Dự kiến, trong chuyến thăm Mỹ vào tháng 3 tới, Thủ tướng Israel Netanyahu sẽ không gặp cả Tổng thống Obama và Phó Tổng thống Joe Biden.
Ngoài ra, Nhà Trắng trong một thông báo còn xác nhận, Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng sẽ không gặp gỡ Thủ tướng Netanyahu trong thời gian lãnh đạo Israel có mặt tại Thủ đô Washington.
Tuy lý do mà Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đưa ra là Tổng thống và quan chức chính phủ cấp cao trên nguyên tắc sẽ không hội kiến những nguyên thủ quốc gia hay ứng cử viên nước ngoài trước thềm bầu cử của họ nhằm tránh ảnh hưởng đến tiến trình bầu cử, nhưng giới quan sát cho rằng tuyên bố của Nhà Trắng nhằm đáp trả việc Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner “vi phạm nghi thức ngoại giao” khi chủ động mời lãnh đạo Israel đến phát biểu trước Quốc hội mà không tham vấn Chính phủ cùng thành viên hai đảng.
Hôm qua, phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Ôbama nói:“Với sự tôn trọng Thủ tướng Netanyahu như tôi đã nói trước đó, chúng tôi liên tục phối hợp với nhau. Nhưng chúng tôi có một thực tế sẽ không gặp các nhà lãnh đạo trước cuộc bầu cử của họ, đặc biệt là chỉ hai tuần nữa là cuộc bầu cử Israel diễn ra”
Tuy vậy, về phần mình, Thủ tướng Israel Netanyahu vẫn quyết tâm phát biểu về vấn đề hạt nhân Iran trước Quốc hội Mỹ trong chuyến thăm Washington đầu tháng sau nhưng đội ngũ cố vấn của ông đang xem xét thay đổi hình thức phát biểu để tránh làm xấu hơn nữa quan hệ với Tổng thống Obama. Bởi ông Netanyahu đến Washington lần này theo lời mời của Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner, một động thái thể hiện sự thân thiết của lãnh đạo Israel với phe Cộng hòa đang nắm quyền kiểm soát cả 2 viện Quốc hội Mỹ.
Nhưng nó lại cho thấy sự rạn nứt nghiêm trọng của mối quan hệ với chính quyền của Tổng thống Obama vì lời mời này không có sự tham vấn trước với Nhà Trắng. Phát biểu tối qua trước cộng đồng người nói tiếng Nga ở Israel, Thủ tướng Netanyahu bày tỏ quyết tâm lên tiếng phản đối Mỹ thúc đẩy thỏa thuận hạt nhân với Iran. Tuy nhiên, ông không nói rõ cách thức đưa ra thông điệp này ở Washington.
“Vào thời điểm khi có những người đang đối phó với nghi thức ngoại giao và chính trị đảng phái, một thỏa thuận giữa phương Tây với Iran sẽ gây nguy hiểm cho sự tồn tại của Israel. Theo báo cáo tôi nhận được, thỏa thuận này khiến Iran trong vòng một vài năm nữa sẽ đủ khả năng sản xuất hàng chục quả bom hạt nhân. Là Thủ tướng Israel, tôi có nghĩa làm mọi thứ để ngăn chặn thỏa thuận nguy hiểm này. Và do đó tôi quyết tâm đến Washington để trình bày quan điểm của Israel trước các thành viên của Quốc hội và người dân Mỹ”, ông Netanyahu nói.
Trong khi đó, hãng tin Reuters dẫn nguồn tin chính phủ Israel cho biết, các quan chức nước này đang xem xét thay thế việc phát biểu trên truyền hình như kế hoạch ban đầu bằng một phiên họp kín giữa Thủ tướng Netanyahu với Quốc hội Mỹ. Một phương án khác là ông Netanyahu có thể đưa ra bài phát biểu này tại cuộc gặp hàng năm của Ủy ban các vấn đề xã hội của Israel tại Mỹ (AIPAC) thay vì trước Quốc hội Mỹ.
Theo giới phân tích, tranh luận công khai về vấn đề Iran thay vì các vấn đề kinh tế xã hội là nước cờ có thể giúp củng cố vị thế ông Netanyahuvà đảng Likud cầm quyền trong cuộc bầu cử. Tuy nhiên, cựu Ngoại trưởng Israel Tzipi Livni cáo buộc ông Netanyahu đang mạo hiểm quan hệ song phương chỉ vì “lợi ích của một bài phát biểu tranh cử”.
Thăm dò dư luận do Times of Israel công bố hôm qua cho thấy đảng Likud của ông Netanyahu có thể giành 23 ghế trong Quốc hội gồm 120 ghế, nghĩa là ít hơn khoảng 4 ghế so với phe đối lập trung tả. Nếu từ bỏ bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ sắp tới, ông sẽ bị cử tri đánh giá là một nhà lãnh đạo yếu đuối, nhưng nếu tiếp tục thúc đẩy một cách quá thô bạo và khiên cưỡng, ông có thể làm tổn hại quan hệ với Mỹ./.