“Băng đã tan nhưng trước mắt còn cả một chặng đường dài để Nga - Mỹ cải thiện quan hệ song phương”; “Cả hai bên đều tập trung ở những lĩnh vực mà họ chia sẻ quan điểm chứ không phải ở những mâu thuẫn”… 

kerry_putin_rcuc.jpgNgoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) gặp gỡ Tổng thống Nga Putin (Ảnh Reuters)

Đó là những nhận định của các hãng thông tấn và báo giới về cuộc gặp của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Sochi ngày 13/5 vừa qua. 

Chuyển từ cô lập sang hợp tác 

Trong cuộc gặp cấp cao Nga - Mỹ đầu tiên kể từ khi quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng do khủng hoảng ở Ukraine. Hai bên đã bàn thảo nhiều vấn đề quốc tế quan trọng như:  chương trình hạt nhân Iran, tiến trình hòa bình Trung Đông, các điểm “nóng” ở Syria, Yemen, đấu tranh chống khủng bố IS và giải trừ vũ khí hạt nhân… Tuy nhiên, tình hình xung đột tại Ukraine vẫn là trọng tâm của cuộc thảo luận. 

Phát biểu sau cuộc gặp với Tổng thống Putin, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng, cuộc gặp với ông Putin rất “cởi mở và hữu ích”, bày tỏ sự cần thiết mang tính cấp bách của việc Nga - Mỹ hợp tác đối phó với những thách thức toàn cầu. 

Nhân dịp này, ông Kerry cũng tiết lộ khả năng những lệnh trừng phạt nhằm vào Nga có thể được dỡ bỏ nếu thỏa thuận ngừng bắn Minsk ở miền Đông Ukraine được thực thi đầy đủ. 

Ngoại trưởng Nga cũng nhận định: “Có một số bất đồng giữa Nga và Mỹ về nguồn gốc cuộc khủng hoảng ở Ukraine và những đánh giá hiện nay về diễn biến của cuộc khủng hoảng này. Tuy nhiên, chúng tôi hoàn toàn thống nhất trong nhận định chung rằng cần phải giải quyết vấn đề này chỉ với giải pháp hòa bình duy nhất, đó là thực hiện đầy đủ và toàn diện thỏa thuận Minsk”. 

Ngoại trưởng Nga Lavrov đánh giá cao cuộc gặp và nhấn mạnh các cuộc hội đàm nhân chuyến thăm Nga của ông Kerry lần này cho phép hai bên hiểu nhau hơn, cùng nhất trí với quan điểm chung rằng, cần tránh những bước đi có ảnh hưởng lâu dài tới mối quan hệ Nga - Mỹ cũng như tới sự hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực.

Giới phân tích cho rằng, cuộc gặp ở Sochi cho thấy cả hai bên đều mong muốn đối thoại sau giai đoạn căng thẳng kéo dài vì tình hình ở Ukraine; rằng Washington đã từ bỏ việc kêu gọi cô lập Nga và chuyển sang tìm cách hợp tác; và đây được xem là một động thái thể hiện “sự hòa giải và  thỏa hiệp” cũng như dấu hiệu cho thấy sự “tan băng” trong mối quan hệ căng thẳng giữa Nga và Mỹ liên quan tới cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraine. 

Lợi ích vẫn là chủ đạo 

Nhân dân Nhật báo (Trung Quốc) ngày 13/5 đã có bài phân tích, việc Mỹ bất ngờ chuyển sang thực thi sách lược “vừa đấm vừa xoa” với Moscow rõ ràng là có lợi cho Washington.  Trải qua thời gian dài xung đột, Nhà Trắng đã nhận ra việc tiếp tục hỗ trợ “các nước nhỏ” không còn phù hợp với lợi ích của nước Mỹ. 

Các quốc gia độc lập (Ukraine, Gruzia...) đã “hoàn toàn phân rã” trước sự phản đối cứng rắn từ Nga, trong khi Moscow vẫn giành được “lợi ích cốt lõi” từ các khu vực này, nếu Mỹ tiếp tục hỗ trợ cho các quốc gia này thì chỉ càng dễ khiến Nga nổi giận và thậm chí có hành động cứng rắn hơn. 

Tờ New York Post của Mỹ đã có bài nhận định: “sau cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine, thế giới đã có nhiều biến động to lớn. Trong bối cảnh đó, Nga đã từng bước đạt các mục tiêu đối ngoại, trong khi kế hoạch chiến lược của Mỹ vẫn chỉ nằm trên giấy”. “Đông tiến” của NATO đã không thành; Kế hoạch “Đại Trung Đông” còn dang dở; Chiến lược “xoay trục” về châu Á, vẫn nói nhiều hơn làm… 

Trong bối cảnh hiện nay, khi ông Obama phải đối đầu với chính đảng Dân chủ của mình tại Quốc hội về hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), thì ông Putin đã thực hiện được bước ngoặt quan trọng thông qua thắt chặt hơn quan hệ với Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và các nước châu Á khác… 

Trong khi Mỹ đang có nguy cơ mất dần những người bạn ở Trung Đông, châu Á, thậm chí cả châu Âu thì nước Nga lại tìm được đồng minh ở khắp nơi. Càng ngày tiếng nói phản đối trừng phạt Nga của các nước EU càng nhiều hơn, trong khi Moscow đã kết thân được với hàng loạt cường quốc châu Á và cả châu Phi, Mỹ Latin. 

Tờ New York Post đã đưa ra kết luận rằng, trên thực tế, chiến lược bao vây, cô lập Moscow của Washington đã thất bại thảm hại. Nga đã từng bước vượt qua khó khăn, vững bước đi lên và đang hình thành một khối đồng minh mới.

Chính sách ngoại giao thiếu điểm nhấn của ông Obama đã khiến cho Mỹ mất dần cả những bạn bè truyền thống. Vì thế, việc “làm lành” với Moscow có thể là chính sách “khôn ngoan” trong bối cảnh hiện nay của Washington.

Một mũi tên nhằm hai đích 

Hiện dư luận vẫn đang đặt ra nhiều giả thiết khác nhau, liên quan tới chuyến thăm Nga của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Trong khi một số nhà quan sát cho rằng, chuyến thăm Nga của ông Kerry thực chất chỉ là dấu hiệu cho thấy sự bất lực của Mỹ trong các vấn đề quốc tế khi vắng Nga, thì nhiều nhà phân tích khác lại nhận định, chuyến thăm Nga lần này của ông Kerry rất được phía Moscow hoan nghênh, bởi lẽ, Nga cũng muốn thể hiện sự sẵn sàng đối thoại với Mỹ. 

Tuy nhiên, việc cải thiện sâu hơn mối quan hệ giữa hai bên trong thời gian tới còn tùy thuộc rất nhiều vào những hành động và quyết định của mỗi bên trong từng vấn đề cụ thể. 

Việc từ chối không dự Lễ duyệt binh tại Nga ngày 9/5 vừa qua của Mỹ là hành động “thất sách”, đã tự cô lập mình khỏi phần còn lại của thế giới, vì kỷ niệm ngày 9/5 chiến thắng Phát xít là cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại nhất của nhân loại trong thế kỷ XX (Báo Il Giornale d'Italia). 

Và giờ đây Washington lại phải “mềm mỏng” hàn gắn quan hệ với Moscow để vừa khôi phục lại sức mạnh khả dĩ có thể giải quyết những vấn đề quốc tế mà thiếu Nga, Mỹ không thể kham nổi, vừa “kiềm chế” sự thái quá của ai đó muốn ngăn cản đà “xoay trục” của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương. 

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, sự “tan băng” lần này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, không chỉ từ chính sách đối ngoại mà điều quan trọng hơn là từ những vấn đề mâu thuẫn nội bộ, trong khi cuộc chiến giành ghế Tổng thống giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa năm 2016 đang tới gần. Vì thế, sự “tan băng” trong quan hệ Nga – Mỹ nhanh hay chậm vẫn còn đang ở phía trước./.