Hôm qua (ngày 15/6), Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố, nước này sẽ tiếp tục điều chỉnh việc tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) nếu các bên tham gia không có "những dấu hiệu tích cực". Tuyên bố mới của ông Rouhani được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Iran tiếp tục leo thang sau khi Mỹ cáo buộc Iran gây ra 2 vụ tấn công tàu chở dầu ngoài vịnh Oman, điều mà Iran hoàn toàn phủ nhận.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh: Reuters |
Phát biểu tại Hội nghị về các biện pháp tương tác và xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA), đang diễn ra tại thủ đô Dushabe, Tajikistan với sự tham dự của nguyên thủ quốc gia Nga, Trung Quốc và nhiều nước châu Á khác, Tổng thống Iran khẳng định:
“Iran đương nhiên không thể tuân thủ thỏa thuận một mình. Các bên tham gia thỏa thuận cần đóng góp để bảo vệ thỏa thuận. Iran cần nhìn thấy một vài tín hiệu tích cực từ các bên tham gia ký kết thỏa thuận.”
Tổng thống Rouhani cho rằng, dù phía Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận trên và nối lại các lệnh trừng phạt, Iran vẫn tin rằng việc tuân thủ các điều khoản thỏa thuận được xác lập bởi các bên liên quan sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và bảo vệ sự ổn định tình hình khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, ông Rouhani không nêu chi tiết những biện pháp điều chỉnh mà quốc gia này sẽ thực hiện cũng như những "tín hiệu tích cực" mà họ mong đợi.
Cũng phát biểu tại sự kiện trên, Tổng thống Nga Putin cho rằng, việc Mỹ rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) ảnh hưởng đến tiến trình hạn chế phổ biến hạt nhân hiện tại. Tổng thống Putin khẳng định, Nga sẽ tuân thủ thỏa thuận, đồng thời thúc giục các nước khác cũng thực hiện mọi cam kết.
“Tất cả mọi người đều lo ngại về tình hình chương trình hạt nhân hiện tại của Iran liên quan đến thỏa thuận Kế hoạch hành động chung toàn diện. Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận này đã làm phức tạp hóa việc tuân thủ và thực thi hiệp ước, gây những tác động không tốt đến tiến trình hạn chế phổ biến hạt nhân quốc tế."
Ông Putin khẳng định rằng, Nga coi việc tiếp tục tuân thủ những điều khoản của thỏa thuận đã đề ra là giải pháp hợp lý duy nhất trong tình huống này.
Trên thực tế. những căng thẳng giữa Mỹ và Iran nảy sinh từ cách đây hơn một năm sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đột ngột rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 và tái áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt đối với Iran. Là một bên ủng hộ mạnh mẽ thỏa thuận hạt nhân, EU đã cam kết hỗ trợ Iran đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Tuy nhiên, đến nay giữa các bên vẫn chưa có được những bước đi mạnh mẽ, khiến Iran mất dần kiên nhẫn. Iran đã cho các bên thời hạn đến tháng 7 để đưa ra giải pháp cứu vãn thỏa thuận hạt nhân. Nếu sau thời điểm này mà các bên vẫn không đạt được thỏa thuận, Iran sẽ khôi phục các hoạt động hạt nhân của mình. Những căng thẳng giữa Mỹ và Iran cũng là nguyên nhân kéo Ngoại trưởng Đức Heiko Maas và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lần lượt tới Iran trong tuần qua, nhưng đều chưa đem lại những kết quả cụ thể./.
Ai hưởng lợi đằng sau vụ tấn công tàu chở dầu trên Vịnh Oman?