Lãnh đạo hai nước im lặng về thương vụ S-400…

Theo AFP, trong cuộc gặp gỡ giữa ông Modi và Tổng thống Nga Vladimir Putin, cả 2 nhà lãnh đạo đều không đề cập gì đến việc thương vụ bán hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga cho Ấn Độ.

modi_putin_ktai.jpg
Ông Modi (trái) và ông Putin không hề đề cập gì đến thương vụ S-400 rất được chờ đợi kể cả trong cuộc gặp và tại cuộc họp báo sau đó. Ảnh AFP

Trong khi đó, Tập đoàn Reliance Defence phụ trách mua sắm quốc phòng hàng đầu của Ấn Độ lại lên tiếng khẳng định rằng thương vụ này đã được chốt trước cả khi ông Modi đến Moscow.

Theo đó, Tập đoàn này khẳng định sẽ làm việc với đối tác sản xuất tên lửa S-400 của Nga về “tầm hoạt động của tên lửa và hệ thống radar” mà Ấn Độ đang cần.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ cả 2 bên có thể đạt được thỏa thuận cuối cùng về thương vụ này hay không.

Thay vì thế, ông Modi cho biết, Moscow và New Delhi sẽ cùng tham gia chế tạo trực thăng quân sự Kamov-226 theo Sáng kiến Sản xuất tại Ấn Độ trong đó kêu gọi các công ty nước ngoài sản xuất các sản phẩm của mình tại Ấn Độ.

Ông Dipankar Banerjee, nhà phân tích quốc phòng tại Viện nghiên cứu mang tên Diễn đàn về các Sáng kiên Chiến lược (FSI) cho biết: “Ấn Độ rất dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay của Trung Quốc và Pakistan.

Chính vì vậy, họ rất muốn mua bằng được hệ thống tên lửa S-400 tối tân của Nga dù giá không hề dễ chịu chút nào”.

Trước đó, tờ nhật báo Kommersant cho biết, cuộc gặp “một- một” giữa ông Modi và Tổng thống Nga Putin sẽ mang tính chất quyết định đối với thương vụ này dù cả hai sẽ phải bàn thảo rất nhiều và chấp nhận nhượng bộ về giá cả.

Tờ báo này nhận định, Ấn Độ cần ít nhất 5 hệ thống phòng thủ tên lửa như S-400 và họ cũng đang tính đến việc mua các tàu chiến của Nga.

… nhưng hồ hởi về các thỏa thuận thương mại

Dù từ chối trả lời bất kỳ câu hỏi nào của các phóng viên liên quan đến thương vụ S-400 tại cuộc họp báo nhưng cả ông Modi và ông Putin đều ca ngợi mối quan hệ hợp tác giưa hai nước khi chứng kiến lễ ký kết các thỏa thuận về năng lượng và nhiều thỏa thuận thương mại khác.

Hệ thống tên lửa S-400 của Nga. Ảnh RIA

“Tôi coi Nga là đối tác quan trọng trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế của Ấn Độ”, ông Modi tuyên bố sau khi hai nhà lãnh đạo nhất trí miễn visa cho công dân hai nước theo khuôn khổ hợp tác BRICS (gồm 5 quốc gia mới nổi hàng đầu thế giới là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).

Ngoài ra, lãnh đạo hai nước cũng chứng kiến lễ ký thỏa thuận giữa Tập đoàn hạt nhân Rosatom và Tập đoàn Đường sắt của Nga với các đối tác Ấn Độ.

Theo đó, Ấn Độ muốn Nga tham gì vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tại nước này và muốn Nga giúp cải thiện hệ thống đường sắt và xây dựng các nhà máy điện hạt nhân nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện đang tăng nhanh tại Ấn Độ. Cả hai bên đã nhất trí đặt nhà máy điện hạt nhân này tại bang Andhra Pradesh, miền Nam Ấn Độ. Trước đó, Nga đã xây dựng một nhà máy tương tự tại bang Tamil Nadu.

Ông Modi được cho là muốn tăng việc sử dụng năng lượng hạt nhân trong nước với mục tiêu xây dựng ít nhất 12 tổ hợp phản ứng mới cũng như giảm mạnh sự phụ thuộc vào than đá, nhiên liệu được cho là tác nhân chính gây ra khí thải nhà kính.

Trong khi đó, ông Putin gọi mối quan hệ hợp tác với Nga là “mối quan hệ đối tác chiến lược được ưu tiên hàng đầu” và ca ngợi thỏa thuận hợp tác về năng lượng và quốc phòng giữa hai bên.

“Chúng tôi có kế hoạch chuyển số lượng dầu thô và các sản phẩm từ dầu lên đến 10 triệu tấn/năm trong vòng 10 năm tới đến các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ”, ông Putin tuyên bố.

Đây là chuyên công du Nga đầu tiên của Thủ tướng Ấn Độ Modi kể từ khi ông lên nhậm chức vào năm 2014. Tuy nhiên, cả hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau nhiều lần tại các diễn đàn quốc tế. Hồi tháng 7/2015, cả hai thậm chí còn bàn về việc luyện tập Yoga trong một hội nghị thượng đỉnh được tổ chức tại thành phố Ufa của Nga./.