Liên tiếp trong thời gian qua, lực lượng quân sự của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS)đã giành được nhiều chiến thắng quan trọng tại 2 quốc gia Syria và Iraq. Tổ chức IS không chỉ mở rộng địa bàn mà còn chiếm được các vị trí trọng yếu (mới nhất là thành phố Ramadi ở Iraq và thành phố Palmyra ở Syria), khóa chặt dần vùng biên giới của 2 nước, đe dọa tiến về các thủ đô Baghdad và Damascus.
Cuộc chiến giữa lực lượng IS và quân đội chính phủ Iraq tại Ramadi (ảnh: BBC) |
Nguy cơ Syria và Iraq bị nhuộm kín bằng màu đen của lá cờ IS giờ rõ hơn khi nào hết, không còn là điều mơ hồ hay lời bông đùa. Thật đáng ngạc nhiên khi chỉ trong một năm qua, IS (người Arab gọi là Daesh) đã làm chủ được một nửa lãnh thổ Syria, trong khi trước đây các lực lượng nổi dậy thế tục (được phương Tây bật đèn xanh và viện trợ) loay hoay mãi vẫn không làm suy chuyển được chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad. Còn ở Iraq, quân đội nước này dù được Mỹ huấn luyện và cung cấp vũ khí nhưng vẫn "không có ý chí chiến đấu cao", dễ dàng thoái lui trước lực lượng phiến quân.
Người ta hiện đang phải chứng kiến các thảm họa nhân đạo do người dân chạy “giặc” IS. Một điều đau lòng là nhiều người dân khốn khổ sơ tán khỏi Ramadi (Iraq) và dồn về thủ đô Baghdad đã không được đón nhận do chính quyền Iraq lo sợ có phiến quân IS trà trộn trong những người chạy trốn.
Tháng 6 này là tròn một năm IS trỗi dậy với tư cách một Nhà nước Hồi giáo (tự xưng) vắt qua lãnh thổ của Syria và Iraq. Có lẽ IS đang đẩy mạnh các hoạt động quân sự và khủng bố (cả trên thực địa và trong thế giới mạng) để “chào mừng” dấu mốc đó.
Nếu IS làm chủ toàn bộ Syria và Iraq thì đây chắc chắn là đại họa cho toàn thế giới chứ không riêng gì nhân dân Iraq và Syria. Trong thời gian gần đây, IS đã cho người xâm nhập vào nhiều nước xung quanh ở vùng Vịnh và trên bán đảo Arab để phá hoại và kích động nổi dậy. Mới đây IS đã cho đánh bom khủng bố ở Saudi Arabia làm nhiều người Saudi thiệt mạng và Quốc vương nước này thì vô cùng tức giận. Sẽ không ngoa khi nói tới một cuộc tổng nổi dậy toàn cầu của IS – một lực lượng nhận được sự hưởng ứng của các phần tử cực đoan ở cả châu Phi, Trung Á, Đông Bắc Á, Đông Nam Á, cũng như Tây Âu, Australia, thậm chí cả Bắc Mỹ.
IS vốn kêu gọi các phần tử Hồi giáo cực đoan hãy hành động ngay tại chỗ nếu không có điều kiện đến Syria và Iraq. Một chiến thắng hoàn toàn cho IS ở Syria và Iraq sẽ khích lệ các phần tử “sói đơn độc” ở châu Âu (cách không xa Trung Đông, vừa trỗi dậy với loạt tấn công ở Paris… nhưng đang tạm thời lắng xuống) cũng như truyền cảm hứng mãnh liệt cho các đệ tử Boko Haram (ở châu Phi) hiện đang mô phỏng theo “phong trào” IS.
Ngoài ra cũng không loại trừ khả năng một thắng lợi như thế sẽ cực đoan hóa phong trào Hồi giáo vũ trang ở Trung Quốc theo mô hình IS, dù nơi đây có nhiều nét riêng, gắn liền với vấn đề sắc tộc thiểu số.Vị trí của Syria và Iraq trên bản đồ thế giới (ảnh: Google Map) |
Tất nhiên những quốc gia láng giềng của Syria và Iraq sẽ bị đe dọa trước tiên. Đó là Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Saudi Arabia rồi thậm chí cả Azerbaijan ở vùng Kavkaz.
Tình hình IS đe dọa trực tiếp an ninh Iran, quốc gia không chỉ nằm cạnh Iraq và Syria, mà còn có đông người dòng Shiite (đối lập dòng Sunni của IS), là đồng minh của Syria, và gần gũi với chính quyền Shiite hiện nay của Iraq. Còn Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Saudi Arabia là các đồng minh thân cận của Mỹ - kẻ thù không đội trời chung của IS. Azerbaijan (cách đó không xa) vừa có đông người Shiite sinh sống (tỷ lệ người Shiite của nước này tương tự như ở Iran), lại là một quốc gia thế tục thân phương Tây với nhiều cải cách trao quyền bình đẳng cho phụ nữ. Không những vậy Azerbaijan lại có nguồn dầu khí phong phú.
Nhưng còn quá sớm để khẳng định trong trường hợp IS chiếm trọn Syria và Iraq, chúng sẽ manh động mở rộng ngay lãnh thổ ra ngoài khu vực Syria và Iraq. IS cần nhiều thời gian để củng cố và chuẩn bị. Dù rất hung tàn và hay “võ mồm” về việc xây dựng Nhà nước Hồi giáo trên toàn cầu, Ban lãnh đạo IS đủ khôn ngoan để hiểu những gì làm được và không làm được.
Dù sao trong thời gian qua lực lượng IS mới chỉ vùng lên trên một địa bàn vốn bị chia rẽ sâu sắc và suy yếu sẵn. Trong khi đó các nước xung quanh như Iran, Thổ Nhĩ Kỳ hay Israel đều tương đối ổn định về chính trị, mạnh về kinh tế và “rắn” về quân sự. Trong ngắn hạn, IS chắc sẽ chưa liều lĩnh "vuốt râu hùm".
Ít có khả năng thế giới trong bối cảnh hiện nay sẽ tập hợp một lực lượng đa quốc gia hùng hậu để can thiệp trên bộ vào lãnh thổ Syria-Iraq trong tình huống giả định đã bị IS chiếm hoàn toàn. Liên Hợp Quốc cũng khó có thể đưa quân vào đây như tại bán đảo Triều Tiên giai đoạn 1950-1953. Vì nếu làm được như vậy thì họ đã làm từ lâu rồi, từ khi IS chiếm được một dải lãnh thổ rộng lớn ở Iraq và Syria và thực hiện nhiều tội ác chống lại loài người.
Tuy nhiên nếu IS vượt lằn ranh giới đỏ, táo tợn đưa quân chủ lực của chúng sang các nước láng giềng thì IS sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến tranh khu vực tàn khốc với sự tham gia của nhiều bên./.
>> Xem thêm: Thảm họa Hồi giáo cực đoan IS 2015