apec.jpg

Chiều 8/9, tại Vladivostok (Nga), Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 20 Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) đã chính thức khai mạc trọng thể. Với chủ đề “Liên kết để tăng trưởng, sáng tạo để thịnh vượng”, Hội nghị Thượng đỉnh APEC 20 là cơ hội để các nhà Lãnh đạo APEC cùng trao đổi về những biện pháp tăng cường hợp tác trong bối cảnh kinh tế thế giới và ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương phục hồi chậm lại và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Kết thúc 2 ngày làm việc, Hội nghị Thượng đỉnh APEC đã đã thông qua Tuyên bố chung “Liên kết để tăng trưởng, sáng tạo để thịnh vượng” cùng 5 văn kiện kèm theo về tăng trưởng sáng tạo, an ninh năng lượng, tự do hóa thương mại hàng hóa môi trường, hợp tác giáo dục, chống tham nhũng và minh bạch hóa. Tuyên bố và các văn kiện trên khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của các nhà Lãnh đạo APEC cam kết thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực, nâng cao vị thế quốc tế của Diễn đàn. Trong ảnh: Phiên làm việc của Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2012 (Ảnh: Reuters).

Ngày 5/9, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã chính thức đề cử đương kim Tổng thống Obama đại diện cho Đảng Dân chủ ra tranh cử vào chiếc ghế ông chủ Nhà Trắng thứ 45 của nước Mỹ. Ông Obama đã chấp nhận sự để cử trên của Đảng Dân chủ và cho rằng, mặc dù Cương lĩnh chính trị đầy nhiệt huyết của mình đã vấp phải khó khăn nghiêm trọng do tình hình suy thoái và sự hồi phục kinh tế chậm chạp, song đề nghị cử tri tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của ông, những ngày tươi đẹp nhất của nước Mỹ đang ở phía trước và những thay đổi mà ông từng cam kết sẽ đến. Trong ảnh: Đương kim Tổng thống Obama và phu nhân tại Đại hội toàn quốc của Đảng Dân chủ được tổ chức tại Charlotte, Bắc Carolina (Ảnh: Reuters).

Ngày 7/9, hai trận động đất mạnh kèm theo nhiều dư chấn đã làm rung chuyển các tỉnh Vân Nam và Quý Châu, Tây Nam Trung Quốc. Theo báo cáo mới nhất của chính phủ Trung Quốc, tính đến nay, số người thiệt mạng trong hai trận động đất tại khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Vân Nam và Quý Châu đã tăng lên 80 người. Dự báo, số người chết có thể còn tiếp tục tăng do chưa thể thống kê chính xác con số thiệt hại về người và của bởi cơ sở hạ tầng và giao thông bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi động đất. Trong ảnh: Lực lượng cứu hộ được huy động để tìm kiếm các nạn nhân (Ảnh: Tân Hoa xã).

Tâm điểm chuyến công du châu Á - Thái Bình Dương của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton được dư luận quan tâm nhiều nhất đó là chuyến thăm tới Trung Quốc và gặp gỡ các quan chức cấp cao của nước này. Mặc dù được kỳ vọng nhiều, tuy nhiên, những cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã không thể giúp thu hẹp được cách biệt giữa hai bên, đặc biệt là trong việc làm thế nào để chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Syria, cũng như giải quyết những tranh chấp lãnh thổ của Bắc Kinh với các nước láng giềng.

Sau chuyến thăm của bà Clinton, hầu hết báo chí phương Tây khẳng định chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ đã thất bại trên các vấn đề cơ bản như tranh chấp Biển Đông và xung đột Syria. Đặc biệt, các báo phương Tây nhấn mạnh chi tiết cuộc gặp giữa Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Hillary Clinton đã bị hủy đột xuất mà không nêu rõ lý do. Trong ảnh: Ngoại trưởng Mỹ Hiliary Clinton tại cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào (Ảnh: Tân Hoa xã). 

Ngày 7/9, Ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu (EU) đã nhóm họp tại Cộng hoà Cyprus để bàn về một loạt các vấn đề, trong đó đáng chú ý là tình hình tại Syria và vấn đề hạt nhân của Iran. Phát biểu với các phóng viên khi kết thúc cuộc họp, bà Catherine Ashton - Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách chính sách An ninh và Đối ngoại đã công khai hối thúc các nhóm đối lập Syria thành lập một mặt trận thống nhất nhằm củng cố sức mạnh, xây dựng lòng tin với người dân nước này.Về vấn đề Iran, bà Catherine Ashton cho rằng “sẽ làm mọi việc có thể” nhằm đảm bảo Iran tuân thủ các nghĩa vụ liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này. Trong ảnh: Ngoại trưởng các nước EU nhóm họp tại Cyprus (Ảnh: Reuters).

Theo dự kiến, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Vladivostok (Liên bang Nga) sẽ diễn ra cuộc hội đàm cấp cao giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Tuy nhiên, cuộc gặp đã không được tổ chức do những tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku (theo cách gọi của phía Nhật Bản), trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương cho rằng, Nhật Bản phải chịu trách nhiệm về việc “không tổ chức” được cuộc hội đàm cấp cao Nhật-Trung và phải dừng ngay lập tức kế hoạch quốc hữu hóa quần đảo Điếu Ngư (theo cách gọi của Trung Quốc). Trong ảnh: Đoàn khảo sát của thành phố Tokyo nghiên cứu chất lượng nước ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (Ảnh: AFP).

Ngày 6/9, tại phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường những nỗ lực nhằm hướng tới mục tiêu về “một thế giới không có vũ khí hạt nhân”. Ông Ban Ki-moon cho rằng, các vụ thử hạt nhân vẫn là mối đe dọa đối với sức khỏe loài người và sự ổn định trên toàn cầu, và các quốc gia trên thế giới cần tham gia ký kết và phê chuẩn Hiệp ước toàn cầu về cấm thử nghiệm hạt nhân. Trong ảnh: Hiện trường một vụ thử hạt nhân (Ảnh minh hoạ).