Hôm nay (12/6) đánh dấu tròn 1 năm ngày diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Khi hai nhà lãnh đạo cùng nhau xuất hiện trước truyền thông thế giới, cũng là thời điểm người ta kỳ vọng về những thay đổi và bước tiến. Một năm sau, dù sự hứng khởi không còn trọn vẹn như ban đầu và những lời trách cứ vẫn không ngừng được đưa ra, song niềm tin về một nền hòa bình bền vững trên Bán đảo Triều Tiên vẫn không hề mất đi.

thuongdinhmytrieu_ojzl.jpg
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Ngày 12/6/2018, tại cuộc họp Thượng đỉnh lịch sử lần đầu tiên giữa một Tổng thống Mỹ đương nhiệm và một nhà lãnh đạo Triều Tiên, hai bên đã ký thỏa thuận về phi hạt nhân hóa. Dù nội dung văn kiện còn rất mơ hồ, song Tổng thống Donald Trump khi đó đã giơ cao bản tuyên bố chung, gọi đây là một “bước tiến quan trọng”, một chiến thắng ngoại giao quan trọng của cả ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

“Cách đây gần 70 năm, một cuộc xung đột đẫm máu đã tàn phá Bán đảo Triều Tiên. Vô số người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột này. Trong khi thỏa thuận ngừng bắn đã đạt được, cuộc chiến chưa bao giờ kết thúc cho đến tận hôm nay. Nhưng giờ đây tất cả chúng ta có thể hy vọng rằng cuộc chiến sẽ sớm chấm dứt và điều đó sẽ xảy ra”, ông Trump nói.

Hai nhà lãnh đạo đã cam kết vượt qua những căng thẳng và thù địch trong nhiều thập kỷ qua giữa hai nước để mở ra một tương lai mới, xây dựng một cơ chế hòa bình lâu dài và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên.

Những gì hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đạt được tại cuộc gặp đầu tiên ở Singapore đã trở thành tiền đề quan trọng để 8 tháng sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un quyết định gặp nhau lần thứ 2 (vào ngày 27 và 28/2/2019 tại Hà Nội). Tuy nhiên, những bước đi này được đánh giá chủ yếu mang tính xây dựng lòng tin, chưa đủ mạnh để phá vỡ bế tắc liên quan đến mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Đây cũng là lý do dẫn đến việc hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đã không thể ra được tuyên bố chung tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 2 này và thậm chí là hủy cả bữa ăn trưa theo dự kiến.

Cũng kể từ sau hội nghị lần 2 tại Hà Nội, tiến trình đàm phán giữa hai nước đã bị rơi vào bế tắc do Mỹ và Triều Tiên liên tục thể hiện quan điểm bất đồng về việc phi hạt nhân hóa. Triều Tiên đã nhiều lần thể hiện sự “không hài lòng” với Mỹ và đặt ra một thời hạn chót là đến cuối năm nay Mỹ phải thay đổi yêu sách trong đàm phán phi hạt nhân hóa. Song song với đó, Triều Tiên đã thực hiện một số vụ phóng tên lửa tầm ngắn vào vùng biển phía Đông, như vụ thử vũ khí mới ngày 18/4 hay vụ phóng các vật thể bay về phía biển Nhật Bản hôm 9/5 vừa qua.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un nhấn mạnh: "Tôi luôn sẵn sàng ngồi xuống đối thoại với Tổng thống Mỹ vào bất kỳ thời điểm nào và sẽ đưa ra những nỗ lực để đạt được kết quả mà cộng đồng quốc tế mong đợi. Tuy nhiên, nếu Mỹ muốn thử thách sự kiên nhẫn của chúng tôi, dùng vũ lực và theo đuổi các biện pháp trừng phạt, chúng tôi sẽ tìm hướng đi mới để bảo vệ chủ quyền và đạt được hòa bình trên bán đảo Triều Tiên”.

Dẫu vậy, một năm sau Hội nghị Thượng đỉnh tại Singapore, dù sự hứng khởi không còn trọn vẹn như ban đầu và những lời trách cứ vẫn không ngừng được đưa ra, song niềm tin về một nền hòa bình bền vững trên Bán đảo Triều Tiên vẫn không hề mất đi. Ngay trước thời điểm đánh dấu tròn 1 năm Thượng đỉnh Mỹ- Triều lần thứ nhất, ông chủ thứ 45 của Nhà Trắng cho biết đã nhận được một bức thư có nội dung “nồng ấm” từ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

"Tôi vừa nhận được một bức thư tuyệt vời từ nhà lãnh đạo Triều Tiên. Tôi chưa thể nêu cụ thể nội dung bức thư, nhưng nói chung đây là một bức thư cá nhân rất ấm áp. Tôi mong muốn sẽ có bước tiến xa hơn hiện nay, không có các vụ thử hạt nhân hay thử tên lửa lớn như thời điểm tôi bắt đầu nhận nhiệm vụ Tổng thống. Chúng tôi có mối quan hệ tốt và tôi nghĩ một điều gì đó  tích cực sẽ xảy ra”, ông Trump cho biết.

Trước đó cùng ngày, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton tuyên bố Hội nghị Thượng đỉnh lần ba giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un “hoàn toàn có thể” xảy ra. Theo các nhà phân tích, với việc sắp tái tranh cử, Tổng thống Donald Trump chắc chắn sẽ muốn một thành tựu chính sách đối ngoại lớn để gây tiếng vang trong chiến dịch tranh cử. Và hơn hết, cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều lịch sử đầu tiên tại Singapore và cuộc gặp thứ hai ở Hà Nội vẫn được xem là minh chứng cho sự đúng đắn của cách tiếp cận mang tính xây dựng, đó là “đối thoại” thay cho “đối đầu”./.