Diễn biến mới nhất liên quan đến căng thẳng giữa Mỹ và Iran là việc giới chức quốc phòng Mỹ đề xuất triển khai thêm hàng nghìn binh sỹ tới Trung Đông.

Theo các nguồn tin giấu tên, giới chức Lầu Năm Góc dự kiến sẽ báo cáo với các thành viên cấp cao trong nhóm an ninh Quốc gia của Tổng thống Trump trong ngày 23/5 (giờ Mỹ) về kế hoạch tăng thêm tới 10.000 lính Mỹ tới Trung Đông trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Iran.

tau_san_bay_my_qlvo.jpg
Đầu tháng 5/2019, Mỹ đã điều tàu sân bay và máy bay ném bom tới Trung Đông. Ảnh minh họa: Hải quân Mỹ

Các quan chức này nhấn mạnh hiện vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra về việc triển khai binh sỹ bổ sung. Ngoài ra, số lượng bộ binh sỹ bổ sung có thể sẽ không cần triển khai toàn bộ ngay lập tức. Một phần trong số này có thể triển khai trước như biện pháp răn đe, và số còn lại chỉ được gửi tiếp nếu căng thẳng leo thang tới điểm mà Mỹ tin là một cuộc tấn công đang ở ngay trước mắt.

Một quan chức quốc phòng giấu tên nói với CNN rằng, đề xuất tăng quân do Bộ tư lệnh trung tâm Mỹ (CENTCOM) phụ trách giám sát các chiến dịch của Mỹ trong khu vực đưa ra. Các khả năng quân sự được thảo luận bao gồm cả việc gửi thêm các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình Tomahawk phóng từ tàu ngầm, các tàu nổi với khả năng tấn công vào đất liền từ xa.

Bối cảnh hiện nay khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi, Vậy chính xác điều gì đang xảy ra? Mọi thứ đi đến tình trạng hiện nay như thế nào? Vì sao căng thẳng leo thang đột biến? Và rốt cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Iran có thực sự xảy ra hay không? Vị Tổng thống khó đoán như Donald Trump dường như đang rất muốn mọi người, trong đó có cả Iran, phải đoán.

Điều gì đang diễn ra?

Cuộc khủng hoảng hiện nay bắt đầu hôm 5/5 khi Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton tuyên bố Mỹ triển khai tàu sân bay và nhóm máy bay ném bom tới Vịnh Ba Tư để phản ứng trước những dấu hiệu cho thấy có mối đe dọa từ Iran trong khu vực.

Động thái này là nhằm “gửi đi thông điệp rõ ràng tới chính quyền Iran rằng, bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào lợi ích của Mỹ hay các đồng minh của Mỹ sẽ vấp phải lực lượng cứng rắn”. Ông nói Mỹ “không tìm kiếm chiến tranh với Iran”, nhưng “Mỹ đã được chuẩn bị đầy đủ để đối phó với bất cứ cuộc tấn công nào, dù là do các bên ủy nhiệm, Vệ binh cách mạng Iran hay các lực lượng thông thường của Iran tiến hành”.

Ở thời điểm đó, vẫn chưa rõ chính xác các thông tin tình báo nói gì, nhưng những ngày sau đó, mọi thứ trở nên rõ ràng hơn. Iran được cho là có ý định nhằm vào các lực lượng Mỹ ở Iraq và Syria, hoặc thậm chí sử dụng máy bay không người lái nhằm vào Mỹ ở một khu vựcchủ chốt gần Yemen. Cũng có thông tin nói rằng Iran đã chuyển các tên lửa hành trình lên tàu, dấy lên lo ngại có thể tấn công các tàu Hải quân Mỹ bằng các tên lửa này.

Ngày 8/5, ba ngày sau tuyên bố của ông Bolton, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố rút bớt các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân 2015.

Đặc biệt, Iran sẽ bắt đầu dự trữ urani và nước nặng, loại dùng trong các lò phản ứng hạt nhân và có thể dùng để sản xuất vũ khí hạt nhân. Iran cũng sẽ làm giàu urani ở cấp độ bị cấm trước đây.

Quyết định của Iran được chính thức thông báo đúng thời điểm 1 năm sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân. Tổng thống Rouhani nhấn mạnh, đây không phải là động thái leo thang. “Con đường chúng tôi đã chọn hôm nay không phải là con đường chiến tranh, đó là con đường ngoại giao”.

Mọi thứ chưa dừng lại ở đó. Vài ngày sau, 4 tàu chở dầu bị tấn công gần eo biển Hormuz, một eo biển chiến lược đồng thời là tuyến vận chuyển dầu mỏ quan trọng của thế giới. Hai trong số các tàu này là của Saudi Arabia và 1 tàu của UAE – cả 2 đều là “kẻ thù” của Iran và là bằng hữu của Mỹ. Tàu thứ 4 thuộc sở hữu của 1 công ty Na Uy.

Một quan chức Mỹ giấu tên nói với NBC News rằng, dựa trên nguồn tin tình báo, khả năng cao là Iran hoặc các nhóm có liên kết với Iran đứng đằng sau vụ tấn công.

Iran bác bỏ có liên quan, nhưng 1 ngày sau, nhóm phiến quân Houthi được cho là do Iran hậu thuẫn ở Yemen đã tấn công một đường ống dẫn dầu của Saudi Arabia.

Trong khi đó, tuần trước, Mỹ cáo buộc một trong các lãnh đạo quân đội cấp cao Iran đã “chỉ đạo” các phiến quân ở Iraq chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh. Điều này lý giải cho việc Mỹ sơ tán một số nhân viên Đại sứ quán ở Baghdad và lãnh sự quán ở Erbil trong tuần trước.

Bối cảnh hiện nay giống giai đoạn "chạy đà" chiến tranh Iraq?

Thực sự thì không giống. Khi “chạy đà” cho chiến tranh Iraq, Tổng thống Mỹ George W. Bush đã có nhiều tuyên bố rằng chính quyền Saddam Hussein sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt. Vấn đề là ở chỗ cáo buộc này dựa trên những thông tin tình báo sau đó đã được chứng minh là không đáng tin cậy, từ đó dẫn tới việc Mỹ tiến hành chiến tranh dựa trên những thông tin sai lầm.

Có lý do hợp lý để so sánh bối cảnh Iran hiện nay với Iraq trước đây. Chính quyền Mỹ hiện nay cũng là đảng Cộng hòa, yếu tố tương tự với vị Tổng thống đã đẩy nước Mỹ vào chiến tranh với Iraq năm 2003. Những căng thẳng được đẩy lên cao cũng dựa trên những thông tin tình báo nói rằng có mối đe dọa sắp xảy ra nhằm vào Mỹ.

“Khi đó đã có những nỗ lực nghiêm túc, mang tính phối hợp từ chính quyền Bush, thông qua các bài phát biểu, các cuộc phỏng vấn để đặt ra lý do cho chiến tranh. Nhưng yếu tố này lại có vẻ như không xảy ra hiện nay với trường hợp Iran”, Brewer, một nhà phân tích tại Trung tâm an ninh Mỹ mới có trụ sở ở Washington nói với Vox.

Liệu Mỹ và Iran có đi đến chiến tranh?

Mặc dù vẫn chưa thể loại trừ nhưng khả năng chiến tranh sẽ không sớm xảy ra. Có 4 lý do chính để lạc quan về điều này.

Thứ nhất, việc triển khai quân sự Mỹ tới Trung Đông không phải là điều bất thường, theo một số chuyên gia.

Theo Ilan Goldenberg, một chuyên gia về Iran tại Trung tâm an ninh Mỹ mới ở Washington nói rằng, việc đưa tàu sân bay tới Trung Đông đã được lên kế hoạch từ trước. Mặc dù không hoàn toàn rõ rằng, nhưng việc triển khai tàu sân bay và máy bay ném bom chỉ là nhằm gia tăng sức ép lên Iran.

Thứ hai, Tổng thống Trump không muốn chiến tranh với Iran. Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông đã cam kết sẽ không đưa Mỹ tham chiến ở nước ngoài, đặc biệt là Trung Đông.

Khi được hỏi trong tuần trước rằng liệu Mỹ có đi đến chiến tranh với Iran hat không, ông Trump trả lời rằng “Tôi hy vọng là không”.

Thứ ba,thực sự dường như căng thẳng đang lắng xuống. Theo Wall Street Journal, 2 tàu khu trục của Mỹ di chuyển qua eo biển Hormuz hôm 16/5 mà không bị cản trở. Báo này dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ rằng: “Đó là một cuộc di chuyển “im ắng nhất” mà chúng ta từng thấy trong thời gian dài, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng hiện nay”.

Vì thế, căng thẳng Mỹ-Iran dường như không “khốc liệt” như vẻ ngoài, và có thể sẽ hạ nhiệt trong những ngày tới. Tất nhiên, nhận định này không được đảm bảo, vì sẽ luôn có khả năng xảy ra những sai lầm.

Thứ tư, cho dù kế hoạch bổ sung quân tới Trung Đông được phê duyệt, thì con số 10.000 vẫn chỉ ở mức “răn đe”, chưa đủ để tiến hành một cuộc chiến tranh với Iran.

CNN trước đây đưa tin, giới chức Mỹ tính toán cần tới hơn 100.000 binh sỹ cho một cuộc tấn công toàn diện nhằm vào Iran. Con số này vẫn ít hơn so với số lượng binh sỹ Mỹ tham chiến ở Iraq giai đoạn 2003-2011.

Theo chuyên trang đánh giá quân sự Global Fire Power (GFP), Iran có quân đội lớn thứ 2 Trung Đông và xếp thứ 14 trong bảng xếp hạng 137 nước được phân tích. Số lượng binh sỹ Mỹ cần huy động cho một cuộc chiến tranh với Iran sẽ phải cao hơn nhiều./.