CHDCND Triều Tiên hôm 5/1 nhất trí đối thoại với Hàn Quốc sau khi Mỹ và Hàn Quốc thông báo hoãn diễn tập quân sự. Các bên liên quan cũng đang tích cực chuẩn bị cho cuộc đàm phán liên Triều đầu tiên trong 2 năm qua, với hi vọng có thể giúp giảm căng thẳng sau một loạt vụ thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên trong năm 2017.

loi_cua_khu_phi_quan_su_lien_trieu_ysbe.jpg
Lính Triều Tiên tại khu lõi của khu phi quân sự liên Triều. Ảnh: NK News.

Các quan chức Hàn Quốc và Triều Tiên hôm 6/1 thảo luận chi tiết các nội dung cho cuộc họp cấp cao vào ngày 9/1 tới tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm (Panmunjom). Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, trong 2 ngày cuối tuần, thông qua kênh liên lạc được mở lại tại biên giới, hai bên sẽ thảo luận chi tiết chương trình nghị sự, bao gồm thành phần đoàn đại biểu tham gia đối thoại, biện pháp cải thiện quan hệ liên Triều, trong đó có việc Triều Tiên tham gia Thế vận hội mùa Đông.

Chủ tịch Ủy ban tái thống nhất hòa bình Triều Tiên Ri Son Gwon cho biết: “Chúng tôi đã mở các đường dây nóng để thảo luận với Hàn Quốc về thời điểm đối thoại thích hợp cũng như một đoàn đại biểu tham gia Thế vận hội. Triều Tiên sẽ tiếp xúc chặt chẽ với Hàn Quốc một cách chân thành. Chúng tôi sẽ thực hiện các cuộc họp cấp chuyên viên liên quan đến việc cử đoàn đại biểu đến tham gia Thế vận hội”.

Theo Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, hai bên sẽ thảo luận các biện pháp cải thiện quan hệ, nhưng chỉ sau khi hoàn tất vấn đề Triều Tiên tham gia Thế vận hội.

Các nỗ lực ngoại giao đang được các nước liên quan khẩn trương thực hiện sau những tín hiệu tích cực trên bán đảo Triều Tiên. Đặc phái viên Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ có cuộc gặp tại Seoul vào đầu tuần tới, 1 ngày trước thềm cuộc họp cấp cao liên Triều. Dự kiến cuộc họp sẽ thảo luận về tình hình trên bán đảo Triều Tiên sau thông điệp năm mới của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, tăng cường nỗ lực ngoại giao để thúc đẩy mối quan hệ liên Triều, giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Đặc phái viên Hàn Quốc và Trung Quốc về hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên hôm 5/1 cũng có cuộc gặp tại Seoul.Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết cơ quan này đang sắp xếp một cuộc gặp tương tự với các quan chức Mỹ.

Hy vọng về hòa bình trên bán đảo Triều Tiên đang được thắp sáng sau những bước đi thành ý của các bên. Tuy vậy, giới quan sát vẫn lạc quan một cách thận trọng về tính lâu dài của bầu không khí tích cực hiện nay, đặc biệt liên quan đến vai trò của Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng hoan nghênh các cuộc đối thoại liên Triều và hi vọng sẽ mang lại kết quả tích cực.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm 5/1 tuyên bố, hành động quân sự cứng rắn với Triều Tiên vẫn là một lựa chọn nếu các nỗ lực ngoại giao không khiến Bình Nhưỡng ngừng theo đuổi việc sở hữu vũ khí hạt nhân. Ông Tillerson nêu rõ, quân sự không phải là lựa chọn đầu tiên của Tổng thống Trump, nhưng sẽ là lựa chọn cần thiết để hỗ trợ cho đối thoại đi đến kết quả. Việc Triều Tiên chấp thuận đối thoại diễn ra ngay sau khi Mỹ và Hàn Quốc thông báo hoãn diễn tập quân sự, nhưng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc và Mỹ hôm 5/1 thông báo các cuộc diễn tập quân sự chung sẽ bắt đầu vào cuối tháng 4 tới. Triều Tiên luôn lên tiếng chỉ trích các cuộc tập trận này là diễn tập chiến tranh và có thể đưa ra những biện pháp phản ứng mạnh mẽ.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley trong tuần qua cũng cảnh báo, Triều Tiên có thể đang chuẩn bị cho một vụ thử tên lửa khác: “Chúng tôi nghe có thông tin về việc Triều Tiên chuẩn bị cho một vụ thử tên lửa khác nhưng tôi hi vọng điều đó sẽ không xảy ra. Tuy nhiên nếu điều đó xảy ra, chúng ta phải đưa ra các biện pháp cứng rắn để đối phó với Triều Tiên. Thế giới cần phải đoàn kết để đối phó với mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên”.Giới quan sát lo ngại, những diễn biến tích cực hiện nay có thể chỉ là phút dừng đảm bảo bầu không khí thuận lợi cho Thế vận hội Mùa đông diễn ra trước khi mọi thứ trở nên bùng nổ. 

Trung Quốc và Nga đang kêu gọi tất cả các bên cần nắm bắt cơ hội đối thoại liên Triều, giúp đưa tình hình quay trở lại đúng hướng, đó là tìm kiếm giải pháp hòa bình thông qua đối thoại. Nga cũng hối thúc Mỹ không phá hỏng cơ hội đối thoại giữa hai miền Triều Tiên, đồng thời nêu rõ các bên liên quan nên hành động "cẩn trọng, cân bằng và kiềm chế hết mức có thể"./.