Thông tin trên sau đó cũng được chính giới chức Ai Cập xác nhận. Chủ tịch hãng EgyptAir Ahmed Adel lên tiếng cải chính lại tuyên bố của hãng và cho biết, những mảnh vỡ đõ “không phải là từ máy bay của chúng tôi”.
Khó có thể là do lỗi kỹ thuật
Theo AFP, trước đó, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi đã ra lệnh “tăng cường tìm kiếm” chiếc máy bay của hãng EgyptAir bị mất tích sau khi có thông tin đã tìm thấy 2 mảnh vỡ lớn cùng nhiều phao cứu sinh gần nơi chiếc máy bay nghi bị rơi.
Tổng thống Pháp Francois Hollande cùng ngày tuyên bố, chiếc máy bay của Ai Cập “đã bị rơi” và giới chức Pháp và Ai Cập đã quyết định mở cuộc điều tra liên quan đến vụ tai nạn này.
Tại Mỹ, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết: “Còn quá sớm để có thể đưa ra tuyên bố chính xác về nguyên nhân thảm họa rơi máy bay này”.
Cùng chung quan điểm này, Bộ trưởng Hàng không Ai Cập Sherif Fathy nhấn mạnh, ông chưa thể “bác bỏ bất kỳ giả thiết nào liên quan đến chiếc máy bay của hãng EgyptAir”.
Tuy nhiên, ông Fathy cho rằng, khả năng máy bay bị tấn công khủng bố “cao hơn so với khả năng chiếc máy bay này bị lỗi kỹ thuật” và bị rơi xuống Địa Trung Hải.
Bộ trưởng Hàng không Ai Cập Sherif Fathy thông tin với báo chí về vụ tai nạn máy bay EgyptAir. Ảnh AFP |
Nhiều chuyên gia hàng không cũng đồng tình với ông Fathy và nhận định, ít có khả năng chiếc máy bay này bị lỗi kỹ thuật. Theo các chuyên gia này, chiếc máy bay này mới đi vào hoạt động năm 2003 và được coi là khá mới so với loại máy bay thường được sử dụng từ 30-40 năm này.
“Một lỗi kỹ thuật nghiêm trọng- ví dụ như nổ động cơ- là rất khó xảy ra”, chuyên gia hàng không Gerard Feldzer cho biết.
Không phải là bị bắn hạ?
Cũng theo ông Feldzer, A320 là loại máy bay có lịch sử an toàn bay rất đáng nể và là loại máy bay tầm trung bán chạy nhất thế giới. Trung bình cứ nửa phút lại có một chiếc A320 cất hoặc hạ cánh tại các sân bay trên toàn thế giới.
“Đó là một chiếc máy bay hiện đại trong khi vụ rơi máy bay xảy ra giữa không trung trong điều kiện thời tiết rất ổn định. Trong vụ tai nạn nói trên, chất lượng cũng như điều kiện bảo trì của chiếc máy bay này là không có gì phải nghi ngờ”, ông Jean-Paul Troadec, cựu Giám đốc Cục Phân tích và Điều tra của Cơ quan Hàng không Dân dụng Pháp chia sẻ.
EgyptAir là “một công ty được cấp phép hoạt động tại châu Âu, chính vì thế, hãng không nằm trong “danh sách đen về an ninh”, ông Troadec nói thêm.
Một số chuyên gia khác cho rằng, ít có khả năng máy bay bị bắn hạ từ mặt đất như vụ MH17 của hãng Malaysia Airlines rơi tại Ukraine vào tháng 7/2014 hay bị bắn hạ từ trên biển như vụ Hải quân Mỹ bắn nhầm một máy bay của hãng Iran Air vào năm 1988.
Thân nhân các nạn nhân vụ tai nạn máy bay EgyptAir có mặt tại sân bay Cairo sau khi nhận tin giữ. Ảnh Reuters |
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Panos Kammenos, chiếc máy bay của hãng EgyptAir đang bay ở độ cao 11km thì biến mất khi còn cách đảo Karpathos của Hy Lạp khoảng 130 hải lý. Chiếc máy bay này rơi xuống độ cao 6km và chuyển hướng đột ngột trước khi biến mất khỏi màn hình radar.
Vị trí chiếc máy bay biến mất khỏi màn hình radar nằm ngoài tầm bắn của các loại rocket mà các nhóm phiến quân tại Trung Đông thường sử dụng để bắn hạ máy bay.
“Chúng tôi cũng không loại trừ khả năng chiếc máy bay này bị một máy bay khác bắn nhầm. Tuy nhiên, nếu chuyện đó xảy ra, nhiều khả năng chúng tôi đã biết rõ về việc này”, ông Feldzer.
Khu vực gần nơi chiếc máy bay biến mất nằm ở phía Bắc Ai Cập, bao gồm bờ biển Israel và dải Gaza. Đây là “nơi được giám sát chặt chẽ nhất trên thế giới và sẽ rất khó để che dấu bất kỳ thông tin nào”, ông Feldzer nói thêm.
Khả năng khủng bố là cao nhất
Chính vì thế, các chuyên gia cho rằng, khả năng máy bay đã bị tấn công khủng bố là cao nhất, nhất là khi chiếc máy bay này không phát đi bất kỳ tín hiệu cầu cứu nào.
“Nếu bị lỗi kỹ thuật, bị cháy hay hỏng động cơ, các phi công hoàn toàn có đủ thời gian để phản ứng, tuy nhiên, trong vụ việc này, họ không hề phát đi tín hiệu nào”, ông Troadec nói.
Quan chức Ai Cập chính thức xác nhận máy bay rơi xuống Địa Trung Hải
Nếu bị gài bom, các chuyên gia sẽ phải lý giải xem quả bom đã được đưa lên khoang chiếc máy bay Ai Cập cất cánh tại sân bay Charles de Gaulle- sân bay bận rộn nhất của Pháp, nơi an ninh được thắt chặt sau vụ tấn công khủng bố rúng động Paris hồi tháng 11/2015.
“Việc đặt bom trên máy bay tại Paris và Cairo là hoàn toàn có thể xảy ra bởi rất khó có thể đảm bảo 100% an ninh tại sân bay dù đó là sân bay được giám sát chặt chẽ như Roissy (tên gọi khác của sân bay Charles de Gaulle)”, ông Feldzer nói.
Trong khi đó, trang web FlightRadar24- chuyên theo dõi các chuyến bay trên toàn cầu, cho biết, chiếc máy bay xấu số của hãng EgyptAir đã bay đến Ai Cập, Tunisia và Eritrea trước khi gặp nạn vào ngày 19/5. Điều này đồng nghĩa với việc quả bom rất có thể đã được cài lên máy bay trước khi chiếc máy bay này hạ cánh ở Pháp.
“Điều đầu tiên chúng tôi cần làm là phải tìm được các mảnh vỡ của chiếc máy bay để xem có dấu vết còn sót lại của chất nổ hay không”, ông Feldzer nói./.