Mùa hè năm ngoái, chỉ vài ngày trước khi công tố viên đặc biệt Robert Mueller công khai cảnh báo rằng Điện Kremlin sẽ tiếp tục can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, truyền hình Nga đã phát sóng một chương trình đặc biệt dài 30 phút với bản báo cáo có tiêu đề “Sự can thiệp của Ukraine”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AP. |
“Đã đến lúc bắt đầu một cuộc điều tra mới về việc can thiệp của Ukraine mà ngay từ đầu nước này đã ủng hộ đối thủ của Tổng thống Trump, bà Hillary Clinton," phóng viên Anna Afanasyeva nói. “Cái được ví von là Russia-gate sẽ trở thành Ukraine-gate”.
Bản báo cáo đưa ra những khẳng định và tuyên bố không có căn cứ và nói rằng Tổng thống Trump đã công nhận việc Chính phủ Ukraine can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 và ông Joe Biden trong thời gian làm Phó Tổng thống cùng với con trai Hunter Biden đã tham gia vào một kế hoạch mờ ám ở Ukraine.
Những lời buộc tội này cũng giống như cáo buộc mà các đồng minh của ông Trump trong đảng Cộng hòa đưa ra. Đảng Dân chủ phản bác rằng, ông Trump đã lạm quyền khi yêu cầu Tổng thống Ukraine điều tra cáo buộc can thiệp bầu cử và hoạt động làm ăn của Hunter Biden ở nước này để đổi lấy hỗ trợ quân sự và lời mời đến thăm Nhà Trắng.
Fiona Hill, cựu cố vấn của ông Trump về Đông Âu trong Hội đồng An ninh Quốc gia trong phiên điều trần công khai của Ủy ban Tình báo Hạ viện ngày 21/11 đã khuyên các nghị sĩ Cộng hòa rằng cáo buộc về sự can thiệp của Ukraine là “câu chuyện hư cấu" do Nga tạo dựng và lan truyền.
"Đây là một câu chuyện hư cấu do chính các cơ quan an ninh Nga tạo ra và lan truyền", bà Hill nói. "Tôi muốn đề nghị các vị chấm dứt việc thúc đẩy những sự giả dối xuất phát từ động cơ chính trị mà rõ ràng đang thúc đẩy các lợi ích của Nga".
Điện Kremlin về cơ bản đã kiềm chế không đưa ra bình luận về các phiên điều trần luận tội Tổng thống Trump. Tuy vậy, có vẻ như việc hướng sự chú ý vào Ukraine là một sự giải thoát đối với Nga sau những tiết lộ và cáo trạng của cuộc điều tra do ông Mueller tiến hành.
Sự chú ý hướng vào Ukraine, Nga được lợi
“Cảm ơn Chúa! Không ai buộc tội chúng tôi đã can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ nữa. Bây giờ họ đang buộc tội Ukraine. Hãy để họ tự giải quyết chuyện này”, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói tại một hội nghị đầu tư hôm 20/11.
Masha Lipman, một nhà phân tích chính trị ở Moscow nhận định: “Bất cứ khi nào có sự chia rẽ, Kremlin sẽ cố gắng để can thiệp. Bất cứ khi nào đối thủ lộ điểm yếu, Kremlin sẽ cố gắng tận dụng lợi thế của mình. Các thủ tục luận tội chắc chắn sẽ không làm cho nước Mỹ mạnh hơn”.
Ngay cả khi các cơ quan tình báo Nga luôn giữ bí mật những thông tin liên quan đến hoạt động của cộng đồng tình báo thì những vấn đề mà bà Hill cảnh báo vẫn liên tục được truyền thông Nga nhắc lại.
Hôm 24/11, trong chương trình "Tin tức trong tuần" được phát sóng trên truyền hình Nga, người dẫn chương trình Dmitry Kiselyov đã gọi các phiên điều trần luận tội là "một show diễn chính trị lớn" và nhấn mạnh rằng, kẻ thù của ông Trump quá bận rộn với việc tìm cách hạ bệ ông bằng cách hỏi dồn về việc nhà Biden đã làm gì ở Ukraine.
Ông Putin rõ ràng là hiếm khi thờ ơ với những gì xảy ra trong quan hệ Mỹ-Ukraine.
Không biết tình cờ hay hữu ý mà Ukraine lại đang là yếu tố liên quan đến tiến trình luận tội Tổng thống Trump hiện nay. Tuy nhiên, đối với Nga, con đường mà Ukraine đi luôn nằm trong trọng tâm chú ý của Moscow.
Đầu tháng 11 vừa qua, ông Putin đã đưa ra cảnh báo rằng Ukraine không nên tìm kiếm vận may từ các thế lực bên ngoài mà thay vào đó nên học cách sống với các nước láng giềng. Tuyên bố của Tổng thống Nga được cho là rào đầu cho cuộc gặp giữa ông với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy dự kiến diễn ra ở Paris, Pháp vào tháng tới.
Trước cuộc điện đàm gây nhiều tranh cãi hôm 25/7 với Tổng thống Mỹ, ông Zelenskiy đã nêu ý tưởng về sự góp mặt của ông Trump trong các cuộc đàm phán với ông Putin như một cách làm gia tăng áp lực lên Kremlin để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 5 năm ở miền Đông Ukraine. Giờ đây, với việc ông Trump vướng vào tiến trình luận tội ở Hạ viện, ông Zelenskiy đang ở thế cô lập hơn trước trong việc giải quyết vấn đề với Nga.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người đứng ra tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Putin-Zelenskiy trong những tháng gần đây đã ủng hộ một mối quan hệ hợp tác với Nga. Thủ tướng Đức Angela Merkel, người cũng sẽ tham dự cuộc họp 4 bên sắp tới thì dường như bận tâm nhiều hơn đến các vấn đề chính trị trong nước khi bà đang ở nhiệm kỳ cuối.
Sự mất tập trung của Mỹ liên quan đến vụ bê bối với Ukraine kết hợp với sự ran nứt ngày càng gia tăng giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu được cho là có thể sẽ giúp nâng cao vị thế của ông Putin./.Báo cáo luận tội Tổng thống Trump sẽ được công bố vào tuần sau