Theo RT, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát biểu như trên tại cuộc họp báo ngày 4/3 và cho biết ông nhận thấy vẫn chưa cần phải can thiệp quân sự vào Ukraine.
Đưa quân sang Ukraine chỉ để bảo vệ thường dân
Tổng thống Nga Putin tại cuộc họp báo (Ảnh RIA) |
“Nếu chúng tôi nhận thấy tình trạng coi thường pháp luật bắt đầu xảy ra tại các khu vực miền Đông Ukraine và nếu người dân tại đây yêu cầu chúng tôi giúp đỡ thông qua lời cầu viện của người lãnh đạo hợp pháp của họ thì chúng tôi có quyền sử dụng mọi biện pháp mà chúng tôi có để bảo vệ họ và chúng tôi sẽ làm việc này theo đúng quy định của pháp luật”, ông Putin khẳng định.
Khi được hỏi ông có sợ chiến tranh nổ ra hay không, Tổng thống Nga trả lời rằng Nga không định gây chiến với Ukraine. Tuy nhiên binh lính Nga sẽ ngăn chặn mọi nỗ lực tấn công vào thường dân Ukraine trong trường hợp họ được điều động.
“Chúng tôi không định gây chiến với Ukraine. Tôi muốn mọi người hiểu rõ điều này. Nếu chúng tôi phải ra quyết định thì quyết định đó sẽ là để bảo vệ người dân Ukraine. Tôi đang muốn xem ai tại Ukraine dám ra lệnh cho quân đội nước này nhắm bắn vào những thường dân của họ, nhắm bắn vào cả phụ nữ và trẻ em Ukraine”, ông Putin nhấn mạnh.
Tổng thống Nga cũng phủ nhận rằng các nhóm vũ trang mang quân phục Nga mà không có phiên hiệu cụ thể đang chiếm đóng tại Crimea không phải là binh lính Nga.
Ông Putin giải thích rằng họ là thành viên của các lực lượng tự vệ tại Crimea và những người này cũng không được trang bị gì tốt hơn những kẻ quá khích đã tham gia vào việc lật đổ Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich.
Cuộc tập trận bất ngờ tại biên giới phía Tây của Nga vừa kết thúc ngày 4/3 không hề có liên quan gì đến tình hình tại Ukraine, Tổng thống Nga Putin khẳng định.
Lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây là phản tác dụng
Khi được hỏi về những chỉ trích của Mỹ và phương Tây về lập trường của Nga đối với Ukraine, ông Putin phủ nhận cáo buộc rằng Nga đang hành động vi phạm pháp luật.
Ông Putin nhấn mạnh ngay cả trong trường hợp Nga tấn công vào Ukraine thì Nga cũng sẽ không để vi phạm luật pháp quốc tế.
Ngược lại, ông buộc tội Mỹ và các đồng minh của mình đã bất chấp luật pháp khi họ sử dụng quân đội để theo đuổi lợi ích riêng của mình.
“Khi tôi hỏi họ rằng liệu các anh có tin rằng những điều các anh làm là hoàn toàn hợp pháp không thì họ trả lời là có. Sau đó tôi phải nhắc lại với họ về những gì Mỹ đã làm tại Afghanistan, Iraq và Libya. Ở những nước này Mỹ đã hành động mà không hề có sự cho phép của Liên Hợp Quốc hoặc cố tình phớt lờ lệnh cấm của Liên Hợp Quốc như trong vụ việc tại Libya”, ông Putin nói.
“Những đối tác của Nga, đặc biệt là những người Mỹ rất rành rẽ và luôn muốn mọi việc diễn biến theo đúng lợi ích về địa chính trị của họ. Họ luôn theo đuổi mục tiêu này và kéo cả thế giới về phía mình theo kiểu “theo hay là chống” và liên tục quấy rối những nước không chịu theo họ”, Tổng thống Nga nói thêm.
Khi được hỏi về những lệnh trừng phạt mà Nga có thể phải đối mặt trong vấn đề Ukraine, ông Putin nói rõ rằng, những người đe doạ Nga nên nghĩ đến hậu quả nếu họ định làm như vậy.
“Trong một thế giới liên kết chặt chẽ như hiện nay, một nước có thể làm tổn thương một nước khác nếu muốn, nhưng nước này cũng sẽ bị tổn thương không kém”, ông Putin chia sẻ.
Tổng thống Nga cảnh báo những lời đe doạ trừng phạt sẽ chỉ gây phản tác dụng. Ông cũng nói rằng nếu nhóm G8 không định tham dự Hội nghị thượng đỉnh G8 tại Sochi vào tháng 6/2014 thì đó là việc của họ.
Không ai thương xót ông Yanukovich
Người dân Ukraine có quyền được biểu tình chống lại ông Yanukovich vì tình trạng tham nhũng tràn lan cũng như những sai lầm khác trong khi ông tại vị, ông Putin nói.
Tuy nhiên, Tổng thống Nga không chấp nhận việc lật đổ ông Yanukovich một cách trái phép như vậy bởi nó sẽ khiến tình hình chính trị Ukraine càng thêm bất ổn.
Ông Yanukovich tại cuộc họp báo sau khi sang Nga (Ảnh Reuters) |
Ông Putin nói rõ rằng ông không hề thích các cuộc biểu tình trên đường phố Kiev kéo dài hàng tháng qua nhằm gây sức ép lên chính quyền Ukraine nhưng ông cảm thông với những người tham gia biểu tình bởi họ đang giận dữ với tình hình tại Ukraine.
Khi được hỏi liệu có sự hiện diện của các tay súng bắn tỉa trong vụ đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình Ukraine tại thủ đô Kiev vào tháng trước ông Putin cho biết ông không hề thấy ông Yanukovich ra lệnh sử dụng súng tấn công vào người biểu tình.
Ông Putin cho rằng những kẻ bắn tỉa có thể là những kẻ khích động từ các nhóm đối lập. Ông cũng khẳng định một thực tế là các sỹ quan cảnh sát đã bị bắn chết trong cuộc đụng độ nói trên.
Mặc dù hiện tại ông Yanukovich không có quyền hành gì tại Ukraine nhưng về mặt luật pháp ông vẫn là Tổng thống hợp pháp của nước này, ông Putin khẳng định và nói thêm rằng cách mà chính quyền mới tại Kiev lật đổ ông này sẽ không giúp làm gia tăng uy tín của họ.
Khi được hỏi liệu ông có thấy thương hại ông Yanukovich hay không, ông Putin trả lời: “Ồ không, Tôi có một cảm giác rất khác”. Tuy nhiên ông từ chối giải thích cảm giác đó là cảm giác gì.
Tổng thống Nga cũng nhắc lại những sai lầm mà ông nhận thấy từ những quyết định của ông Yanukovich và giải thích rằng đáng lẽ ra ông Yanukovich không nên làm như vậy.
Đồng thời, ông Putin nhận thấy ông Yanukovich không còn tương lai chính trị tại Ukraine nữa. Ông cũng cho biết Nga cho phép ông tỵ nạn tại nước này vì lý do nhân đạo bởi nếu ông Yanukovich trở lại Ukraine có thể ông sẽ bị tử hình.
Tương lai của Ukraine nằm trong tay nhân dân
Chính phủ Nga hiện đang liên hệ với chính quyền mới tự thành lập tại Ukraine với mục tiêu duy trì mối quan hệ kinh tế giữa hai nước. Tuy nhiên, bất kỳ mối quan hệ thông thường nào cũng chỉ có thể được tiến hành khi Ukraine có một Chính phủ hoàn toàn hợp pháp, ông Putin nói.
Người dân nói tiếng Nga tại Crimea biểu tình phản đối sắc lệnh của Quốc hội Ukraine dừng việc sử dụng hai ngôn ngữ chính thức tại một số vùng của nước này trong đó có Crimea (Ảnh RIA) |
Tổng thống Nga cũng cho biết hiện ông không có một đối tác nào tại Ukraine và không có ai để liên lạc về vấn đề này.
Ông Putin nhấn mạnh rằng Nga muốn có sự tham gia bình đẳng của mọi công dân Ukraine trong việc quyết định tương lai của nước này.
Sự phản kháng đối với các quan chức tại Kiev - rõ rệt nhất là tại phía Đông và Nam Ukraine, cho thấy Chính phủ Ukraine không có đủ thẩm quyền để điều hành đất nước.
Nga sẽ theo dõi tiến trình bầu cử Tổng thống tại Ukraine và nếu cuộc bầu cử diễn ra trong tình trạng khủng bố thì Nga sẽ không coi đó là một cuộc bầu cử công bằng và không chấp thuận kết quả cuối cùng, Tổng thống Nga khẳng định./.