Sau 6 tháng trì hoãn, Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến trong tuần này sẽ đưa ra quyết định có chuyển Đại sứ quán Mỹ tại Israel tới Jerusalem hay không?
Nếu Mỹ di chuyển Đại sứ quán tới Jerusalem thì điều này sẽ khẳng định sự ủng hộ vững chắc của Mỹ với đồng minh Israel như ông Donald Trump đã cam kết từ chiến dịch vận động tranh cử năm ngoái. Song, với giới chuyên gia đây sẽ là một mồi lửa thổi bùng các cuộc xung đột tại Trung Đông.
Kể từ năm 1995, khi Quốc hội Mỹ thông qua việc đặt Đại sứ quán tại Israel ở Tel Aviv, các đời Tổng thống Mỹ đều trì hoãn việc chuyển phái đoàn ngoại giao tới Jerusalem. Điều luật được Quốc hội Mỹ thông qua cho phép Tổng thống trì hoãn quyết định này trong 6 tháng và có thể tiếp tục gia hạn thời gian trì hoãn.
Với chính quyền Mỹ đương nhiệm của Tổng thống Donald Trump, quyết định có chuyển Đại sứ quán từ Tel Aviv tới Jerusalem, hay là sự công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, đang thu hút chú ý của dư luận quốc tế. Bởi rằng bất cứ thay đổi nào với Jerusalem cũng sẽ tác động mạnh mẽ tới khu vực Trung Đông và các nước có đông người Hồi giáo khác. Ngay chính ông chủ Nhà Trắng cũng bày tỏ quan ngại những ảnh hưởng của quyết định này tới các cuộc hòa đàm Trung Đông.
Trong phát biểu mới nhất hôm 3/12, con rể và cũng là cố vấn của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Jared Kushner cho biết Tổng thống vẫn chưa quyết định có chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel hay không. Ông Kushner hiện cũng là người đứng đầu các nỗ lực tái khởi động hòa đàm Trung Đông giữa Israel-Palestine sau nhiều năm lâm vào bế tắc.
Giới chuyên gia Mỹ dự đoán rằng Tổng thống Donald Trump sẽ tiếp tục trì hoãn quyết định chuyển Đại sứ quán.
Vùng đất linh thiêng Jerusalem có ý nghĩa quan trọng với cả người Do Thái, người Cơ Đốc và người Hồi giáo. Trong bối cảnh này, Tổng Thư ký Liên đoàn Arab (AL) Aboul Gheit cảnh báo việc Mỹ chuyển Đại sứ quán tới thành phố này sẽ là một “mồi lửa” làm bùng phát xung đột và bạo lực cực đoan trong cả khu vực. Nhiều chuyên gia chính trị có chung nhận định này, đồng thời cho rằng chính quyền của Thủ tướng Benjamin Netanyahu sẽ hưởng lợi đơn lợi kép từ sự ủng hộ của đồng minh Mỹ.
Palestine vận động Mỹ không công nhận Jerusalem là thủ đô Israel
Nhà phân tích Brian Becker thuộc Tổ chức chống chiến tranh ANSWER Coalition có trụ sở tại Mỹ, cho rằng việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel không chỉ khẳng định ủng hộ vững chắc với đồng minh Israel mà còn là bước cứu cánh cho chính quyền của ông Netanyahu.
Theo đó, củng cố ủng hộ từ dư luận trong nước cho chính phủ Israel trong bối cảnh ông Netanyahu đang vướng vào bê bối tham nhũng liên quan tới vợ con.
Nhà phân tích Brian Becker nói: “Việc Jerusalem được công nhận là thủ đô của Israel sẽ vi phạm luật pháp quốc tế và tất cả những nghị quyết trước đó của Liên Hợp Quốc về quy chế của Jerusalem. Không có gì phải bàn cãi là quyết định này sẽ đổ dầu vào các cuộc xung đột và những căng thẳng vốn có tại Trung Đông”
Phía Palestine cũng cho thấy lo ngại rằng quyết định của Tổng thống Mỹ có thể làm chệch hướng các cuộc hòa đàm Trung Đông. Đến nay, Israel vẫn muốn tuyên bố toàn bộ Jerusalem là thủ đô của mình. Trong khi Palestine muốn giữ Đông Jerusalem là thủ đô trong tương lai. Jerusalem vẫn luôn là tâm điểm của cuộc xung đột chưa từng hạ nhiệt giữa Israel-Palestine, đồng thời là nút thắt lớn trên bàn đàm phán hòa bình Trung Đông.
Trong một động thái đồng thuận hiếm hoi, 151 thành viên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 30/11 vừa qua đã thông qua một nghị quyết phản đối Israel chiếm đóng thành phố Jerusalem. Xung đột leo thang tại đây từ năm 2015, khi Israel công bố lệnh hạn chế người Palestine tới cầu nguyện tại ngôi đền Al-Aqsa ở Đông Jerusalem. Từ đó đến nay, đã có hơn 300 người Palestine thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với lực lượng an ninh Israel./.