7. 

Là số vụ khủng bố gây chấn động nhất thế giới năm 2015: Xả súng ở trụ sở tờ tạp chí châm biếm của Pháp Charlie Hebdo ngày 7/1 khiến 12 người chết; Đánh bom liên hoàn đêm 17/8 tại khu vực đền Erawan tại Bangkok, Thái Lan khiến 20 người chết; Đặt bom khủng bố trên máy bay dân sự Nga ngày 31/10 làm 224 người chết; Đánh bom kép ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày 10/10 làm 105 người chết; Đánh bom và xả súng đẫm máu tại Paris, Pháp đêm 13/11 làm 158 người chết; Bắt cóc 170 con tin, xả súng tại khách sạn hạng sang Radisson Blu, ngày 20/11 ở Mali làm 27 người chết; Xả súng tại San Bernardino, Mỹ ngày 3/2 làm 14 người chết.

phap_gmyc.jpg
Cảnh sát Pháp tuần tra trên đường phố sau vụ tấn công khủng bố tòa soạn tạp chí biếm họa Charlie Hebdo. Ảnh AP

Thế giới ngày càng trở nên bất an hơn cũng chính bởi vấn nạn khủng bố ngày một leo thang. Mỗi ngày, tại những khu vực chiến sự ở Trung Đông, Bắc Phi vẫn có hàng ngàn người vô tội thiệt mạng do bom đạn. Những trung tâm chính trị - văn hóa lớn của thế giới như Bắc Mỹ, Nga, châu Âu đang trở thành mục tiêu tàn sát của những kẻ khủng bố cực đoan.

Tổ chức khủng bố được nhắc tới nhiều nhất trong năm qua là Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS (hay còn được quốc tế gọi với những tên khác như ISIS, ISIL, Deash). Kể từ khi bị không kích và đánh bom dữ dội vào tháng 9/2014, tổ chức khủng bố này không những không hề có dấu hiệu suy yếu mà thậm chí vươn rộng mạng lưới hoạt động với nhiều nhánh và phần tử tham gia tại khắp nơi trên thế giới.

Vấn nạn khủng bố nóng bỏng tới mức ngày 21/11, Hội đồng Bảo an LHQ đã đồng thuận thông qua dự thảo nghị quyết chỉ rõ IS là “mối đe dọa chưa từng có ở quy mô toàn cầu đối với an ninh và hòa bình quốc tế” và kêu gọi các quốc gia thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết trên cơ sở luật pháp quốc tế để tiêu diệt IS.

244 triệu.

Là số người di cư trên thế giới trong năm 2015, tăng cao đột biến - tới hơn 40% so với năm 2000. Số liệu vừa được Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) đưa ra trong báo cáo ngày 18/12. UNHCR cũng cho biết, châu Âu đã tiếp nhận ​​gần 900.000 người tị nạn và người di cư trong năm 2015, một nửa trong số đó là người Syria chạy trốn khỏi cuộc chiến tranh ở quê nhà.

Cũng theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, gần một nửa số người di cư trên thế giới có nguồn gốc từ châu Á. Đây là nơi liên tục trong 15 năm qua đều có khoảng 1,7 triệu người di cư mỗi năm.

Đối với những người di cư, "giấc mơ châu Âu" vẫn còn quá xa vời. Ảnh DPA

Điều đáng nói là cuộc khủng hoảng di cư sẽ còn tiếp diễn, hàng ngàn người vẫn đang thực hiện cuộc hành trình di cư vì cho tới thời điểm hiện tại, cuộc khủng hoảng Syria vẫn chưa có cách tháo gỡ. Bên cạnh đó, những hành động khủng bố của các tổ chức Hồi giáo cực đoan đã khiến cuộc khủng hoảng người tị nạn ở châu Âu rơi vào bế tắc.

Sau vụ tấn công của IS ở Paris và California, Mỹ và các nước phương Tây phải cân nhắc lại chính sách nhận người nhập cư Hồi giáo do lo ngại các phần tử khủng bố trà trộn vào dòng người tị nạn. Trong khi Đức nới lỏng quy định nhập cư với những người tị nạn Syria và xây dựng nhiều cơ sở tiếp nhận người tị nạn thì các nước Áo, Hungary… lại kiểm soát chặt biên giới để ngăn dòng người nhập cư.

85 tỷ USD.

Là giá trị tổng thiệt hại kinh tế do các thảm họa thiên nhiên và công nghiệp gây ra trên thế giới trong năm 2015 do Công ty Tái bảo hiểm Swiss Re của Thụy Sĩ thống kê và công bố ngày 18/12 vừa qua. Theo Swiss Re, riêng thiệt hại kinh tế do thiên tai là 74 tỷ USD.

Trận động đất mạnh 7,9 độ Richter tại Nepal ngày 25/4 khiến 9.000 người thiệt mạng, phá hủy 500.000 căn nhà, ước tính gây thiệt hại kinh tế hơn 6 tỷ USD. Vụ nổ kinh hoàng ở khu nhà kho hóa chất tại thành phố cảng Thiên Tân, miền Bắc Trung Quốc ngày 12/8 làm 161 người thiệt mạng được đánh giá là tai nạn đắt đỏ nhất năm với chi phí bảo hiểm bồi thường lên tới 2 tỷ USD và hiện vẫn còn tăng thêm.

Đất nước Nepal tan hoang sau trận động đất kinh hoàng. Ảnh Reuters

Năm 2015 cũng được xem là năm nóng kỷ lục gây thiệt hại đáng kể khi có 5.000 người thiệt mạng trên thế giới, trong đó riêng số người tử vong do thời tiết nóng ở Ấn Độ và Pakistan là 3.000 người khi nhiệt độ lên tới 48 độ C.

Trong một báo cáo khác của Liên Hợp Quốc công bố hồi tháng 11, các thảm họa liên quan đến thời tiết trong vòng hai thập kỷ qua cũng đã khiến hơn 600.000 người thiệt mạng, gây ra thiệt hại kinh tế hàng ngàn tỷ USD.

Bù lại, năm 2015, những người đang lo lắng cho thực trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, sự nóng lên của Trái đất có được tin vui: Sau rất nhiều năm lỡ hẹn, thì qua 13 ngày đàm phán căng thẳng, Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris (Pháp) rốt cuộc đã thông qua được thỏa thuận lịch sử nhằm ngăn chặn tình trạng ấm lên toàn cầu.

Điểm nổi bật trong thỏa thuận là 195 quốc gia nhất trí việc giới hạn nhiệt độ tăng thêm ở mức 2 độ C (cố gắng chỉ trong mức 1,5 độ C) và dành 100 tỷ USD/năm cho các nước đang phát triển kể từ năm 2020 để ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu.

Hơn 11 triệu.

Là số lượng xe của thương hiệu ô tô hàng đầu nước Đức Volswagen (VW) bị ảnh hưởng trong vụ bê bối trang bị phần mềm gian lận khí thải động cơ diesel của VW. Phát lộ vào cuối tháng 9/2015, vụ bê bối lớn chưa từng có trong lịch sử xe hơi Đức của VW đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của công chúng và dư luận khi cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) phát giác hành vi gian lận của VW.

Một tấm poster công khai xin lỗi người tiêu dùng của VW sau khi hãng bị phát hiện gian dối về số liệu khí thải động cơ. Ảnh Reuters

Cụ thể, hãng này đã thiết kế ra một phần mềm để đánh lừa các biện pháp đo lường khí thải trên các dòng xe chạy dầu diesel của mình. Theo thống kê của hãng tinAP, sự gian lận của VW đã tạo ra lượng khí oxit nitơ (NOx) nhiều hơn từ 10-40 lần so với mức quy định, gây ra cái chết của khoảng 5-20 người ở Mỹ mỗi năm.

Điều đó đồng nghĩa với việc hãng xe Đức sẽ phải chịu trách nhiệm cho khoảng 16-94 trường hợp tử vong trong vòng 7 năm qua ở Mỹ, đồng thời thiệt hại hơn 100 triệu USD.

83 tỉ euro.

Là số tiền các nước Liên minh châu Âu (EU) đồng ý tiếp tục giúp Hy Lạp tránh để Athens mất khả năng thanh toán và phải bước ra khỏi Eurozone. Con số này được đưa ra ngày 13/7 sau 17 giờ đàm phán liên tục xuyên đêm của các nhà lãnh đạo khu vực sử dụng đồng euro bàn về vấn đề nợ công của Hy Lạp. 

Nhưng để đổi lấy gói hỗ trợ thứ ba đó, các chủ nợ gồm EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đòi Athens cấp bách cải tổ theo một lịch trình xít xao. Trước đó, Olympic Athens năm 2004 được coi là nguyên nhân trực tiếp đẩy Hy Lạp vào cuộc khủng hoảng nợ kéo dài cho đến tận hôm nay.

Gánh nặng nợ công đang đè nặng lên Athens. Ảnh AFP

Hy Lạp đã chi tới 9 tỷ euro để tổ chức Olympic, biến Thế vận hội mùa Hè 2004 trở thành kỳ Olympic “đắt đỏ nhất” tại thời điểm đó. Tuy nhiên, những công trình được xây dựng cho vận động viên, người hâm mộ và giới truyền thông sau đó lại hầu như không được sử dụng và ngày càng xuống cấp, khiến nước này ngập chìm trong những khoản nợ khổng lồ.

Cuối năm 2004, Chính phủ Hy Lạp thừa nhận đã thổi phồng các số liệu điều kiện để gia nhập eurozone, đặc biệt là thâm hụt ngân sách giai đoạn 2000 - 2003. 

Bất chấp mọi nỗ lực, ngày 1/7/2015, IMF phát đi thông báo xác nhận Hy Lạp không trả nợ đúng hạn. Điều này cũng có nghĩa Athens chính thức rơi vào tình trạng vỡ nợ. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một nền kinh tế phát triển như Hy Lạp bị IMF kết luận như vậy./.