Căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản liên quan tranh chấp chủ quyền đảo tiếp tục gia tăng khi ngày 18/9, 2 nhà hoạt động Nhật Bản đã lên hòn đảo thuộc quần đảo tranh chấp Điếu Ngư theo cách gọi của Trung Quốc và Senkaku theo cách gọi của Nhật Bản.

Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc ngày 18/9, tiếp tục lan rộng, trong khi tại Nhật Bản cũng đã xuất hiện một số cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc. Mỹ đã kêu gọi hai bên kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Ngày 18/9, Chính phủ Trung Quốc đã phản đối việc hai nhà hoạt động Nhật Bản đã tới một hòn đảo thuộc quần đảo Điếu Ngư. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho rằng, đây là sự "vi phạm nghiêm trọng" chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Ông nói: “Trung Quốc đề nghị Nhật Bản giải thích về hành động của 2 nhà hoạt động nước này, đồng thời yêu cầu Nhật Bản có các biện pháp ngăn chặn bất cứ hành động nào có thể làm gia tăng thêm căng thẳng xung quanh vấn đề này. Trung Quốc sẽ có biện pháp đáp trả mạnh mẽ hơn trong trường hợp cần thiết”.

 

nhat-trung.jpg
Người biểu tình vẫy cờ Trung Quốc trước Đại sứ quán Nhật ở Bắc Kinh (ảnh: AFP)

Cùng ngày, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết, 11 tàu hải giám Trung Quốc đã tiến vào vùng biển xung quanh quần đảo tranh chấp. Theo người phát ngôn lực lượng này, chiều 18/9, họ phát hiện các tàu hải giám Trung Quốc ở vùng biển gần đảo Uochuri mà Luật hàng hải quốc tế quy định là vùng tiếp giáp.

Trong khi đó, làn sóng biểu tình chống Nhật tại Trung Quốc tiếp tục lan rộng trong ngày 18/9, đánh dấu 81 năm trước đây dẫn tới việc quân đội Nhật Bản chiếm đóng vùng Đông Bắc Trung Quốc.

Hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản đưa tin biểu tình chống Nhật tại Trung Quốc trong ngày 18/9 đã diễn ra ở gần 100 thành phố. Tình hình căng thẳng đã khiến ba hãng sản xuất ôtô lớn của Nhật Bản đồng loạt tuyên bố ngừng một số hoặc toàn bộ hoạt động của họ ở Trung Quốc.

Cùng ngày, tại Nhật Bản cũng đã xuất hiện các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc khi Lãnh sự quán Trung Quốc tại Thành phố Fukuoka đã bị tấn công bằng hai quả bom xăng. Tuy nhiên, không ai bị thương trong vụ tấn công này. Đây là lần đầu tiên, một vụ bạo lực nhằm vào Trung Quốc xảy ra tại Nhật Bản kể từ khi căng thẳng leo thang giữa hai nước xung quanh quần đảo tranh chấp.

Trước những diễn biến căng thẳng liên quan tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản, trong buổi họp báo tại Bắc Kinh ngày 18/9 sau cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta, đang ở thăm Trung Quốc kêu gọi hai bên bình tĩnh và kiềm chế.

Ông Panetta cho rằng không quốc gia nào có lợi nếu tình hình hiện nay leo thang thành xung đột, phá hoại ổn định và hòa bình ở một khu vực rất quan trọng.

Giới phân tích cho rằng, căng thẳng giữa hai nền kinh tế hàng đầu châu Á và thế giới xung quanh chủ quyền quần đảo tranh chấp đã tác động trực tiếp đến hợp tác kinh tế của hai nước. Căng thẳng giữa hai nước không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các công ty Nhật Bản tại Trung Quốc, mà còn tác động đến việc học của các học sinh, khi nhiều trường học Nhật Bản tại các thành phố lớn của Trung Quốc phải tạm nghỉ học.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, nếu làn sóng bài Nhật nhuốm màu bạo lực tiếp diễn và không được kiểm soát, các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ chuyển hướng đầu tư sang nước khác. Khi đó không chỉ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này bị ảnh hưởng, mà thương mại song phương Trung - Nhật cũng sẽ bị tác động mạnh. Bởi, chỉ riêng năm 2011 Nhật Bản đã đầu tư số tiền lên đến gần 343 tỉ USD vào Trung Quốc./.