục ông Karzai ký thỏa thuận an ninh với Mỹ?
Với những gì đã và đang diễn ra, việc Mỹ không hài lòng với ông Karzai là điều hoàn toàn dễ hiểu. Trước chuyến đi của Tổng thống Afghanistan, phía Mỹ đã bày tỏ hy vọng Ấn Độ sẽ thuyết phục được ông Karzai ký Thỏa thuận an ninh với Mỹ.
Đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Afghanistan và Pakistan, James Dobbins nói: “Chuyến thăm của ông Karzai tới Ấn Độ có thể có khá nhiều ảnh hưởng vì ông ấy rất tôn trọng và có quan hệ tốt với Chính phủ Ấn Độ”.
Ông Dobbins cho rằng, tất cả các cường quốc trong khu vực, ngoại trừ Iran đã khuyến khích ông Karzai ký thỏa thuận.
Ông Dobbins nói: “Một số nhà lãnh đạo thế giới, kể cả những người không ủng hộ sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Trung Á đều nhận ra rằng, nếu không có sự hỗ trợ trực tiếp về mặt quân sự và kinh tế của cộng đồng quốc tế Afghanistan có nguy cơ lại rơi vào vòng xoáy của một cuộc nội chiến”.
Ấn Độ không công khai đề cập đến những quan ngại của nước này về việc quân đội Mỹ đe dọa rút hoàn toàn khỏi Afghanistan sau năm 2014 nhưng nếu đó là sự thật thì Ấn Độ chắc hẳn sẽ không thể ngồi yên.
Trong trường hợp quân Mỹ rút toàn bộ khỏi Afghanistan, Kashmir sẽ một lần nữa trở thành ưu tiên hàng đầu cho các chiến binh Hồi giáo và đó là điều mà Ấn Độ không hề mong muốn.
Kể từ sau khi chế độ Taliban bị lật đổ năm 2001, Ấn Độ đã liên tục khẳng định cam kết sẽ làm tất cả để có thể giúp đỡ và thúc đẩy hòa bình và ổn định ở Afghanistan.
Trong khi một số nhà quan sát đã kêu gọi Ấn Độ không nên bị hút vào cuộc chiến quyền lực ở Afghanistan. Một bài xã luận được đăng tải trên tờ Indian Express đã cho rằng, Chính phủ Ấn Độ đã đúng khi tăng cường hỗ trợ quân sự cho Chính quyền ông Karzai để “kiềm chế” đối thủ của họ là Pakistan – quốc gia được cho là nhà tài trợ chính cho Taliban.
Bài báo viết: “Trong khi đang cân nhắc cẩn thận về hậu quả xảy ra trong khu vực nếu cung cấp vũ khí cho Kabul, New Dehli không thể bỏ qua nguy cơ từ việc Pakistan gia tăng ảnh hưởng tại Afghanistan sau 2014 nếu Mỹ rút hoàn toàn quân khỏi đây”.
M.K. Bhadrakumar, một cựu Đại sứ Ấn Độ tại Kabul cảnh báo rằng, ông Karzai có thể mong đợi một sự đón tiếp nồng hậu ở Delhi nhưng ông không thể mong đợi tất cả những yêu cầu của mình được đáp ứng.
Trả lời phỏng vấn hãng tin AFP, ông Bhadrakumar cho hay: “Những yêu cầu của Afghanistan có liên quan đến cả vấn đề tái thiết kinh tế và cải thiện năng lực cho lực lượng vũ trang của nước này. Theo những gì tôi được biết là có các cuộc thảo luận đang diễn ra”.
Ông Bhadrakumar nói thêm: “Hai nước đã có mối quan hệ hợp tác ở mức độ cao trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng. Có hàng trăm sĩ quan Afghanistan đã và đang được đào tạo ở Ấn Độ và ông Karzai nên trông chờ vào những sự hợp tác như vậy, điều đó sẽ thiết thực hơn là viện trợ thiết bị quân sự”./.