Theo đó, nước này tiếp tục yêu cầu thắt chặt việc mua sắm các thiết bị công nghệ thông tin có nguồn gốc từ Trung Quốc để trang bị cho các cơ quan chính phủ. Luật này không cho phép NASA và các cơ quan tư pháp, thương mại tự ý mua sắm các hệ thống công nghệ thông tin của Trung Quốc nếu chưa có sự đồng ý của các cơ quan thực thi pháp luật Liên bang.
Quan ngại về an ninh mạng
Công ty công nghệ Huawei Shenzhen/nhà cung cấp thiết bị và dịch vụ truyền thông lớn của Trung Quốc. (ảnh: KT) |
Vừa qua, Ủy ban đánh giá các mối quan hệ an ninh và kinh tế Mỹ-Trung đã trình Quốc hội Mỹ một bản báo cáo mang tên “Giành thế thượng phong trên mặt trận thông tin: Các khả năng của Trung Quốc trong tiến hành các chiến dịch mạng máy tính và các hoạt động gián điệp mạng”. Bản báo cáo đã được các chuyên gia phân tích an ninh thông tin gồm Bryan Krekel, Patton Adams và George Bakos thuộc Công ty an ninh Northrop Grumman nghiên cứu một cách kỹ lưỡng theo sự chỉ đạo của Quốc hội Mỹ.
Bản báo cáo khẳng định: Giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc đã xác định, để tiến hành thành công một cuộc chiến tranh trong tương lai cần phải phát triển được các khả năng giành quyền kiểm soát đối với thông tin và các hệ thống thông tin của đối phương, thông thường là mang tính phủ đầu. Theo đó, nhiều chứng cứ thu thập được đã cho thấy Trung Quốc đang thực sự chuẩn bị để tiến hành một cuộc tấn công mạng nhằm vào đối phương trong trường hợp xảy ra xung đột trong tương lai.
Hiện nay, có ít nhất 50 trường đại học dân sự tại Trung Quốc đang nhận được nguồn tài trợ nhằm phát triển các khả năng chiến tranh mạng cho quân đội. Giới lãnh đạo quân sự nhắm tới khả năng có thể thâm nhập sâu vào các mạng lưới quan trọng của đối phương trong các lĩnh vực hậu cần, chỉ huy và kiểm soát để thu thập các dữ liệu và thông tin tình báo thời gian thực có giá trị cao hoặc để phá hoại các nguồn dữ liệu của đối phương trong khi không cần phá hủy các mạng lưới hoặc phần cứng.
Cuộc tấn công mạng sẽ được quân đội tiến hành một vài tuần trước khi xung đột quân sự diễn ra. Đây chính là đòn phủ đầu có thể gây tê liệt toàn bộ hoặc một phần các cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin của đối phương trong tương lai.
Ngoài lực lượng tác chiến điện tử và chiến tranh mạng trực thuộc mà quân đội đang tập trung phát triển Mỹ còn nghi ngại Trung Quốc cũng sử dụng một đội ngũ đông đảo các tin tặc dân sự độc lập. Đội ngũ này bao gồm những tin tặc xuất sắc và nguy hiểm, không nhất thiết phải được đào tạo chuyên về chiến tranh mạng. Thay vào đó, Trung Quốc sẽ thiết lập những mối quan hệ nhất định giữa đội ngũ tin tặc dân sự độc lập này với quân đội, công an hoặc cơ quan an ninh quốc gia.
Mối đe dọa tiềm tàng
Theo các chuyên gia Mỹ, các nhà cung cấp phần cứng, phần mềm và các trang thiết bị truyền thông của Trung Quốc chính là những mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh thông tin của Mỹ. Các doanh nghiệp Trung Quốc có thể có những can thiệp và điều chỉnh tinh vi trong quá trình sản xuất, lắp ráp và phân phối các sản phẩm, đặc biệt là các phần cứng và linh kiện điện tử công nghệ cao.
Công nghệ đã giúp cho các lực lượng của Trung Quốc có thể giành được khả năng bí mật truy cập và giám sát các hệ thống nhạy cảm, quan trọng của Mỹ hoặc làm giảm khả năng thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu quả của một hệ thống, chèn vào những thông tin hoặc những lời chỉ dẫn sai lệch nhằm phá hoại hoặc giành quyền kiểm soát từ xa đối với một hệ thống được xác định bất kỳ. Thủ đoạn này đang ngày càng bộc lộ rõ ràng trong nhiều cuộc tấn công và hoạt động gián điệp mạng đối với các tổ chức, cá nhân ở Mỹ và nhiều quốc gia khác.
Trung Quốc hiện đang triệt để lợi dụng sự hợp tác giữa các công ty an ninh thông tin Mỹ-Trung để dần phát triển các khả năng xâm nhập vào các hệ thống dữ liệu của Chính phủ và các thực thể thương mại Mỹ. Bản báo cáo cũng nhấn mạnh: “Liên doanh với các công ty diệt virus của Mỹ hoặc của các nước phương Tây khác, chẳng hạn như Liên minh thông tin Virus Microsoft, sẽ giúp cho Trung Quốc có thể tiếp cận sâu và tăng cường khả năng chi phối đối với thị trường của Mỹ về lâu dài”.
Ngoài ra, mối quan hệ hợp tác với các công ty công nghệ cao, các công ty công nghệ thông tin của Trung Quốc có thể khiến cho các công ty của Mỹ và các nước phương Tây khác đánh mất quyền sở hữu trí tuệ và làm giảm khả năng cạnh tranh. Điều này được thể hiện rõ nhất trong mối quan hệ liên doanh giữa Công ty công nghệ Huawei Shenzhen/nhà cung cấp thiết bị và dịch vụ truyền thông lớn của Trung Quốc và Công ty Symantec của Mỹ trong những năm gần đây.
Sau 4 năm liên doanh, Huawei đã mua lại hoàn toàn Symantec với 530 triệu USD. Điều này giúp cho Huawei có thể nắm giữ hoàn toàn giấy phép đối với các công nghệ của Symantec, đồng thời ngày càng tiến sâu hơn vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, trước những quan ngại về các hoạt động gián điệp mạng, Bộ Thương mại Mỹ vừa tuyên bố cấm không cho Huawei tham gia vào một dự án phát triển mạng lưới vô tuyến điện cho các lực lượng cấp cứu, cảnh sát và cứu hỏa của Mỹ.
Đánh giá rủi ro
Ngoài ra, một điều khoản trong luật chi tiêu dài 240 trang vừa công bố còn yêu cầu các cơ quan thực hiện phải có đánh giá rủi ro về “các hoạt động gián điệp, phá hoại trên không gian mạng” cũng như tham khảo ý kiến các cơ quan thực thi pháp luật khi xem xét trang bị hệ thống công nghệ thông tin. Việc đánh giá này phải bao gồm “bất kỳ rủi ro nào có mối liên hệ đến một hệ thống tương tự như vậy được chế tạo, sản xuất, lắp ráp bởi một hoặc nhiều đối tượng được sở hữu, chỉ đạo hoặc trợ cấp của Trung Quốc”.
Việc thắt chặt mua sắm không chỉ giới hạn ở các sản phẩm công nghệ thông tin nhập khẩu trực tiếp từ Trung Quốc, mà nó còn có thể ảnh hưởng ngay cả với các sản phẩm có liên quan đến Trung Quốc được sản xuất tại quốc gia khác. Ví dụ như mua máy tính Lenovo sản xuất tại Đức hoặc thiết bị cầm tay của Huawei được thiết kế ở Anh...
Việc sửa đổi lần này thể hiện quan điểm kiên quyết của Mỹ đối với mối quan ngại ngày càng cao về các nguy cơ an ninh mạng được cho là tiềm ẩn trong các thiết bị công nghệ cao có nguồn gốc từ Trung Quốc. Trước đó, một dự luật tương tự do các tiểu ban tư pháp, khoa học và thương mại của hạ viện đề xuất đã được thông qua vào 30/9/2012.
Trước đây, Mỹ đã từng ngăn cản việc một số các công ty công nghệ cao Trung Quốc như Huawei, ZTE tham gia đấu thầu cung cấp hạ tầng viễn thông tại quốc gia này, cũng với lý do quan ngại về các vấn đề an ninh.
Như vậy, việc tiếp tục yêu cầu thắt chặt mua sắm các thiết bị công nghệ thông tin có nguồn gốc từ Trung Quốc để trang bị cho các cơ quan chính phủ đã thể hiện sự quan ngại sâu sắc của Mỹ, do nhận thấy Trung Quốc đã và đang lên kế hoạch tiến hành một cuộc tấn công mạng mang tính phủ đầu nhằm phá hoại hoặc giành quyền kiểm soát đối với các hệ thống tin tức trọng yếu của đối phương, trong đó Mỹ cũng có thể là đối tượng nếu xẩy ra xung đột giữa hai nước./.