Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có cuộc gặp chính thức đầu tiên vào năm 2014 tại Bắc Kinh. Tại cuộc gặp đó, hai nhà lãnh đạo dù bắt tay nhau nhưng từ ánh mắt đến cử chỉ đều tỏ ra dè dặt. Cả hai dường như cố tránh tỏ ra rằng họ rất hứng thú với cuộc gặp này. Và đến hôm nay, sau 4 năm, ông Abe dự kiến còn được nhận sự tiếp đón nồng ấm hơn từ phía Trung Quốc khi đặt chân tới Bắc Kinh. Điều này phần lớn là nhờ Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Thủ tướng Abe năm 2014 tại Bắc Kinh (nguồn: CNN) |
Chính sách ngoại giao “không theo quy chuẩn” của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với các đồng minh, đã khiến Nhật Bản cảm thấy lo lắng về sự ủng hộ của Mỹ vốn đã chi phối các mối quan hệ quốc tế của Tokyo kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới lần II. Tổng thống Trump nhiều lần hối thúc các đồng minh của nước này tại Đông Á phải tự chi trả quốc phòng của họ, cảnh báo chấm dứt sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực và khuyến khích Nhật Bản mua thêm nhiều loại vũ khí của Mỹ. Còn Trung Quốc ngày càng phải chịu sức ép gia tăng từ phía Mỹ và nước này đang có nhu cầu tìm kiếm các đồng minh về kinh tế và ngoại giao trong khu vực.
Phát biểu với hãng tin CNN, giáo sư chính trị học tại Đại học Sophia ở Tokyo, ông Koichi Nakano, cho rằng: “Mỹ đang nhắm mục tiêu vào cả Nhật Bản và Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình muốn nói với Thủ tướng Abe rằng họ đang ở trong một hoàn cảnh giống nhau”.
Sức ép từ ông Trump
Về mặt lịch sử, cả Trung Quốc và Nhật Bản đều có mối quan hệ rất khác biệt với Mỹ, một bên là đối thủ, còn bên kia là đồng minh thân cận. Tuy nhiên cả hai quốc gia hiện giờ đang phải đối mặt với những lời chỉ trích tương tự từ chính quyền Tổng thống Trump.
Sự cạnh tranh giữa Mỹ với Trung Quốc ngày càng trở nên gay gắt, có nguy cơ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế toàn cầu và trên mặt trận ngoại giao. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã áp đặt mức thuế cao đối với hàng tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, trong khi giới chức Mỹ cũng cáo buộc Trung Quốc có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và đánh cắp bí mật thương mại từ các công ty Mỹ có quan hệ hợp tác kinh doanh với Bắc Kinh. Thời gian gần đây, căng thẳng giữa hai bên đã vượt ra ngoài lĩnh vực kinh tế, lan rộng sang lĩnh vực chính trị và quân sự, với việc ông Trump cáo buộc Trung Quốc can thiệp cuộc bầu cử Mỹ. Cùng với đó, Mỹ đã áp đặt trừng phạt đối với một cơ quan quân sự Trung Quốc và người đứng đầu cơ quan này do đã mua các thiết bị quốc phòng từ Nga.
Đối với Nhật Bản, sự rạn nứt trong quan hệ liên minh với Mỹ ngày càng trở nên sâu sắc và phức tạp hơn. Mỹ là đồng minh thân cận về mặt quân sự và ngoại giao của Tokyo hơn 70 năm qua. Thủ tướng Nhật Bản Abe đã sớm tiếp cận với ông Donald Trump ngay khi ông đắc cử Tổng thống Mỹ. Ông Abe là nhà lãnh đạo quốc gia đầu tiên gặp ông Trump tại Tháp Trump ở New York, tiếp đến là các cuộc gặp khác tại Washington và khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của Tổng thống Trump tại Florida
Bất chấp việc tăng cường các cuộc tiếp xúc và những nỗ lực nhằm làm vừa lòng Tổng thống Donald Trump, chính phủ Nhật Bản hầu như vẫn “ra về tay trắng”.
“Tất cả những kỳ vọng và sự gắn kết trong quan hệ giữa cá nhân Thủ tướng Shinzo Abe với Tổng thống Trump đều không khiến Mỹ dành cho Nhật Bản sự đối xử đặc biệt, ngoại trừ thái độ cứng rắn của Mỹ khi đề cập đến vấn đề thương mại”.
Không giống các đồng minh khác của Mỹ, chẳng hạn như Australia, Nhật Bản không được miễn rào cản thuế quan đối với các mặt hàng nhôm và thép xuất khẩu vào Mỹ. Mặt khác, Tổng thống Donald Trump đã dùng những lời lẽ cứng rắn khi nói về vấn đề thương mại với Nhật Bản. Trước đó vào tháng 4/2018, ông Trump viết trên trang cá nhân Twitter rằng, Nhật Bản “đã giáng đòn đau với Mỹ về mặt thương mại” trong nhiều năm qua. Ông Trump cũng tỏ ra không hài lòng khi Nhật bán nhiều hàng cho Mỹ hơn là mua về, tạo ra khối thặng dư gần 70 tỷ USD năm 2017.
“Nhận thức của Tổng thống Donald Trump về quan hệ thương mại với Nhật Bản tương tự như thời điểm những năm 1980. Ông ấy tin rằng Nhật Bản và Hàn Quốc không công bằng về thương mại và ông luôn giữ chặt quan điểm đó”, Richard McGregor, một chuyên gia tại viện nghiên cứu Lowy của Australia nhận định.
Về thương mại là vậy, còn về mặt ngoại giao, Thủ tướng Shinzo Abe dường như bị gạt ra ngoài lề trong các cuộc đàm phán cấp cao giữa Triều Tiên, Mỹ và Hàn Quốc. Đây được coi là một sự tổn thương sâu sắc đối với Tokyo.
Trung Quốc-Nhật Bản: Cải thiện quan hệ và những toan tính chiến lược
Mâu thuẫn không dễ hóa giải
Mặc dù Trung Quốc và Nhật Bản có xu hướng cởi mở với nhau hơn dưới sức ép của Mỹ, tuy nhiên hai quốc gia này vẫn tồn tại những hoài nghi về lịch sử và tranh chấp lãnh thổ, khó có tạo ra bước tiến mang tính đột phá trong quan hệ song phương.
Tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư khiến mối quan hệ giữa hai nước xấu đi. Căng thẳng thực sự bùng phát khi chính phủ Nhật Bản quyết định quốc hữu hóa 3 hòn đảo thuộc đảo Senkaku/Điếu Ngư vào tháng 4/2012, còn Trung Quốc ngay lập tức tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này. Quyết định của chính quyền Abe vấp phải làn sóng phản đối và biểu tình bạo lực dữ dội nhắm vào người Nhật làm ăn, sinh sống trên đất Trung Quốc, đẩy quan hệ hai nước xuống mức thấp nhất kể từ sau Thế chiến II. Vấn đề này đã tạo ra tảng băng lớn trong quan hệ song phương, được thể hiện qua cuộc gặp không mấy “mặn mà” của Thủ tướng Abe và Chủ tịch Tập Cận Bình năm 2014.
Dấu hiệu tan băng trong quan hệ Trung-Nhật bắt đầu vào tháng 9/2017 khi Thủ tướng Abe trở thành nhà lãnh đạo Nhật Bản đầu tiên trong 15 năm qua tham dự tiệc chiêu đãi Quốc khánh tại Đại sứ quán Trung Quốc. Kể từ thời điểm đó, ông Abe và ông Tập Cận Bình đã nhiều lần gặp gỡ tại các hội nghị thượng đỉnh quốc tế và hai bên đều đánh giá cao những nỗ lực của nhau nhằm cải thiện quan hệ song phương.
Giới quan sát cho rằng, trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump đang gây sức ép về vấn đề an ninh và thương mại, Nhật Bản và Trung Quốc có xu hướng hâm nóng các mối quan hệ trong khu vực cũng như tìm kiếm những đồng minh để giúp họ chống lại “cơn bão táp” của Mỹ.
“Trung Quốc đang tìm kiếm một người bạn vì vậy họ luôn sẵn sàng giang tay đón chào Nhật Bản, đồng thời tìm cách thu hẹp sự bất đồng giữa hai bên. Còn phía Nhật Bản cũng vậy”, ông McGregor nói.
Nhật-Trung tìm kiếm quan hệ liên minh mạnh hơn trong kỷ nguyên Trump
Trung Quốc và Nhật Bản vẫn cần nhau
Hãng tin CNN dẫn lời chuyên gia Stephen Nagy tại Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Nhật Bản cho biết, Trung Quốc cần sự hỗ trợ của Nhật Bản để đẩy lùi các tác động của đòn thương mại của Tổng thống Donald Trump, còn Nhật Bản đang nỗ lực bảo vệ trật tự kinh tế tự do hiện tại trong khu vực. “Mối quan tâm của Nhật Bản là nếu mối quan hệ song phương tiếp tục xấu đi, thì các công ty của Nhật Bản sẽ phải gánh thêm chi phí khi tiếp cận với thị trường của Mỹ và cả thị trường của Trung Quốc. Họ không muốn điều này xảy ra”, ông Stephen Nagy nói.
Hiện tại cả Trung Quốc và Nhật Bản đều mong muốn thúc đẩy thương mại tự do. Trả lời phỏng vấn tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, trước thềm chuyến thăm Trung Quốc của ông Abe, Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Cheng Yonghua đã đánh giá cao sự phát triển kinh tế của cả hai nước:
“Chúng ta không nên ngồi một cách nhàn nhã mà không quan tâm đến thiệt hại đối với thương mại toàn cầu và chuỗi cung ứng toàn cầu. Chúng ta nên đoàn kết trong việc bày tỏ sự ủng hộ đối với thương mại tự do và phản đối chủ nghĩa bảo hộ”.
Tuy vậy, giới quan sát cho rằng, sự ấm lên trong quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản không đồng nghĩa với việc tất cả các vấn đề giữa Tokyo và Bắc Kinh đã được giải quyết. Tuần trước, Bộ ngoại giao Trung Quốc công khai chỉ trích Thủ tướng Abe vì gửi đồ lễ tới Đền Yasukuni – nơi thờ tự hàng triệu người Nhật thiệt mạng trong chiến tranh, trong đó có các tướng lĩnh cấp cao bị kết án phạm tội ác chiến tranh trong Thế chiến thứ II.
Cho dù Tổng thống Mỹ nào lên nắm quyền và chính sách của họ thay đổi ra sao thì sự bất đồng sâu sắc giữa Trung Quốc và Nhật Bản về vấn đề lịch sử và tranh chấp lãnh thổ vẫn rất khó hóa giải. “Đây là những vấn đề cơ bản, tác động và ảnh hưởng nhiều tới quan hệ Trung-Nhật hơn là nhân tố tạm thời như ông Trump”, chuyên gia Nakamo nói./.