Tổng thống Thổ Nhĩ KỳRecep Tayyip Erdogan thường đánh dấu ngày âm mưu đảo chính thất bại bằng một ngày nghỉ quốc gia. Nhưng năm nay, sự kiện này được đánh dấu bằng việc tiếp nhận hệ thống S-400 mua của Nga – một động thái mà Mỹ chắc hẳn cảm thấy không vui.

“Chừng nào chúng ta, một quốc gia, còn bảo vệ đất mẹ, lá cờ, nền dân chủ và nhà nước của chúng ta, thì không bàn tay quyền lực nào có thể chạm được vào những điều đó”, ông tuyên bố trong buổi lễ ở sân bay Ataturk ngày 15/7.

trump_erdogan_putin_enlk.jpg
Tổng thống Trump, Tổng thống Erdogan và Tổng thống Putin. Ảnh: Milliyet

Trong suốt 17 năm cầm quyền, ông Erdogan đã nỗ lực để đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở nên mạnh mẽ hơn, độc lập hơn trên trường quốc tế, một nước mà theo quan điểm của ông là có thể sánh ngang với Trung Quốc, Nga, Liên minh châu Âu và Mỹ.

Thực hiện điều đó, ông không sợ phải “chơi” cùng tất cả các bên, ngay cả khi điều đó có nguy cơ khiến Ankara xa cách các đồng minh lâu năm, hay khiến châu Âu và Mỹ cảm thấy mơ hồ về việc ông thực sự đứng về bên nào.

Câu trả lời rất ngắn gọn, Erdogan đứng về phía chính mình.

Sự ngờ vực đối với đồng minh

Nếu có một thông điệp được nhấn mạnh trong thỏa thuận mua S-400, đó có thể là về sự ngờ vực sâu sắc rằng, Mỹ dường như đứng đằng sau âm mưu lật đổ ông trong cái đêm đẫm máu giữa tháng 7/2016, khi hơn 200 người thiệt mạng, trong đó có một người bạn thân của ông Erdogan.

“Erdogan không còn tin tưởng vào mục đích của phương Tây ở Thổ Nhĩ Kỳ”, theo Asli Aydintasbas, nhà nghiên cứu cấp cao của Hội đồng châu Âu về quan hệ đối ngoại. “Việc mua S-400 không phải là vì áp lực của Nga”, bà nói.

“Đó là vì Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại một cuộc đảo chính khác”, bà Aydintasbas nhận định. “Mỹ đã không làm gì để giải quyết nghi ngờ của Thổ Nhĩ Kỳ về vai trò [của Washington] với sự kiện ngày 15/7/2016”.

Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc giáo sỹ Fethullah Gulen sống lưu vong ở Mỹ kích động đứng vụ đảo chính thông qua những người ủng hộ mình - những người đã từng thâm nhập vào nhiều tầng lớp trong lực lượng vũ trang, bộ máy tư pháp và cảnh sát.

Mỹ, viện dẫn lý do không đủ bằng chứng, đã từ chối các yêu cầu mà Thổ Nhĩ Kỳ liên tục đưa ra về việc dẫn độ giáo sỹ Gulen. Nhiều người ở Thổ Nhĩ Kỳ coi sự miễn cưỡng của Mỹ trong việc “giao nộp” giáo sỹ Gulen như một nỗ lực nhằm bảo vệ một đặc vụ Mỹ.

Ông Erdogan dường như đã ám chỉ điều này trong bài phát biểu của mình ngày 15/7.

“Ngày 15/7 là một cách khác nhằm cố đặt ách nô lệ lên đất nước chúng ta”, ông nói. “Những người đó nghĩ rằng họ có thể biến đất nước của chúng ta thành nô lệ thông qua một nhóm bội bạc mà họ đã gài vào bên trong đất nước chúng ta, một lần nữa họ đã học được bài học đã từng xảy ra cách đây hàng thế kỷ”.

Tuy vậy, các nhà phân tích cho rằng, ông Erdogan lại không có vẻ là sẵn sàng xé bỏ hoàn toàn các mối quan hệ đồng minh lâu năm, mà chỉ muốn lợi dụng sự đối đầu Đông-Tây để có được điều tốt nhất cho Thổ Nhĩ Kỳ. Cách cư xử kiểu chủ nghĩa dân tộc của ông lại thường được sử dụng trong việc theo đuổi những cuộc mặc cả khó khăn hơn.

Không rời bỏ đồng minh, nhưng cần những người bạn mới

“Mỹ cần phải từ bỏ khái niệm sai lầm rằng, mối quan hệ của chúng ta có thể bất đối xứng và họ cũng phải chấp nhận thực tế là Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn các lựa chọn thay thế”, ông Erdogan viết trong một bài viết trên New York Times hồi năm ngoái.

 “Việc không thể đảo ngược xu hướng chủ nghĩa đơn phương và sự thiếu tôn trọng buộc chúng ta phải bắt đầu tìm kiếm những người bạn mới, những đồng minh mới”, ông nói thêm.

Thậm chí với thương vụ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, ông Erdogan cũng bác bỏ những thông tin cho rằng ông đang tìm cách đưa Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi khối liên minh NATO.

Nhưng câu hỏi thách thức với các đồng minh của ông Erdogan ở Mỹ và châu Âu là liệu thương vụ S-400 với Nga có đơn thuần chỉ là một bước đi “quá xa” để duy trì các mối quan hệ như họ vẫn có hay không.

Nếu thương vụ không tạo ra rạn nứt trong các mối quan hệ, thì nó có thể định hình lại các mối quan hệ đó.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 – thương vụ mà theo truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ là có giá trị 2,5 tỷ USD – thể hiện bước đi quyết đoán nhất của ông Erdogan nhằm khắc họa tầm nhìn riêng của ông về một Thổ Nhĩ Kỳ mạnh mẽ và độc lập, thoát khỏi ảnh hưởng của phương Tây.

Mỹ đã phản đối mạnh mẽ việc Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 của Nga, cho rằng nó không phù hợp với các hệ thống của NATO và dự kiến sẽ tuyên bố các biện pháp trừng phạt nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ ngay trong tuần này. Ngày 16/7, Tổng thống Trump cũng tuyên bố Mỹ sẽ không bán F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Erdogan đang đánh cược trong mối quan hệ với Tổng thống Trump để tránh được các biện pháp trừng phạt mà Quốc hội Mỹ đã ủy thác. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận vấn đề này tại một cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản cuối tháng 6 vừa qua. Cuối tuần vừa qua, ông Erdogan cũng tỏ vẻ ông sẵn sàng đàm phán về một giải pháp.

Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar nói rằng, các cuộc đối thoại đã tiếp diễn với Mỹ về việc mua hệ thống Patriot, và ông Erdogan nhấn mạnh trong một bài phát biểu rằng, S-400 sẽ không thể vận hành đầy đủ cho tới tháng 4/2020. Các tên lửa vẫn chưa được chuyển đến, theo truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ.

Sự thân thiện “khó cưỡng” của Nga

Tuy nhiên có một rủi ro, một điều mà ông Erdogan muốn nhấn mạnh, là Thổ Nhĩ Kỳ có thể xích lại với Nga. Tổng thống Nga Putin đã chứng minh mình là người sẵn lòng kết thân.

Giới phân tích và các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, nhà lãnh đạo Nga dường như sẵn lòng hơn so với người Mỹ trong việc lắng nghe các mối quan ngại của Thổ Nhĩ Kỳ - ngay cả khi xung đột lợi ích – và đối xử với ông Erdogan một cách ngang bằng.

Trong hầu hết các lĩnh vực mà Tổng thống Trump và Mỹ có thể không linh động hoặc tỏ ra lạnh nhạt, thì Tổng thống Nga Putin lại đề xuất đối thoại.

Trong khi những dòng tweet giận dữ của ông Trump giận giữ đã “nhấn chìm” đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm ngoái, thì Tổng thống Nga Putin lại muốn đối thoại về thương mại.

Ngay cả ở Syria, nơi mà 2 nước ở các bên đối lập nhau trong cuộc xung đột, thì Tổng thống Putin đã có những động thái cụ thể, làm thay đổi Thổ Nhĩ Kỳ từ một bên chống đối gây hấn sang một đối tác hợp tác.

Khi một máy bay Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một máy bay Nga đã đi vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 11/2015, sự kiện này đã nới thêm khoảng cách giữa Nga và Thổ.

Máy bay Nga khi đó đang tiến hành nhiệm vụ ném bom, hỗ trợ chính quyền Tổng thống Syria Bashar Al-Assad. Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với Mỹ, lại ủng hộ các phiến quân bị đánh bom.

Tuy nhiên, sự can thiệp của Nga ở Syria đã biến cuộc chiến theo hướng có lợi cho chính quyền Assad, và sự can thiệp của Mỹ dường như không thành công như mong muốn. Mỹ bắt đầu hợp tác với các tay súng người Kurd ở Đông Bắc Syria mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là mối đe dọa.

Tổng thống Putin giờ đã đưa người đồng cấp Erdogan vào nỗ lực của mình nhằm thu nhỏ dần cuộc chiến ở Syria – tiến trình Astana, cùng với Tổng thống Iran Hassan Rouhani.

Cùng với nhau, họ đã thiết lập được các khu vực ngừng bắn ở Syria nhằm giảm bạo lực và cho phép Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập khu vực kiểm soát ở miền Bắc Syria để ngăn chặn dòng người tị nạn đổ về Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhưng chính cách ông Putin đối xử với Tổng thống Erdogan sau cuộc đảo chính thất bại đã tạo ta một bước ngoặt quan trọng, theo Soner Cagaptay, Giám đốc Chương trình nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Washingon về Chính sách Cận Đông.

“Cuộc đảo chính đã làm thay đổi tính toán của Putin”, ông nói. Nhà lãnh đạo Nga đã gọi điện cho người đồng cấp Erdogan ngay ngày hôm sau và mời ông tới Nga. Hai tuần sau cuộc đảo chính, ông Putin tiếp ông Erdogan tại một cung điện thời ở St. Petersburg. S-400 nằm trong nội dung thảo luận.

Trong khi đó, Mỹ phải đợi tới 4 ngày trước khi đưa ra lời cảm thông về vụ đảo chính, và khi đó, không phải Tổng thống Barack Obama, mà Ngoại trưởng Mỹ John Kerry mới là người gọi điện.

“Nếu mọi chuyện được xử lý sớm hơn, thì điều đó đã không xảy ra”, Ahmet Han, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Altinbas ở Istanbul, nói về thỏa thuận S-400./.