Yếu tố cản trở thỏa hiệp giữa công nhân và công ty năng lượng
Cuộc đình công của người lao động làm việc trong các nhà máy lọc dầu tại Pháp đã kéo dài 3 tuần và hiện tại, tình hình vẫn chưa có biến chuyển tích cực. Theo các số liệu do Bộ Chuyển đổi năng lượng Pháp công bố trong ngày 17/10, hiện vẫn có gần 30% các trạm xăng trên toàn nước Pháp thiếu hụt ít nhất một loại nhiên liệu.
Tình hình khan hiếm nhiên liệu có sự khác biệt giữa các địa phương. Các tỉnh thành phía Nam nước Pháp ít bị ảnh hưởng hơn trong khi 3 vùng bị tác động lớn nhất là vùng phía Bourgogne Franche-Comté ở phía Đông, vùng Centre - Val de la Loire ở miền Trung và đặc biệt là khu vực Ile -de- France quanh thủ đô Paris. Tại các địa phương này, tình trạng khan hiếm nhiên liệu được ghi nhận tại khoảng 40% các trạm xăng dầu và người dân vẫn phải xếp hàng nhiều giờ đồng hồ trước những trạm còn phục vụ để được đổ xăng-dầu.
Trong chiều tối 17/10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã triệu tập một cuộc họp khẩn tiếp theo với Thủ tướng Pháp, bà Elisabeth Borne cùng một số Bộ trưởng liên quan để tìm cách chấm dứt nhanh nhất cuộc khủng hoảng hiện nay.
Mấu chốt của các cuộc đình công tại Pháp hiện nay là ở thái độ kiên quyết không nhượng bộ của Tổng Công đoàn lao động – CGT, công đoàn có số thành viên nhiều thứ hai tại Pháp đồng thời luôn theo đuổi các chính sách được coi là thiên tả.
Trong các cuộc đàm phán với Ban lãnh đạo Tập đoàn năng lượng Total Energies tuần trước, CGT là công đoàn duy nhất không chấp nhận đề xuất tăng lương 7%, cộng thêm khoản thưởng 1 tháng lương không quá 6 ngàn euro mà lãnh đạo Total Energies đưa ra. CGT vẫn kiên quyết giữ đòi hỏi là lãnh đạo Total Energies phải tăng 10% vì cho rằng bên cạnh khoản tăng lương 7%, Total cũng cần chi thêm 3% để bù đắp cho các tác động của tình trạng lạm phát cao từ đầu năm 2022, đồng thời yêu cầu Total Energies chia sẻ lợi nhuận cho người lao động do kết quả kinh doanh tốt, lợi nhuận đạt 5,8 tỷ euro trong quý 2/2022.
Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, mặc dù CGT phản đối nhưng hai công đoàn khác chiếm đa số là Công đoàn lao động dân chủ Pháp (CFDT) và Công đoàn công chức Pháp (CFE-CGC) đã đồng ý ký vào thoả thuận với ban lãnh đạo Total Energies. Vì thế, có thể nói cuộc đình công hiện nay vẫn tiếp diễn chủ yếu là do chính sách không khoan nhượng của CGT, khi CGT không chỉ kéo dài các cuộc đình công mà còn kêu gọi sự tham gia của nhiều công đoàn trong các lĩnh vực khác như giao thông hay điện hạt nhân.
Tình cảnh nước Pháp khi các bên không tìm được tiếng nói chung
Hiện tại, theo thông tin của chính phủ Pháp, chỉ có khoảng 90 người lao động là công đoàn viên của CGT đang đình công tại 3/7 nhà máy lọc dầu của Total Energies và tại 5 kho dầu lớn trên tổng số khoảng 200 kho trên toàn lãnh thổ Pháp. Đây là điều khiến ngày càng nhiều quan chức, giới quan sát cũng như người dân Pháp cảm thấy khó chấp nhận.
Mặc dù xã hội Pháp về cơ bản là có truyền thống ủng hộ và thiện cảm với các phong trào xã hội, với các cuộc đấu tranh của công đoàn nhưng trong tình hình hiện nay, rất nhiều người cho rằng CGT đã đặt lợi ích của công đoàn này lên trước lợi ích của nhiều doanh nghiệp và người dân Pháp. Việc khan hiếm nhiên liệu kéo dài nhiều tuần qua đã có những tác động rõ rệt đến các hoạt động kinh tế tại Pháp, rất nhiều ngành nghề như giao thông, vận tải, logistic, bán hàng di động, chăm sóc y tế tại gia… đã bị ảnh hưởng khi người lao động không thể mua được nhiên liệu chạy xe.
Bắt đầu từ tuần này, các học sinh trên toàn nước Pháp cũng sẽ bước vào kỳ nghỉ kéo dài 2 tuần nên rất nhiều gia đình vốn lên kế hoạch cho kỳ nghỉ cũng có thể sẽ phải huỷ bỏ vì không thể di chuyển bằng ô tô. Khi đó, các ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn sẽ bị tác động tiêu cực. Vì thế, các cuộc đình công càng kéo dài, thiệt hại kinh tế với nước Pháp sẽ càng cao hơn. Đây là điều cực kỳ không đáng có trong bối cảnh hiện nay, khi nước Pháp, cũng như châu Âu, đang có một môi trường rất bất ổn về kinh tế và địa chính trị.
Điều nguy hiểm hơn đối với chính phủ Pháp, đó là nếu không sớm chấm dứt cuộc đình công kéo dài hiện nay, nước Pháp có nguy cơ rơi vào một chuỗi bất ổn xã hội dây chuyền. Ngay trong ngày hôm nay, 18/10, một cuộc tổng đình công của nhiều ngành nghề sẽ diễn ra tại khoảng 145 điểm trên toàn nước Pháp theo lời kêu gọi của CGT và một số công đoàn cũng như tổ chức thanh niên khác.
Cuộc đình công này sẽ thu hút lao động trong ngành đường sắt nên đe doạ sẽ đẩy các thành phố lớn của Pháp, như thủ đô Paris, Lyon, Marseille rơi vào tình trạng hỗn loạn khi có khoảng 1/2 số tàu sẽ không chạy. Cũng cần nhắc lại rằng, hôm Chủ nhật, 16/10, một cuộc biểu tình do các đảng cánh tả tổ chức cũng đã thu hút được hàng trăm ngàn người xuống đường, nhằm phản đối đời sống đắt đỏ hiện nay cũng như việc chính phủ Pháp thụ động trong chính sách môi trường.
Trong vài tuần trước đó nữa còn có các cuộc biểu tình của nhân viên y tế, của cảnh sát tư pháp… Vì thế, tất cả những diễn biến này cho thấy, nếu không nhanh chóng chấm dứt cuộc đình công, nước Pháp có thể sẽ chứng kiến một làn sóng biểu tình, đình công hợp nhất lớn hơn rất nhiều của các ngành nghề có thể làm tê liệt nước Pháp, thậm chí nguy hiểm hơn là có thể gây ra bạo động xã hội như phong trào Áo vàng cuối năm 2018. Đó có lẽ là lí do mà trong ngày 17/10, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire đã chỉ trích các hoạt động đình công của CGT là bất hợp pháp và chính phủ Pháp cũng đang gấp rút thực thi các biện pháp cứng rắn như trưng dụng các cơ sở chế biến dầu và các kho dầu để phân phối cho các trạm xăng-dầu trên toàn quốc.
Khả năng bất ổn tại Pháp lan sang các nước châu Âu khác
Hiện châu Âu đang theo dõi sát sao những gì đang diễn ra tại Pháp. Anh đánh giá như thế nào về khả năng bất ổn tại Pháp có thể lan sang các nước châu Âu khác, nhất là khi khả năng châu Âu tìm đủ nguồn cung năng lượng cho mùa đông tới vẫn còn là dấu hỏi?
Nước Pháp và nhiều nước châu Âu khác đang phải đối mặt với một bối cảnh chung, đó là khủng hoảng năng lượng, lạm phát tăng cao, nguy cơ xung đột Nga-Ukraine lan rộng cũng như viễn cảnh suy thoái kinh tế cận kề. Ngoài Pháp, các cuộc biểu tình lớn đã nổ ra trong thời gian qua tại nhiều nước như Đức, Italy, Séc, Anh khi người dân ngày càng gặp nhiều khó khăn do giá năng lượng, chi phí sinh hoạt tăng cao. Sau Pháp 3 ngày, người lao động tại Italy cũng sẽ tổ chức đình công trên toàn quốc vào ngày 21/10. Vì thế, có thể nói là bối cảnh kinh tế-xã hội hiện nay tại châu Âu đã kích hoạt rất nhiều bất ổn và các nước châu Âu khác cũng không cần “chờ” tác động lây lan từ Pháp, dù Pháp vốn nổi tiếng là quốc gia có các hoạt động công đoàn mạnh, các cuộc biểu tình kéo dài hay các cuộc phản kháng xã hội quyết liệt.
Về vấn đề nguồn cung năng lượng, đến thời điểm này có thể nói là các nước châu Âu đã làm tất cả những gì có thể, đã lấp đầy được từ 90-95% các kho dự trữ và nếu không có các khó khăn đột biến, như nguồn cung lớn gián đoạn, mùa đông quá khắc nghiệt hay xung đột Nga - Ukraine lan rộng ra toàn châu Âu, thì châu Âu có thể sẽ vượt qua được mùa Đông một cách tương đối an toàn. Nhưng chỉ một sự cố ngoài dự kiến cũng sẽ đẩy khối này vào tình thế nguy hiểm.
Cuối tuần này, nguyên thủ các nước Liên minh châu Âu (EU) sẽ nhóm họp Thượng đỉnh trong 2 ngày tại Brussels và chắc chắn hầu hết các nước đều đang có một mối lo về việc các bất ổn xã hội có thể lan rộng hơn khi mùa Đông đến gần và các khó khăn về năng lượng càng tăng cao hơn. Do đó, cuộc họp tại Brussels tuần này sẽ vô cùng quan trọng khi các nước châu Âu buộc phải tìm ra một giải pháp chung nhằm hạ thấp giá năng lượng một cách nhanh nhất để xoa dịu sự bất mãn của dân chúng.
Đây là nhiệm vụ không dễ dàng bởi trong cuộc họp thượng đỉnh không chính thức hôm 7/10 tại Praha, các nước EU đã thể hiện các bất đồng công khai về một loạt các chủ đề năng lượng quan trọng, từ việc áp giá trần với khí đốt của Nga cho đến việc các nước tung ra các chính sách hỗ trợ kinh tế khác nhau, dẫn đến mâu thuẫn giữa lợi ích quốc gia và lợi ích của toàn khối.
Một ví dụ điển hình là hiện tại, rất nhiều nước châu Âu đang bất mãn trước việc chính phủ Đức của Thủ tướng Olaf Scholz tung ra gói hỗ trợ tài chính lên tới 200 tỷ euro để trợ giúp các công ty và hộ gia đình Đức. Đây là số tiền khổng lồ với các quốc gia thành viên khác của EU và rất nhiều nước EU đã công khai chỉ trích chính sách này của Đức, cho rằng Đức đã hành động ích kỷ, khi tung ra một lá chắn lớn để bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng Đức, tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng, đồng thời làm tổn hại nỗ lực kiềm chế lạm phát của khu vực đồng tiền chung – Eurozone. Tất cả những vướng mắc này này cần phải được châu Âu giải quyết một cách nhanh chóng, nếu không các bất ổn từ nhiều quốc gia có thể tích tụ thành một bất ổn toàn khối./.