Khi căng thẳng Nga - Ukraine leo thang sau khi cây cầu chiến lược Crimea bị đánh bom và Nga đáp trả bằng loạt tập kích tên lửa, người ta lo ngại lò lửa xung đột này sẽ lan sang các nước láng giềng.
Ngày 10/10, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko công bố thành lập một “nhóm quân sự chung” với Nga sau khi ông tuyên bố Ukraine đang chuẩn bị tấn công Belarus. Cùng ngày, Phó Thủ tưởng Moldova Nicu Popescu nói rằng các tên lửa Nga đã vượt qua không phận của Moldova để bay tới lãnh thổ Ukraine. Tổng thống Moldova Maia Sandu sau đó đã kêu gọi mở rộng quyền hành của cảnh sát để ứng phó với các cuộc biểu tình thân Nga ở quốc gia Baltic này.
Những diễn biến này cho thấy leo thang trong xung đột Ukraine - Nga có thể chứa thêm 2 khía cạnh quan trọng. Thứ nhất là quy mô xung đột, với việc Kremlin theo đuổi mục tiêu động viên lực lượng dự bị và nhắc nhở về khả năng sử dụng các vũ khí hủy diệt như vũ khí hạt nhân. Thứ hai là phạm vi xung đột, có thể lôi kéo các nước khác trực tiếp tham gia cuộc giao tranh này. Các nước láng giềng của Ukraine như Belarus và Moldova có khả năng cao nhất bị lôi kéo vào chiến sự.
Đồng minh Belarus của Nga
Mối liên hệ của Belarus với xung đột ở Ukraine không có gì mới. Belarus đóng vai trò bàn đạp chính cho lực lượng Nga khi họ tiến hành tấn công thủ đô Kiev vào đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine. Từ đó đến nay, Belarus vẫn đóng vai trò là nơi trú ngụ cho quân Nga kèm thiết bị Nga. Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Lukashenko đã không gửi quân trực tiếp đến Ukraine, một phần là vì động thái như thế rất không được lòng người dân Belarus và bản thân ông thời gian qua cũng đã phải đối mặt nhiều cuộc biểu tình lớn ở trong nước.
Tuy vậy, Tổng thống Lukashenko có thể thay đổi cách tiếp cận, suy tính về khả năng can dự trực tiếp vào Ukraine.
Thành công của Ukraine trong việc lấy lại một số lãnh thổ sau các cuộc phản công gần đây cũng như việc cây cầu trọng yếu Crimea bị tấn công đã tạo ra các quan ngại ở Minsk về khả năng Ukraine sẽ tiến hành các hoạt động quân sự chống lại Belarus.
Tổng thống Lukashenko tuyên bố, “Ở Ukraine ngày nay, người ta không chỉ thảo luận mà còn đang xây dựng kế hoạch tấn công vào lãnh thổ Belarus”. Ông lấy đây làm lý do biện minh cho việc triển khai thêm binh sĩ Belarus tới biên giới với Ukraine và lập nhóm quân sự chung với Nga, mặc dù các quan chức gọi các biện pháp này là mang bản chất “phòng vệ”.
Hiện nay Tổng thống Lukashenko vẫn thận trọng về kịch bản đưa quân vào Ukraine. Tuy nhiên, diễn biến xung đột Ukraine hiện nay có thể buộc ông phải xem xét lại quan điểm này.
Động thái động viên lực lượng của Nga thời gian qua có thể là dấu hiệu Kremlin đang cần thêm quân để ứng phó với các cuộc phản công của Ukraine. Trong bối cảnh ấy, ông Putin có thể mong muốn ông Lukashenko sử dụng các binh sĩ Belarus để mở thêm một mặt trận ở phía Bắc. Trong tình huống các điểm bên trong Belarus gần biên giới Ukraine bị tấn công, đấy có thể là cớ để Belarus can dự trực tiếp vào xung đột. Belarus đã gia tăng cung cấp vũ khí khí tài cho Nga, còn Tổng thống Lukashenko thì tung ra nhiều phát biểu nảy lửa phản đối Ukraine.
Khả năng từ phía Moldova
Trong khi đó, quốc gia Baltic Moldova cũng có sự kết nối với xung đột ở Ukraine. Giống Belarus, Moldova chứng kiến các đơn vị Nga đồn trú trên lãnh thổ của họ trong hàng thập kỷ, tất nhiên lực lượng Nga này chỉ đóng ở khu vực Transnistria ly khai khỏi Moldova. Mặc dù xung đột Transnistria đã được đóng băng kể từ đầu thập niên 1990 và quân Nga đóng ở đó chưa tham gia vào chiến sự ở Ukraine cho tới thời điểm này, các yếu tố đó vẫn tạo ra một mối quan ngại về an ninh cho chính phủ Moldova. Nga đã không úp mở về mong muốn cắt đứt quyền tiếp cận của Ukraine đối với Biển Đen - mục tiêu chỉ hoàn thành được bằng việc kết nối lực lượng Nga ở Kherson với lực lượng Nga đóng ở vùng Transnistria thông qua cảng Odessa.
Như vậy Moldova có nguy cơ lớn bị lôi trực tiếp vào xung đột Nga - Ukraine (khi căng thẳng leo thang hơn nữa) do các điều sau: 1- Moldova nằm sát Biển Đen. 2- Lực lượng quân sự Nga vẫn đang hiện diện ở Transnistria. 3- Chính phủ của Tổng thống Moldova Maia Sandu có quan điểm thân phương Tây và thân Ukraine.
Việc tên lửa Nga bay qua không phận Moldova có thể là thông điệp của Nga nói rằng Moldova không được cách ly hoàn toàn khỏi xung đột ở Ukraine.
Tất nhiên như thế không có nghĩa là xung đột giữa Nga và Moldova sẽ nổ ra tức thì. Nga vốn đang bận ở Ukraine nên việc mở thêm một mặt trận ở Moldova sẽ chỉ gây thêm áp lực lên các lực lượng Nga vốn đã bị căng mỏng ra.
Lợi thế cho Nga
Nếu Belarus và Moldova can dự trực tiếp vào xung đột Ukraine, làn sóng người di cư từ các nước này vào châu Âu sẽ gia tăng hơn nữa, từ đó làm xói mòn mức độ gắn kết giữa các nước EU ủng hộ Ukraine.
Một sự mở rộng phạm vi xung đột như thế cũng làm xáo trộn thêm cơ sở hạ tầng kinh tế và năng lượng của châu Âu, khiến cho cuộc xung đột quân sự ở đây càng đau đớn và tốn kém hơn đối với phương Tây.
Tất nhiên Nga cũng sẽ xuất hiện thêm nhiều khó khăn khi chiến sự mở rộng phạm vi. Nhưng dường như Nga ưa thích lối tác chiến bất đối xứng khi đối đầu với phương Tây./.